Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, Ninh Bình nở rộ mô hình tiền tỷ

Hải Đăng Thứ sáu, ngày 12/10/2018 14:15 PM (GMT+7)
Ứng dụng công nghệ cao (CNC) trong sản xuất nông nghiệp ở Ninh Bình đã và đang mang lại hiệu quả, khi nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp thu tiền tỷ. Đặc biệt việc ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp được triển khai rộng khắp trên tất cả các lĩnh vực, tạo bước đột phá và tạo đà đưa sản xuất nông nghiệp hàng hóa phát triển.
Bình luận 0

Xuất hiện nhiều mô hình điển hình

Là một trong những địa phương đi đầu trong việc phát triển nông nghiệp CNC trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, đến nay, huyện Yên Khánh đã chuyển đổi hàng trăm hecta đất trồng lúa sang trồng những cây có giá trị và ứng dụng CNC vào sản xuất, điển hình như mô hình ứng dụng CNC trong sản xuất rau, củ, quả theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Khánh Hồng, huyện Yên Khánh.

img

Mô hình trồng nấm áp dụng CNC đang mang lại thu nhập cao cho người dân các xã của huyện Yên Khánh (Ninh Bình). Ảnh: Hải Đăng

Trên diện tích 1ha, mô hình được hỗ trợ giống cây trồng, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật trồng của Trung tâm Ứng dụng CNC và Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Sở NNPTNT Ninh Bình) với sự tham gia liên kết của gần 40 hộ gia đình. Ngoài ra, mô hình cũng áp dụng các công nghệ như ươm giống bằng khay xốp, phòng trừ sâu bệnh bằng thuốc bảo vệ thực vật thế hệ mới, giúp tăng chất lượng, sản lượng trên cùng một diện tích gieo trồng. Theo tính toán, mô hình cho doanh thu khoảng 165 triệu đồng/ha trong khoảng 3 tháng, cao hơn so với phương thức trồng truyền thống.

Ông Đinh Quốc Trị - một trong những hộ dân tham gia mô hình, cho biết: “Tham gia mô hình đòi hỏi người nông dân phải đầu tư chi phí ban đầu cao hơn so với cách làm truyền thống. Tuy nhiên, sản phẩm lại đạt năng suất, chất lượng cao và đặc biệt là đảm bảo an toàn cho người sử dụng”.

Tại huyện Hoa Lư cũng đang nổi lên mô hình trồng lan hồ điệp trong nhà lưới cho hiệu quả rất tốt. Được biết, mô hình này được Sở NNPTNT tỉnh Ninh Bình chuyển giao công nghệ, hỗ trợ một phần chi phí (gồm hệ thống tưới, cây giống, phân bón) và kỹ thuật sản xuất theo chính sách của tỉnh. Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao DG tại xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư đã xây dựng thành công mô hình với diện tích 1.000m2.

Anh Nguyễn Văn Dũng - cán bộ phụ trách kỹ thuật mô hình cho biết: Toàn bộ hệ thống nhà lưới trồng lan hồ điệp được áp dụng theo công nghệ Nhật Bản, có khung sắt đỡ chắc chắn và cáp chịu lực có thể chống bão lớn... Nhờ ứng dụng công nghệ cao, trong quá trình sản xuất cán bộ kỹ thuật của công ty có thể chủ động điều chỉnh quá trình sinh trưởng của hoa, cho hoa nở vào những thời điểm nhu cầu thị trường cao”.

"Dự kiến dịp Tết Nguyên đán năm nay, công ty cung ứng ra thị trường 2 vạn cây lan. Nếu khai thác hết công suất sẽ cho ra 3,5 vạn cây hoa/năm, trừ chi phí thu lãi từ 1,5 - 2 tỷ đồng/năm"- ông Dũng chia sẻ.

Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Ông Phạm Đăng Nam - Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng CNC và Xúc tiến thương mại nông nghiệp cho hay: Sau gần 2 năm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng CNC, đến nay toàn tỉnh đã có 270 mô hình, dự án nông nghiệp ứng dụng CNC, hình thức sản xuất tiên tiến gắn với chuỗi tiêu thụ sản phẩm được hỗ trợ với tổng kinh phí 75 tỷ đồng.

Trong đó, có 49 mô hình, dự án ứng dụng CNC (năm 2017 là 27 mô hình, dự án và 9 tháng đầu năm 2018 đã triển khai 22 mô hình, dự án). "Qua đánh giá sơ bộ, hầu hết các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC trên địa bàn tỉnh bước đầu đã đem lại hiệu quả rõ rệt và đang được nhân rộng, như: Mô hình nuôi lợn hữu cơ ở Gia Hòa (Gia Viễn) được châu Âu chứng nhận; mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trong nhà lưới tại huyện Kim Sơn, có giá trị bình quân 9-10 tỷ đồng/ha/năm"- ông Nam khẳng định

Theo ông Nam, nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng CNC đến năm 2020 của tỉnh là nâng tỷ trọng giá trị từ sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đạt từ 10% trở lên trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Để thực hiện mục tiêu đó, ông Nam cho rằng: Giải pháp cơ bản nhất tạo sự đột phá cho ngành nông nghiệp đó là thu hút đầu tư, thành lập các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem