Ứng dụng khoa học kỹ thuật và chế phẩm sinh học trong chăn nuôi lợn

Hoan Nguyễn Thứ ba, ngày 05/12/2023 11:37 AM (GMT+7)
Vừa qua, đại diện Văn phòng Phát triển bền vững thuộc Văn phòng T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) cùng Hội ND tỉnh Phú Thọ đã tiến hành bàn giao 70 con lợn giống, gần 16 tấn thức ăn chăn nuôi, chế phẩm xử lý chuồng trại cho nông dân thực hiện mô hình.
Bình luận 0

Vừa qua, đại diện Văn phòng Phát triển bền vững thuộc Văn phòng T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) cùng Hội ND tỉnh Phú Thọ đã tiến hành bàn giao 70 con lợn giống, gần 16 tấn thức ăn chăn nuôi, chế phẩm xử lý chuồng trại… cho các hộ gia đình tại xã Tiên Phú (Phù Ninh, Phú Thọ) thực hiện mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật và chế phẩm sinh học trong chăn nuôi lợn thương phẩm.

Tập huấn kỹ càng trước khi bàn giao giống, vật tư…

Nhằm khuyến khích nông dân phát triển ngành chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học, Văn phòng Phát triển bền vững thuộc Văn phòng T.Ư Hội NDVN phối hợp Hội ND tỉnh Phú Thọ xây dựng mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật và chế phẩm sinh học trong chăn nuôi lợn thương phẩm. Cùng với việc nhận bàn giao con giống và thức ăn chăn nuôi, chế phẩm sinh học, các hộ tham gia mô hình đã được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật triển khai thực hiện mô hình.

Ứng dụng khoa học kỹ thuật và chế phẩm sinh học trong chăn nuôi lợn - Ảnh 1.

Đại diện Văn phòng Phát triển bền vững và Hội ND tỉnh Phú Thọ bàn giao vật tư, lợn giống cho các hộ tham gia mô hình. Ảnh: Hoan Nguyễn

"Đặc biệt, tham gia mô hình, có khó khăn, vướng mắc người dân sẽ được trực tiếp các cán bộ chăn nuôi "cầm tay chỉ việc", hướng dẫn kỹ thuật…, vừa đảm bảo hiệu quả đàn vật nuôi, hạn chế dịch bệnh, vừa giảm ô nhiễm môi trường…".

Chị Cù Thị Thanh Phương

(hội viên Chi hội 9, xã Tiên Phú)

Tham gia buổi tập huấn này có 30 hội viên nông dân, trong đó có 10 hội viên nông dân tham gia mô hình. 

Các hội viên nông dân đã được giảng viên hướng dẫn, truyền đạt các kỹ năng về chăn nuôi lợn thương phẩm, hướng dẫn cách chọn lợn giống, kỹ thuật chăn nuôi theo từng giai đoạn sinh trưởng, lịch phòng bệnh bằng vaccine, ghi chép nhật ký theo dõi trong suốt quá trình chăn nuôi…

Trực tiếp đi kiểm tra và bàn giao con giống, vật tư cho các hộ nông dân thực hiện mô hình, bà Lê Thị Quỳnh - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Phú Thọ cho biết: Các hộ tham gia mô hình là những hội viên được các cấp Hội phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc khảo sát, chọn lựa bảo đảm đạt các yêu cầu để mô hình được thực hiện đúng tiến độ và mang lại hiệu quả cao nhất. 

"Đây đều là những hộ có kinh nghiệm trong nuôi lợn thịt thương phẩm, có chuồng trại đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, diện tích phù hợp với quy mô của mô hình; cam kết đầu tư vốn đối ứng phù hợp với yêu cầu kỹ thuật; áp dụng đúng quy trình kỹ thuật theo hướng dẫn; theo dõi, ghi chép các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật như mức thức ăn hàng ngày, tình hình phát triển của đàn lợn nuôi…" - bà Quỳnh nêu rõ.

Ứng dụng khoa học kỹ thuật và chế phẩm sinh học trong chăn nuôi lợn - Ảnh 3.

Bà Quỳnh cho biết thêm, triển khai mô hình này hiệu quả sẽ là điểm sáng để cán bộ, hội viên nông dân ở xã Tiên Phú nói riêng và tỉnh Phú Thọ nói chung có điều kiện tham quan, học tập, học hỏi kinh nghiệm để áp dụng vào chăn nuôi của gia đình. Đồng thời, qua đây, sẽ thu hút được đông đảo nông dân tham gia vào tổ chức Hội… Thời gian tới, các cấp hội nông dân trong tỉnh Phú Thọ sẽ tiếp tục đồng hành cùng hội viên xây dựng và nhân rộng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, giúp hội viên nâng cao thu nhập, bảo vệ môi trường.

Động lực để xây dựng mô hình chăn nuôi lớn

Là một trong những hộ tham gia mô hình chị Cù Thị Thanh Phương (hội viên Chi hội 9, xã Tiên Phú) vui vẻ cho hay, gia đình chị vốn thuần nông, chăn nuôi lợn nhiều năm nay. Trước đây, việc nuôi lợn gặp khó khăn do giá cả thức ăn chăn nuôi "nhảy múa", trong khi dịch bệnh diễn biến khó lường, giá cả thị trường lên xuống liên tục… 

"Đây là lần đầu tiên tôi được tham gia mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật và chế phẩm sinh học trong chăn nuôi lợn thương phẩm. Được T.Ư Hội NDVN hỗ trợ lợn giống, thức ăn chăn nuôi, chế phẩm từ mô hình, tôi rất vui. Đặc biệt, tham gia mô hình, có khó khăn, vướng mắc người dân sẽ được trực tiếp các cán bộ chăn nuôi "cầm tay chỉ việc", hướng dẫn kỹ thuật…, vừa đảm bảo hiệu quả đàn vật nuôi, hạn chế dịch bệnh, vừa giảm ô nhiễm môi trường. Đây là động lực rất lớn để các hộ nông dân xây dựng mô hình chăn nuôi lợn quy mô lớn, hiệu quả, vươn lên làm giàu" - chị Phương nói.

Ông Nguyễn Phúc Suyên – Trưởng phòng NNPTNT huyện Phù Ninh đánh giá, mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật và chế phẩm sinh học trong chăn nuôi lợn thương phẩm tại xã Tiên Phú sẽ giúp các hộ dân chăn nuôi hiệu quả, giảm dịch bệnh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đầu ra, góp phần ổn định sản xuất, nâng cao thu nhập cho hộ gia đình và đảm bảo môi trường (dự kiến hiệu quả kinh tế tăng 20%).

Cũng theo ông Suyên, ngành nông nghiệp huyện Phù Ninh kiến nghị với các cấp, ngành tỉnh Phú Thọ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, xây dựng mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật và chế phẩm sinh học trong chăn nuôi lợn thương phẩm tại nhiều xã khác trong huyện Phù Ninh. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem