Ukraine sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt từng gây tranh cãi trong chiến sự

Huỳnh Dũng Thứ ba, ngày 15/03/2022 11:46 AM (GMT+7)
Ukraine được cho là đang sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt của Clearview AI. Và hệ thống từng gây tranh cãi này có thể được sử dụng tại các trạm kiểm soát và xác định danh tính người chết.
Bình luận 0

Giám đốc điều hành của công ty Clearview AI, ông Hoan Ton-That nói với trang Reuters rằng, Bộ Quốc phòng Ukraine hôm 12/3 đã bắt đầu sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt của Clearview AI, sau khi công ty khởi nghiệp của Mỹ đề nghị Ukraine dùng công cụ của công ty để nhận dạng binh sĩ Nga, chống lại thông tin sai lệch và xác định danh tính người chết.

Trong khi đó, Lee Wolosky, cố vấn của Clearview và cũng là cựu quan chức ngoại giao dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama và Joe Biden cho biết, Ukraine đang nhận được quyền truy cập miễn phí vào công cụ tìm kiếm khuôn mặt mạnh mẽ của Clearview AI, cho phép chính quyền kiểm tra những người đáng được quan tâm, bị nghi ngờ tại các trạm kiểm soát. Các kế hoạch bắt đầu hình thành sau khi Nga xâm lược Ukraine và Giám đốc điều hành Clearview, Hoan Ton-That đã gửi một lá thư tới Kyiv đề nghị hỗ trợ cho Chính phủ Ukraine. Clearview cho biết, họ đã không cung cấp công nghệ cho Nga, và gọi các hành động mới này của họ ở Ukraine cũng là một "hoạt động đặc biệt".

Trước đó, người phát ngôn của Bộ Chuyển đổi Kỹ thuật số Ukraine cho biết, họ đang xem xét đề nghị từ các công ty trí tuệ nhân tạo có trụ sở tại Mỹ như Clearview. Nhiều doanh nghiệp phương Tây đã cam kết giúp đỡ Ukraine, cung cấp phần cứng internet, các công cụ an ninh mạng và các gói hỗ trợ khác nhau.

Ukraine cũng có thể sử dụng công nghệ này để đoàn tụ những người tị nạn đã rời khỏi đất nước và đoàn tụ họ với gia đình, xác định các đặc vụ Nga ở Ukraine. Ảnh: @AFP.

Ukraine cũng có thể sử dụng công nghệ này để đoàn tụ những người tị nạn đã rời khỏi đất nước và đoàn tụ họ với gia đình, xác định các đặc vụ Nga ở Ukraine. Ảnh: @AFP.

Người sáng lập Clearview Hoan Ton-That cho biết, startup của ông có hơn 2 tỷ hình ảnh thu thập từ dịch vụ mạng truyền thông xã hội VKontakte của Nga, trong tổng số hơn 10 tỷ bức ảnh. Thông qua cơ sở dữ liệu, vị CEO này tuyên bố, các quan chức Ukraine có thể xác định danh tính người chết dễ dàng hơn so với lấy dấu vân tay hoặc dữ liệu nha khoa, ngay cả khi có tổn thương trên khuôn mặt thì các cách nhận dạng cũ có thể để lại nhiều bất cập và mất thời gian rất nhiều.

Ton-That cũng cho biết công nghệ của Clearview có thể được sử dụng để đoàn tụ những người tị nạn bị chia cắt khỏi gia đình của họ, xác định các đặc vụ Nga và giúp chính phủ gỡ bỏ các bài đăng sai sự thật trên mạng xã hội liên quan đến chiến sự.

Ton-That khẳng định, tính tới thời điểm hiện tại, mục đích chính xác mà Bộ Quốc phòng Ukraine sử dụng công nghệ này vẫn chưa rõ ràng. Các bộ phận khác của chính phủ Ukraine dự kiến sẽ triển khai công cụ nhận dạng Clearview trong những ngày tới, ông và cố vấn Wolosky đồng cho biết.

Các hình ảnh lấy từng mạng xã hội VKontakte làm cho bộ dữ liệu của Clearview toàn diện hơn so với PimEyes, cũng là một công cụ tìm kiếm hình ảnh công khai mà mọi người đã sử dụng để xác định các cá nhân trong các bức ảnh chiến tranh, Wolosky nói. Nền tảng mạng xã hội của Nga VKontakte vẫn chưa đưa ra phản hồi nào sau khi thông tin này được công bố. Trong khi đó, cũng gần đây công ty mạng truyền thông xã hội Facebook của Mỹ, nay là Meta Platforms Inc đã yêu cầu Clearview ngừng lấy dữ liệu của mình.

Clearview có hơn 2 tỷ hình ảnh được lấy từ dịch vụ truyền thông xã hội VKontakte của Nga - có thiết kế trực quan rất giống với Facebook - trong số 10 tỷ bức ảnh có trong cơ sở dữ liệu của công ty. Ảnh: @AFP.

Clearview có hơn 2 tỷ hình ảnh được lấy từ dịch vụ truyền thông xã hội VKontakte của Nga - có thiết kế trực quan rất giống với Facebook - trong số 10 tỷ bức ảnh có trong cơ sở dữ liệu của công ty. Ảnh: @AFP.

Ton-That nói rằng, Clearview không bao giờ được sử dụng làm nguồn nhận dạng là duy nhất và ông cũng không muốn công nghệ này được sử dụng lại vi phạm Công ước Geneva, vốn đã tạo ra các tiêu chuẩn pháp lý về đối xử nhân đạo trong chiến tranh. Giống như những người dùng khác, những người ở Ukraine đang được đào tạo và phải nhập số hồ sơ và lý do tìm kiếm trước khi truy vấn trên nền tảng công cụ.

Trước đây, một nhóm Surveillance Technology Oversight Project (Giám sát Công nghệ Giám sát- viết tắt là STOP) một năm trước đã tuyên bố rằng, họ phản đối kế hoạch phát triển cơ sở dữ liệu của Clearview lên hơn 100 tỷ hình ảnh, nói rằng nỗ lực này là "lạc hậu, đáng lo ngại và phải dừng lại".

Phát biểu với Reuters, Giám đốc điều hành STOP Albert Fox Cahn nói rằng công nghệ của Clearview có thể xác định sai người tại các trạm kiểm soát và trong trận chiến và sự không khớp này có thể dẫn đến cái chết của dân thường.

Fox Cahn nói: "Chúng ta sẽ thấy công nghệ có mục đích tốt phản tác dụng và gây hại cho chính những người mà công cụ này giúp đỡ, một khi bạn giới thiệu các hệ thống này và các cơ sở dữ liệu liên quan đến một vùng chiến sự, bạn không thể kiểm soát được cách nó sẽ được sử dụng và sử dụng sai mục đích như thế nào".

Bất chấp những tranh cãi, Clearview vào tháng 10 năm 2021 cho biết họ đã huy động được 30 triệu đô la - nâng tổng số tiền tài trợ cho công ty lên 38,6 triệu đô la - và hai tháng sau đó, có thông tin rằng công ty đang cố gắng xin phép để được cấp bằng sáng chế cho công nghệ của mình tại Mỹ.

Clearview, chủ yếu bán cho cơ quan thực thi pháp luật Hoa Kỳ, đang chống lại các vụ kiện ở Hoa Kỳ với cáo buộc vi phạm quyền riêng tư bằng cách lấy hình ảnh từ web. Clearview cho rằng việc thu thập dữ liệu của họ tương tự như cách Google tìm kiếm hình ảnh hoạt động. Tuy nhiên, một số quốc gia bao gồm Vương quốc Anh và Úc đã coi các hoạt động của Clearview là bất hợp pháp.

Clearview có trụ sở tại Thành phố New York do Ton-That và Richard Schwartz thành lập vào năm 2017. Tuyên bố sứ mệnh của công ty này khẳng định "là cung cấp các giải pháp tìm kiếm hình ảnh toàn diện nhất trên thế giới. Chúng tôi hỗ trợ các tổ chức thực thi pháp luật và quốc gia trong sứ mệnh xác định nạn nhân và thủ phạm nhằm bảo vệ cộng đồng của họ và bảo vệ ngành công nghiệp và thương mại". Tuy nhiên, hoạt động của Clearview đã gây ra sự phẫn nộ của các nhóm quyền riêng tư và bảo mật cũng như các công ty như Meta (công ty mẹ của Facebook), Google, Meta và thậm chí cả Venmo, những công ty đang yêu cầu Clearview ngừng thu thập dữ liệu trên các nền tảng của họ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem