Hội Nông dân Bắc Giang là nòng cốt trong nông nghiệp hàng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP
Hội Nông dân Bắc Giang là nòng cốt trong nông nghiệp hàng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP
Khương Lực
Thứ bảy, ngày 02/12/2023 14:20 PM (GMT+7)
“Bắc Giang tham mưu nhiều nhất, có tới 4 đề án lớn được UBND tỉnh phê duyệt trong nhiệm kỳ, tạo ra cơ chế và đề cao vai trò của Hội Nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” – ông Lã Văn Đoàn – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang khẳng định.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Lã Văn Đoàn – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang khẳng định, việc đưa Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII trên địa bàn tỉnh Bắc Giang thực hiện đem lại hiệu quả rất cao.
"Chưa có một nhiệm kỳ nào mà Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang tham mưu, đề xuất và được Chủ tịch UBND tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách cho Hội như trong nhiệm kỳ 2018-2023 với 4 đề án được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt và Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang ban hành 2 Nghị quyết, 1 đề án"- ông Đoàn thông tin.
Ông đánh giá gì về kết quả triển khai, thực hiện Nghị quyết Đại hội VII Hội Nông dân Việt Nam, nhiệm kỳ 2018-2023 từ hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang?
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đã chủ động xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2018 – 2023 và chủ động tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh ban hành 4 đề án lớn để thực hiện trong giai đoạn 2020-2025. Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang cũng trực tiếp ban hành 2 Nghị quyết và 1 đề án.
Ông Lã Văn Đoàn - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang khẳng định: "Bắc Giang tham mưu nhiều nhất, có tới 4 đề án lớn được UBND tỉnh phê duyệt trong nhiệm kỳ, tạo ra cơ chế và đề cao vai trò của Hội Nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh". Ảnh: Khương Lực
Có thể khẳng định rằng việc đưa Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII trên địa bàn tỉnh Bắc Giang thực hiện có hiệu quả và đem lại hiệu quả rất cao, chưa có một nhiệm kỳ nào mà Hội Nông dân tỉnh tham mưu, đề xuất và được Chủ tịch UBND tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách cho Hội như trong nhiệm kỳ 2018-2023.
Các đề án lớn này đã tạo ra cơ chế và đề cao vai trò của Hội Nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân vững mạnh. Kết quả cụ thể, đến nay, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã tư vấn, hướng dẫn thành lập mới 97 hợp tác xã, 289 tổ hợp tác, 87 mô hình liên kết; 462 tổ hội và 108 chi hội nông dân nghề nghiệp.
Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đã hướng dẫn, xây dựng mới 62 sản phẩm công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên và duy trì, nâng cao chất lượng 49 sản phẩm. Cùng với đó, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang phát triển được vùng ba kích tím hàng hóa với diện tích trên 30ha; xây dựng được hàng trăm mô hình điểm về vận động nông dân ứng dụng, canh tác lúa thân thiện với môi trường, áp dụng 3 kỹ thuật để nhằm giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp.
Kết quả thực hiện Nghị quyết, đến thời điểm này Bắc Giang đạt 100% và có nhiều chỉ tiêu đạt rất cao như: Hộ sản xuất kinh doanh giỏi, hàng năm có trên 100 hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp; hoạt động tư vấn dạy nghề, giới thiệu viêc làm cho nông dân đạt rất cao; tổ chức các hoạt động dịch vụ cung ứng vật tư đầu vào cũng là một trong những tỉnh dẫn đầu; hỗ trợ nông dân chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số để tiêu thụ sản phẩm, hiện nay trên 2.000 hộ nông dân có mở được tài khoản tham gia các sàn giao dịch điện tử.
Với những kết quả đạt được đã tạo niềm tin cho hội viên nông dân tích cực tham gia các hoạt động của Hội Nông dân và vai trò của Hội Nông dân được nâng lên rõ rệt trong việc hỗ trợ nông dân đầu vào, khoa học kỹ thuật và tiếp cận những kiến thức, kỹ năng mới để tạo ra những sản phẩm có chất lượng và nâng cao giá trị lao động của người nông dân và người nông dân gắn bó với khu vực nông thôn và làm giàu từ chính khu vực nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn được thay đổi.
Từ những kiến nghị, đề xuất được nêu trong loạt bài Hướng tới ĐH VIII về hoạt động của Chi, tổ hội nghề nghiệp, Chi hội Hội nông dân, nhiệm kỳ tới Hội nông dân tỉnh Bắc Giang sẽ tạo điều kiện thuận lợi như thế nào để phát huy hiệu quả, thành lập mới nhiều hơn nữa?
Đối với Đề án xây dựng Chi Hội nông dân nghề nghiệp và Tổ Hội nông dân nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang cũng xác định đây là nội dung để đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội và tập hợp, thu hút thêm những đối tượng vào tổ chức hội như Giám đốc các HTX, các hộ ngành nghề trên địa bàn tỉnh. Chính vì vậy, Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đã xây dựng một đề án để phát triển Chi, Tổ Hội nông dân nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đến nay, đã xây dựng được 462 tổ hội và 108 chi hội nông dân nghề nghiệp.
Kết quả hoạt động của các Chi, Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp bước đầu đã thay đổi tư duy cho người nông dân từ sinh hoạt ở chi hội truyền thống sang chi hội nghề nghiệp theo 5 tự (tự giác, tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm) và 5 cùng (cùng lĩnh vực sản xuất kinh doanh, cùng quan tâm, cùng chia sẻ, cùng trách nhiệm, cùng hưởng lợi).
Từ các Chi, Tổ hội Nông dân nghề nghiệp đã hình thành tư duy mới của người nông dân trong liên kết nông dân với nông dân để sản xuất nông nghiệp hàng hóa, xây dựng lên các thương hiệu sản phẩm để gia tăng giá trị và tạo việc làm cho lao động nông thôn.
Có nhiều chi, tổ hội nghề nghiệp đã phát triển thành HTX nông nghiệp, biến tư duy của người nông dân là học xong mơ ước đi làm thuê ở một số khu công nghiệp thì một số con em nông dân có trình độ về đã thành lập HTX gắn với nông nghiệp để phát triển từ nông nghiệp – là đầu tàu để lôi cuốn hoạt động sản xuất, kinh doanh nông nghiệp ở trên địa bàn nông thôn.
Trong nhiệm kỳ tới, để phát huy hiệu quả và thành lập mới nhiều Chi, Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, thứ nhất, các cấp Hội Nông dân phải quan tâm đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, đặc biệt chi hội trưởng, chi hội phó phải hiểu được mục đích, ý nghĩa của Chi, tổ hội nghề nghiệp trong giai đoạn hiện nay để làm sao thành lập được nhiều Chi, Tổ hội nghề nghiệp hơn nữa.
Ở đây, Bắc Giang chỉ đạo mở rộng các đối tượng thanh viên tham gia vào các Chi, Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, tức là anh cùng mối quan tâm về nghề đấy thì tôi có thể vận động anh vào Chi, Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp. Như vậy, thành viên tham gia Chi, Tổ Hội Nông dân nghệ nghiệp có thể ở lĩnh vực sản xuất, chế biến hoặc kinh doanh, tức là cùng một ngành nghề có thể vào, chứ không phải chỉ lĩnh vực sản xuất thì nó sẽ gò bó và khó.
Thứ hai, phải tạo điều kiện cho nông dân đi tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình liên kết chuỗi và đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đặt các cơ sở chế biến tại vùng nông thôn để tạo ra sản phẩm có chất lượng, người nông dân nhìn thấy được để cùng phối hợp, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm một cách ổn định và bền vững.
Một điểm nhấn của Bắc Giang là một trong những tỉnh đầu tiên được Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao thực hiện nhiệm vụ là nòng cốt trong sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết hợp tác chuỗi giá trị, xây dựng và nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP. Các cấp hội muốn làm nòng cốt thì anh phải trở thành những chuyên gia, trở thành những tư vấn viên giỏi về lĩnh vực OCOP thì anh mới tư vấn cho các chủ thể kinh tế nắm bắt được mục đích, yêu cầu của việc xây dựng các sản phẩm OCOP.
Trong năm 2022, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang ban hành hướng dẫn xây dựng các mô hình liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị để các cấp hội thực hiện; đến nay toàn tỉnh đã hướng dẫn xây dựng được 26 mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản cho nông dân thông qua hợp đồng trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và lâm nghiệp.
Để tiếp tục phát huy vai trò của Hội trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao đời sống của người dân nông thôn, Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang có kế hoạch hành động triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã được nêu ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ X, nhiệm kỳ 2023-2028 như thế nào?
Sau Đại hội, Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo các cấp hội xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Nghị quyết ở từng cấp hội cơ sở; hàng năm cụ thể hóa nhiệm vụ công tác Hội bằng các chỉ tiêu thi đua, trong đó có chỉ tiêu Hội phải trực tiếp thực hiện, có những chỉ tiêu Hội phối hợp thực hiện.
Trong nhiệm kỳ 2023-2028, Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đưa ra 11 chỉ tiêu khá toàn diện trong các lĩnh vực công tác Hội và phong trào nông dân để thực hiện. Các chỉ tiêu này đã được đại biểu dự Đại hội thảo luận, thống nhất rất cao và đã biểu quyết thông qua, trong đó có một chỉ tiêu, điểm nhấn mới mà nhiệm kỳ trước chưa có là xây dựng và nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP.
Xin cảm ơn ông!
4 đề án Hội Nông dân tỉnh tham mưu, đề xuất trình Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt
- Đề án "Xây dựng tổ hợp tác tạo tiền đề để phát triển thành HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025";
- Đề án "Nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin cho chủ trang trại, hộ sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn tỉnh Bắc Giang góp phần thực hiện cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư giai đoạn 2021-2025";
- Đề án: "Phát triển vùng ba kích tím hàng hóa giai đoạn 2022-2026" tại huyện Sơn Động;
- Đề án "Hội Nông dân các cấp làm nòng cốt trong tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hợp tác, liên kết chuỗi giá trị; xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, giai đoạn 2022-2025".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.