Tổng giám đốc Phạm Toàn Vượng Agribank cam kết cho vay thấp hơn 1% so với thị trường
Tổng giám đốc Phạm Toàn Vượng Agribank cam kết cho vay thấp hơn 1% so với mức lãi suất cho vay thông thường
PV Kinh tế
Thứ năm, ngày 07/11/2024 12:03 PM (GMT+7)
Tại Hội nghị triển khai Chương trình tín dụng ưu đãi thực hiện Đề án 1 triệu Ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL, ông Phạm Toàn Vượng, Tổng Giám đốc Agribank cam kết cho vay thấp hơn 1% so với mức lãi suất cho vay thông thường và nhiều ưu đãi khác.
Ngày 7/11/20224 tại Đồng Tháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, UBND tỉnh Đồng Tháp, tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình tín dụng ưu đãi thực hiện Đề án 1 triệu Ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL.
Hội nghị do đồng chí Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đồng chí Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đồng chí Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đồng chủ trì. Tham gia hội nghị còn có lãnh đạo UBND 12 tỉnh/thành phố vùng ĐBSCL, đại diện Sở, Ban, Ngành địa phương, lãnh đạo các Vụ, Cục NHNN, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố, các Hiệp hội, Doanh nghiệp trên địa bàn và các TCTD.
Đặc biệt, hội nghị còn có sự tham dự của rất nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia và mong muốn tham gia "Đề án 1 triệu Ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL". Sau một thời gian tham gia triển khai thí điểm, nhiều doanh nghiệp và HTX cho rằng để đề án này thành công không chỉ có sự tham gia của ngành ngân hàng, còn sự vào cuộc của nhiều bộ ngành, địa phương khác.
Agribank cho vay mấy chục năm rồi, sao lại kêu thiếu vốn?
Tại Hội nghị, bà Tạ Thu Thủy, Giám đốc Công ty TNHH XNK Phương Thanh, tỉnh Đồng Tháp chia sẻ vẫn còn nhiều lo ngại trước khi tham gia đề án. Theo đó, trước đây sản phẩm lúa gạo thường lo ngại vì thiếu đầu ra, chất lượng gạo chưa được đánh giá cao trên thị trường và vấn đề tiếp cận vốn. Nhưng khi tham gia đề án này, chúng tôi thấy tự tin hơn. "Tôi tin đề án này giúp chúng tôi có thêm thế mạnh về chất lượng hạt gạo, đáp ứng được nhu cầu thế giới đang ngày càng cao và cạnh tranh. Bên cạnh đó, nhân tố quan trọng là người nông dân đã tiếp cận được nguồn vốn thấp một cách dễ dàng và ưu đãi thêm 1% so với mặt bằng", bà Thuỷ chia sẻ.
Tuy vậy, bà Thuỷ vẫn lo ngại vấn đề tài sản đảm bảo đối với những doanh nghiệp thu mua nông sản thì câu chuyên tài sản đảm bảo rất khó khăn vì vậy việc tiếp cận vốn vay trung và dài hạn còn nhiều hạn chế. "Tôi kiến nghị ngân hàng tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia đề án tiếp cận được nguồn vốn vay trung và dài hạn".
Tham dự hội nghị, ông Trần Trương Tấn Tài, Tổng Giám đốc Công ty TNHH lúa gạo Việt Nam (Vinarice), tỉnh Kiên Giang cũng cho hay công ty đã tham gia đề án này ngay từ đầu và đã hình thành chuỗi quá trình, nhằm tăng chất lượng hạt gạo, giảm chi phí sản xuất. Theo đó, công ty vừa là đơn vị cung cấp giống cho bà con nông dân, vừa là đơn vị thu mua gạo. Hiện công ty đang mở rộng nhà máy và tăng nguồn cung ứng để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu gạo của công ty trong thời gian tới. Riêng năm 2023, công ty đã xuất khẩu hơn 50 nghìn tấn gạo sang các thị trường cao cấp như Mỹ, Canada, Úc và tăng 35% so với năm 2022.
"Hiện doanh nghiệp đang chủ động nguồn vốn, như nếu có sự hỗ trợ nguồn vốn từ ngân hàng và được ưu đã thì đề án sẽ hanh thông hơn, nông dân sẽ tham gia nhiều hơn. Tuy nhiên, điều tôi băn khoăn là mức ưu đãi lãi suất 1% là căn cứ vào mặt bằng lãi suất cho vay nào, cao hay thấp hơn lãi vay hiện tại của doanh nghiệp đang vay. Vì hiện nay, chúng tôi đang được Vietcombank cho vay với lãi suất 4,3%. Vậy chúng tôi tham gia và vay vốn thì có được ưu đãi thấp hơn mức hiện tại không?", ông Tài băn khoăn.
Theo ông Tài, vấn đề quan tâm của doanh nghiệp hiện nay là thương hiệu gạo. Hiện doanh nghiệp đang bị đối tác dựng rào cản căng thẳng nên gặp nhiều khó khăn trong việc xuất khẩu gạo chất lượng cao.
"Chúng tôi phải làm thương hiệu gạo chất lượng cao ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng để xây dựng thương hiệu đó thì có nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất là chúng tôi phải đầu tư cái hệ thống hạ tầng cơ sở, logictis để lưu trữ tăng chất lượng gạo, có như vậy chúng ta mới xây dựng tưng bước thị trường xuất khẩu. Câu chuyện này sẽ còn dài, vì hiện nay khi thu hoạch, lúa gạo của chúng ta đang bị dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và kim loại nặng. Cần phải có công nghệ tồn trữ từ hai đến ba tháng mới loại thải được những cái chất đó, như vậy khi xuất khẩu thương hiệu và chất lượng gạo mới, giá mới tăng lên được", ông Tài phân tích.
Để làm được điều này, Công ty hiện đang mở rộng quy mô bằng công nghệ mới của Đức và dự kiến hoàn thành trong năm 2025. Vinarimex là một trong những đơn vị đầu tiên đưa công nghệ này vào Việt Nam và sẽ mang lại hiệu quả cho hạt gạo.
"Chúng tôi kêu gọi nông dân tham gia đề án và công nghệ mới của chúng tôi. Nếu hộ nông dân nào tham gia thì sẽ được hỗ trợ công nghệ, ngoài ra, nếu chủ hộ là nữ thì hỗ trợ 20 đồng/ha, chủ hộ là người khuyết tật 30 đồng/ha", ông Tài nói thêm.
Vốn đã có, UBND tỉnh, thành cần phê duyệt đề án sớm
Về câu chuyện đề án, ông Đoàn Văn Tài, Chủ tịch HTX sản xuất, dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt, tỉnh Đồng Tháp, cho biết ông tham gia đề án từ đầu và thấy rằng vốn lúc nào cũng sẵn sàng vấn đề còn lại là đề án cần phê duyệt.
"Tôi đề nghị UBND tỉnh thành sớm phê duyệt "Đề án 1 triệu Ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL" để ngân hàng có cơ sở cho vay.
"Nếu chỉ nói chung chung thì ngân hàng không có cơ sở cho vay. Ngành ngân hàng đâu thiếu vốn. Ngành ngân hàng nói chung và Agribank nói riêng cho vay mấy chục năm nay rồi, sao lại nói thiếu vốn. Vấn đề còn lại là chính quyền cần phải phê duyệt đề án. Đây là việc của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, UBND tỉnh, thành. Trên cơ sở đề án phê duyệt, doanh nghiệp mới lập được dự án và trên cơ sở đề án được phê duyệt, ngân hàng sẽ giải ngân", ông Tài nói.
Về đề án này, bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng giám đốc Agribank cho hay, là ngân hàng thương mại duy nhất 100% vốn Nhà nước, Agribank luôn giữ vai trò chủ lực trong đầu tư và phát triển "tam nông" với tỷ trọng cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân chiếm trên 60% tổng dư nợ của Agribank. Đến cuối tháng 10/2024, tổng dư nợ cho vay của Agribank đạt khoảng 1,67 triệu tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn của đạt khoảng 1,03 triệu tỷ đồng, tăng 6,65% so với đầu năm, chiếm khoảng 62% tổng dư nợ.
Tại Đồng bằng sông Cửu Long, đến cuối tháng 10/2024, tổng dư nợ cho vay của Agribank đạt khoảng 262 nghìn tỷ đồng, dư nợ nông nghiệp nông thôn đạt trên 214 nghìn tỷ đồng, chiếm tới gần 82% tổng dư nợ. Trong đó, lúa gạo là sản phẩm chủ lực với dư nợ gần 33 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 12,5% tổng dư nợ, khoảng 15,2% dư nợ nông nghiệp nông thôn tại vùng. Tỉ trọng này cao hơn nhiều so với các khu vực khác.
Để đẩy mạnh cho vay đề án này, bà Bình kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm ban hành định mức kinh tế kỹ thuật để sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp; Kịp thời tổng hợp, công bố chung các vùng chuyên canh, các liên kết và chủ thể tham gia liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long theo quy định tại Quyết định 1490/QĐ-TTg để các tổ chức tín dụng tiếp cận, xem xét, quyết định cho vay.
