Ứng viên đại sứ du lịch: Vì sao ít?

Thứ năm, ngày 14/03/2013 07:08 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - "Việc làm Đại sứ du lịch lại tốn kém và mất thời gian, ít ai có thể hy sinh tâm trí và thời gian cho việc này", ông Trần Nhất Hoàng - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến văn hóa nói.
Bình luận 0

Hôm qua, 13.3, Bộ VHTTDL đã tổ chức buổi gặp gỡ, tham khảo ý kiến báo chí để tuyển chọn các ứng viên cho vị trí Đại sứ du lịch.

PV NTNN đã có cuộc trao đổi với ông Trần Nhất Hoàng (ảnh)- Giám đốc Trung tâm Xúc tiến văn hóa, thể thao, du lịch về vấn đề này.

Ông đã từng thông tin tới báo chí tại thời điểm kết thúc hạn nộp hồ sơ ứng cử danh hiệu vị trí Đại sứ du lịch Việt Nam nhiệm kỳ 2013-2014 là chỉ có 2 người tham gia cuộc đua. Tại sao tới thời điểm này lại có thêm ứng cử viên Hồng Thuận?

- Chúng tôi đã nhận được email của Hồng Thuận từ sớm, tuy nhiên, bản hồ sơ đầy đủ theo đúng tiêu chuẩn thì chỉ nhận được khi thời hạn cuối cùng đã kết thúc được vài ngày, tức là sau ngày 28.2.2013. Tuy nhiên, xét về nhiệt huyết với công việc, mong muốn được cống hiến, chúng tôi cũng có thể coi việc gửi email trước đó của bạn là đã đăng ký.

Theo kế hoạch đầu tháng 4 mới công bố người nắm giữ danh hiệu và khởi đầu các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch. Thêm nữa, việc tìm Đại sứ du lịch là việc tìm người tài, người cống hiến cho quốc gia chứ không phải là đi nghĩa vụ, thi thố nên không nhất thiết phải cứng nhắc về thời gian. Chúng tôi cũng phải xin ý kiến lãnh đạo thì tất cả đều đồng quan điểm là sẵn sàng chấp thuận hồ sơ và nếu chọn người tài cho vị trí này thì quả thực đó là quyết định may mắn.

img
 

Xin ông cho biết thêm thông tin xung quanh ứng cử viên xuất hiện vào phút chót này?

- Hồ sơ đăng ký ứng cử ghi rõ, Đỗ Thị Hồng Thuận sinh năm 1985, quê gốc ở Thanh Hóa. Hiện cô sinh sống cùng gia đình tại Hà Nội. Bảng thành tích học tập của ứng cử viên mới này cũng có nhiều điểm đáng chú ý với các giải thưởng, bằng khen… Sau nhiều lần trao đổi qua email thì tôi nhận thấy cô là người có tâm huyết và mong muốn được thực hiện công việc này.

Trả lời cho câu hỏi nếu được chọn làm Đại sứ du lịch Việt Nam, bạn sẽ làm gì? Hồng Thuận đã gửi cho tôi một bản kế hoạch khá dài thể hiện sự quan tâm của bạn đến du lịch Việt Nam với những tiềm năng, thế mạnh và một số ý tưởng tốt cho công việc này. Ngoài ra, ứng cử viên này cũng sẵn sàng trả lời các thông tin không liên quan tới hồ sơ như khả năng, kinh nghiệm thu hút công chúng, cách làm việc với báo chí…

Theo quy trình thì việc xét chọn danh hiệu này sẽ được tiến hành như thế nào?

- Theo quy trình, khi hồ sơ được chọn thì sẽ lấy ý kiến của Tổng cục Du lịch, cơ quan quản lý đầu ngành về các doanh nghiệp du lịch lữ hành, tiếp theo là ý kiến của báo chí để có được những góc nhìn xã hội; trưng cầu ý kiến trên một số trang báo mạng và cuối cùng hội đồng xét duyệt do Bộ trưởng Bộ VHTTDL chủ trì sẽ có quyết định cuối cùng.

img
Đại sứ du lịch Việt Nam Lý Nhã Kỳ trong một hoạt động quảng bá.

Tham khảo ý kiến nhà báo

Tại buổi họp tham khảo ý kiến của các phóng viên về việc bổ nhiệm Đại sứ thiện chí du lịch nhiệm kỳ 2013-2014, mỗi nhà báo được phát một tờ tham khảo, trong đó có các hạng mục như: Nên hay không nên bổ nhiệm Đại sứ thiện chí du lịch/văn hoá Việt Nam tại từng quốc gia; mỗi nhiệm kỳ chỉ nên 1 năm hay kéo dài hơn 1 năm...

Ứng cử viên Huỳnh Thị Ngọc Hân hiện đang làm nghiên cứu sinh tại Úc và đã đạt danh hiệu Người đẹp du lịch tại Cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2011. Ứng cử viên Đỗ Hồng Thuận, hiện là giáo viên Anh ngữ với những hoạt động xã hội chỉ trong một nhóm. Đối với Lý Nhã Kỳ đã từng làm Đại sứ thiện chí du lịch 2012 và cũng là người tài trợ, kêu gọi tài trợ cũng như vận động bầu chọn cho vịnh Hạ Long trong năm vừa qua…

Dư luận đã từng lên tiếng rằng phải chăng vì có quá ít kinh phí cho hoạt động này nên danh hiệu Đại sứ du lịch Việt Nam không thu hút được nhiều người có năng lực, cho đến thời điểm này chỉ có 3 ứng cử viên là diễn viên Lý Nhã Kỳ, người đẹp Huỳnh Thị Ngọc Hân và cô giáo Đỗ Thị Hồng Thuận?

- Ở nước ngoài, công việc, vị trí này giống như một hợp đồng và đề cao tính hiệu quả xã hội, nhân rộng và có sức thu hút đối với công chúng. Việc ký hợp đồng này cũng giống như của các cầu thủ bóng đá, nếu anh làm việc hiệu quả thì có thể làm việc với nhau 2-3 năm, và ngược lại thì chia tay. Nhưng điều đó cũng lý giải việc quảng bá du lịch quốc gia là việc làm tốn kém. Trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay thì bên cạnh tiêu chí nhân vật này phải truyền đạt được các mục tiêu của du lịch năm nay như quảng bá cho Hạ Long, Ninh Bình, du lịch biển Việt Nam… thì một trong những yêu cầu chúng tôi mong muốn là Đại sứ du lịch có khả năng kết nối doanh nghiệp, xã hội, dùng ảnh hưởng kêu gọi được đầu tư… để việc quảng bá du lịch tiết kiệm, hoàn hảo.

Thực tế, có nhiều người gọi điện đề cử các ca sĩ Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà… cho vị trí này. Họ là những người nổi tiếng, thành đạt trong công việc, thu hút được công chúng… nhưng có lẽ họ đang ở trong thời kỳ làm việc hăng say, trong khi đó việc làm Đại sứ du lịch lại tốn kém và mất thời gian, ít ai có thể hy sinh tâm trí và thời gian cho việc này.

Thay vì việc ngồi đợi các ứng cử viên nộp hồ sơ, Ban tổ chức đã có lời mời hay thuyết phục ai tham gia vị trí này chưa?

- Chúng tôi đã tổ chức hội nghị, kêu gọi các ứng cử viên trên báo chí… nhưng đây là việc làm có tính tự nguyện. Thông qua báo chí đã nhiều lần chúng tôi lên tiếng rằng người nọ, người kia nếu làm thì tốt quá và họ đều là những người của công chúng, tôi tin rằng thông tin đã đến họ nhưng cuối cùng không có ai nộp hồ sơ.

Thuyết phục mang tính chính thống thì chưa có. Tôi nghĩ thuyết phục mang tính chất cá nhân là rất khó vì chả lẽ lại đi gặp một người nào đó cụ thể để mời. Lý do gì mà mời họ mà không phải là người khác? Hơn nữa, việc họ không chủ động tham gia là dấu hiệu của sự chưa sẵn sàng.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem