Ukraine trở thành nơi thử nghiệm vũ khí phương Tây như thế nào?

Phương Đăng (theo CNN) Thứ sáu, ngày 10/02/2023 20:59 PM (GMT+7)
Mùa thu năm ngoái, khi Ukraine giành lại những vùng lãnh thổ rộng lớn trong một loạt các cuộc phản công, họ đã tấn công lực lượng Nga bằng pháo và tên lửa do Mỹ sản xuất. Hướng dẫn một số loại pháo đó là một hệ thống nhắm mục tiêu tự chế mà Ukraine đã phát triển trên chiến trường.
Bình luận 0
Ukraine trở thành nơi thử nghiệm vũ khí phương Tây như thế nào? - Ảnh 1.

Quân nhân Ukraine bắn một quả đạn pháo từ hệ thống M777 ở tiền tuyến, khi cuộc tấn công của Nga vào Ukraine tiếp tục. Ảnh CNN

Theo CNN, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đã mang đến cho Mỹ và các đồng minh một cơ hội hiếm có để nghiên cứu xem các hệ thống vũ khí của chính họ hoạt động hiệu quả ở mức nào khi được sử dụng với cường độ cao để giành chiến thắng trong cuộc chiến hiện đại khốc liệt này.

Các sĩ quan Mỹ và các quan chức quân sự khác cũng đã theo dõi mức độ thành công của Nga trong việc sử dụng máy bay không người lái giá rẻ phát nổ khi va chạm do Iran cung cấp để phá hủy lưới điện Ukraine.

Ukraine “hoàn toàn là một phòng thí nghiệm vũ khí theo mọi nghĩa vì không có thiết bị quân sự nào trong số đó từng thực sự được sử dụng trong cuộc chiến giữa hai quốc gia có nền công nghiệp phát triển. Đây là thử nghiệm chiến đấu trong thế giới thực”, CNN dẫn một nguồn tin thân cận với tình báo phương Tây cho biết.

Đối với quân đội Mỹ, cuộc chiến ở Ukraine là một nguồn dữ liệu khổng lồ chưa từng có về khả năng của các hệ thống vũ khí của chính họ.

Một sĩ quan tác chiến của Mỹ có kiến thức về vấn đề Ukraine tiết lộ, một số hệ thống vũ khí cao cấp được Mỹ cung cấp cho người Ukraine – chẳng hạn như máy bay không người lái Switchblade 300 và tên lửa được thiết kế để nhắm mục tiêu vào các hệ thống radar của đối phương – hóa ra lại kém hiệu quả trên chiến trường hơn dự kiến.

Nhưng Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao M142 HIMARS do Mỹ sản xuất lại đóng vai trò quan trọng đối với thành công của Ukraine và các quan chức Mỹ còn gặt hái được những bài học quý về tốc độ sửa chữa bảo trì mà các hệ thống này cần trong điều kiện sử dụng liên tục.

Một quan chức quốc phòng tiết lộ, việc Ukraine sử dụng nguồn cung tên lửa HIMARS hạn chế để tàn phá các cơ quan chỉ huy và kiểm soát, tấn công các sở chỉ huy, trụ sở và kho tiếp liệu của Nga đã khiến phương Tây bất ngờ và các nhà lãnh đạo quân sự sẽ nghiên cứu điều này trong nhiều năm nữa.

Một sĩ quan tác chiến nhấn mạnh, một bài học quý giá khác mà Mỹ có thể rút ra từ cuộc xung đột này là pháo kéo – như hệ thống lựu pháo M777 – có thể chỉ còn là dĩ vãng. Những hệ thống đó khó di chuyển thật nhanh đủ để không bị bắn trả, nhất là hiện nay máy bay không người lái giám sát trên cao được triển khai phổ biến và phong phú trên chiến trường thì M777 "rất khó để che giấu".

Ngoài ra, nhờ chiến trường Ukraine, các nhà thầu quốc phòng Mỹ cũng có cơ hội để nghiên cứu – và tiếp thị – các hệ thống vũ khí của họ.

BAE Systems cho biết, thành công của Nga trong việc sử dụng máy bay tự sát ở Ukraine đã ảnh hưởng đến cách họ thiết kế phương tiện chiến đấu bọc thép mới khi họ quyết định bổ sung thêm áo giáp để bảo vệ binh lính khỏi các cuộc tấn công từ trên cao.

Đồng thời, từ cách Nga sử dụng máy bay tự sát ở Ukraine để phá hủy các cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, nhiều quan chức tình báo và quân sự cũng tiết lộ với CNN rằng, hiện nay việc tạo ra thứ mà quân đội Mỹ gọi là máy bay không người lái tự sát rẻ tiền, sử dụng một lần đã trở thành ưu tiên hàng đầu của các nhà thầu quốc phòng.

"Tôi kỳ vọng rằng chúng ta có thể tạo ra một chiếc máy bay không người lái tấn công một chiều giá chỉ 10.000 USD", một trong những quan chức Mỹ giấu tên nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem