Gần 21.000 tỷ đồng đầu tư cho NS-VSMTNT
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, trong giai đoạn 2006-2010 nhờ nỗ lực thực hiện Chương trình, số dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh trong cả nước là hơn 52 triệu người, đạt tỷ lệ 80%, tăng trung bình 4,2%/năm. Trong đó, 35% số người được sử dụng nước sinh hoạt đạt tiêu chuẩn; khoảng 77% số hộ có nhà tiêu, trong đó 55% nhà tiêu đạt tiêu chuẩn hợp vệ sinh; khoảng 2,7 triệu hộ có chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh (chiếm khoảng 45% tổng số hộ chăn nuôi); khoảng 18.000 trang trại chăn nuôi tập trung thu gom và xử lý hầu hết chất thải...
|
Đồng bào K'ho ở huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) đã được dùng nước sạch từ nhiều năm nay. |
Trong 5 năm qua, tổng nguồn vốn dành cho Chương trình là 20.700 tỷ đồng, trong đó nguồn tài trợ quốc tế là 3.566 tỷ đồng, nguồn tín dụng ưu đãi thực hiện hơn 8.800 tỷ, nguồn đối ứng của người dân trên 3.000 tỷ đồng...
Theo ông Lê Thiếu Sơn - Giám đốc Trung tâm Quốc gia NS-VSMTNT, những kết quả mà Chương trình đạt được có ý nghĩa rất quan trọng trong việc cải thiện điều kiện sống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong cả nước, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
Bà Hạ Thanh Hằng - Chánh Văn phòng Thường trực Chương trình, nhấn mạnh: "Chúng tôi đặt mục tiêu đến hết năm 2015 có 90% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó 55% sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn của Bộ Y tế với số lượng ít nhất là 60 lít/người/ngày và 70% số gia đình ở nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh...".
Ưu tiên đầu tư 62 huyện nghèo
Để đạt được các mục tiêu này, theo bà Hằng, Chương trình tập trung thực hiện 4 dự án lớn: Cấp nước sinh hoạt nông thôn; Vệ sinh nông thôn; Cải thiện môi trường nông thôn; Nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực, thể chế và phát triển công nghệ về cấp nước và vệ sinh nông thôn. Chương trình cũng đặc biệt ưu tiên đầu tư vào 62 huyện nghèo, tập trung nhiều hơn vào mục tiêu vệ sinh, đảm bảo tính bền vững về môi trường...
Ông Lý Hữu Phước - Giám đốc Trung tâm NS-VSMTNT Bình Thuận cho rằng, giai đoạn tới, các địa phương nên chú ý tới việc đa dạng hóa các loại hình cấp nước phù hợp với điều kiện tự nhiên, đặc tính sử dụng nước mình.
Một số hạn chế của Chương trình trong giai đoạn 2006-2010: Hiệu quả hoạt động của công trình cấp nước tập trung chưa cao và thiếu bền vững; công tác truyền thông chưa tạo ra sự thay đổi lớn về hành vi của người dân trong sử dụng nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh; nhiều gia đình chưa chủ động đầu tư xây dựng nhà tiêu, còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước...
Riêng đối với Bình Thuận, ông Phước cho biết, cấp nước cho vùng nông thôn khó khăn, vùng biển đảo, vùng đồng bào dân tộc ít người luôn là mối quan tâm thường xuyên, hàng đầu của địa phương. Nhiều ý kiến cho rằng, cần cập nhật quy hoạch cấp nước và VSMTNT đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đối với các tỉnh. Những nơi có nguồn nước với số lượng và chất lượng tốt, dân tự đào giếng, khoan giếng thì chưa nên đầu tư hệ thống cấp nước tập trung.
Đối với các công trình cấp nước tập trung, Trung tâm NS-VSMTNT các tỉnh phải nắm được mọi vấn đề liên quan, từ công suất thiết kế tới vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa; việc phân cấp đầu tư cần đặc biệt lưu ý tới trình độ quản lý của từng địa phương, nên gắn đơn vị làm chủ đầu tư với quản lý vận hành công trình...
Các đơn vị liên quan cần tập trung giáo dục, vận động bà con thay đổi thói quen và hành vi vệ sinh chưa phù hợp, nghiên cứu mô hình nhà tiêu hợp vệ sinh cho từng vùng, nhân rộng các mô hình truyền thông vận động cộng đồng, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về VSMTNT trên các phương tiện truyền thông.
Hữu Thông
Vui lòng nhập nội dung bình luận.