"UBND 12 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL cần xác định, lập danh sách và công bố vùng chuyên canh, các liên kết và chủ thể tham gia liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp trên địa bàn; Kịp thời thông báo cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn những trường hợp chủ thể không còn tham gia liên kết lúa gạo; Xác định và công bố định mức chi phí thực tế thực hiện khâu sản xuất lúa gạo trong liên kết lúa gạo theo tiêu chuẩn tại Quyết định 1490/QĐ-TTg.
Các thành phần tham gia liên kết thực hiện hiệu quả, bền vững các cam kết khi tham gia liên kết, nâng cao ý thức tuân thủ thỏa thuận đã ký kết giữa các chủ thể tham gia liên kết", bà Bình nhấn mạnh.
Về vấn đề này, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết Để triển khai cần ban hành định mức kinh tế kỹ thuật khuyến nông, việc này Bộ đã ban hành rồi. Về vùng chuyên canh, chúng tôi đã đi khảo sát và kiểm tra và đang tổng hợp và công bố sớm. Trên cơ sở đó, các ngân hàng sẽ cho vay.
"Bộ cũng đang quyết liệt triển khai. Để phê duyệt đề án, Bộ đã đi khảo sát 33 vùng, 88 huyện xác định được các hộ nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp tham gia. Đề án sẽ làm rõ các hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia đề án được bộ phê duyệt có quyền lợi rõ ràng. Và quyền lợi là gì thì mong các địa phương tập hợp theo tiêu chí để phối hợp và xây dựng cơ chế rõ ràng để triển khai", ông Nam cho biết.
Ông Nam cũng nhấn mạnh sau hội nghị này Bộ sẽ có cuộc làm việc với Agribank để xây dựng tiêu chí và triển khai hiệu quả.
Cũng tại hội nghị, ông Phạm Toàn Vượng, Tổng giám đốc Agribank đã đưa ra rất nhiều cam kết để đồng hành cùng đề án này với cam kết, lãi suất cho vay sẽ thấp hơn với lãi suất cho vay trên thị trường.
"Tôi cam kết giảm 1% so với mặt bằng lãi suất cho vay hiện tại, tuy nhiên mức lãi suất như thế nào thì tuỳ thuộc vào mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường. Theo đó, lãi suất chúng tôi cho vay sẽ ưu đãi hơn lãi suất cho vay thông thường trên thị trường. Nếu doanh nghiệp, HTX nào được mức lãi suất ưu đãi thấp hơn so với lãi suất Agribank cho vay thì lựa chọn họ. Ngoài ra, doanh nghiệp, HTX, nông dân tham gia đề án này sẽ được Agribank cam kết cho vay hạn mức tín dụng đầy đủ, không giới hạn quy mô", ông Vượng nhấn mạnh.
Theo ông Vượng Agribank chi nhánh các tỉnh, thành phố ĐBSCL sẽ phối hợp NHNN, các Sở, Ban ngành trên địa bàn triển khai rộng rãi, hiệu quả đến các đối tượng tham gia liên kết theo Chương trình này.
Kết luận tại hội nghị, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nhấn mạnh sẽ xem xét và yêu cầu các ngân hàng làm rõ mức ưu đãi lãi suất để doanh nghiệp và nông dân tham gia biết mình được hưởng lợi như thế nào. Đây là chương trình này có tính chất ưu đãi, lãi suất giảm hơn tối thiểu 1%, hơn 2-3% thì càng tốt. Nay có 4 ngân hàng thương mại nhà nước ở hội nghị này cần tham gia và có các ngân hàng. Có trách nhiệm và quyền lợi của ngân hàng, mang lại lợi ích cho toàn xã hội.
"Khi đã tham gia các chương trình liên kết, khách hàng được vay theo hạn mức phù hợp với quy mô sản xuất. Thời gian phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh. Các DN đầu tư trung dài hạn sẽ được tiếp cận vốn dài hạn. Không ngần ngại gì không cho vay trung dài hạn. Như doanh nghiệp muốn vay 1.000 tỷ vốn trung dài hạn thì nhiều ngân hàng cùng tham gia cho vay.
Khi tham gia chuỗi này thì cho vay và đi vay có thể không phải sử dụng tài sản đảm bảo nhà cửa để thế chấp vì khi tham gia chuỗi này, ngân hàng kiểm soát được dòng tiền. Đây là điều kiện rất quan trọng. Và quan trọng hơn, doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân hiểu rõ là tham gia chuỗi liên kết anh được hưởng lợi thế nào, các ngân hàng ưu đãi thế nào", Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.