Tháng 7.2013, ngư dân trẻ Nguyễn Tuấn ở Đức Phổ, Quảng Ngãi rơi nước mắt khi con tàu cặp bờ với đầy khoang cá dưa. Đương chính vụ cá, được mùa, nhưng mỗi chuyến đi, tàu của anh lỗ trắng gần 50 triệu đồng.
Con tàu 420 CV mỗi chuyến ngốn 5.000 lít dầu. Còn dầu thì liên tiếp 3 lần tăng giá trong chỉ 2 tháng. Càng vươn khơi càng lỗ. Cứ lên đến bờ là ngược xuôi vay nóng đầu nậu để trang trải chi phí. “Chắc tôi phải nghỉ đi biển”- anh nói với Tiền Phong.
Ở Nghệ An, hơn 20% trong số 4.000 tàu cá “nằm bờ nghe nóng”. Chi cục trưởng Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Nghệ An Nguyễn Chí Lương cho biết, do giá dầu tăng liên tục, nên ngoài tàu nằm bờ, “lượng tàu bám biển cũng giảm. Trước đây, trung bình tàu đi biển 20 ngày, nhưng nay họ giảm xuống khoảng 15 ngày”…
Cũng trong năm 2013 ngư dân khắp nơi đối mặt với nguy cơ treo thuyền ấy, báo cáo thường niên của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam vừa công bố cho biết lợi nhuận trước thuế của khối kinh doanh xăng dầu 1.300 tỷ đồng. Mức lãi khiến dư luận, những người liên tục phải nghe điệp khúc lỗ, lỗ, lỗ thực sự sững sờ.
Lợi nhuận tập đoàn tăng 205%. Lợi nhuận từ xăng dầu tăng 252%. Và tổng quỹ lương cho Ban quản lý điều hành gồm tổng giám đốc, các phó tổng giám đốc, kế toán trưởng là 2,36 tỷ đồng với trung bình mỗi sếp lớn nhận 393,75 triệu đồng/người/năm, tương ứng 32,81 triệu đồng/người/tháng.
Và thật hài hước ở một con số thống kê khác: Trong 11 lần “điều chỉnh” giá xăng dầu với “5 tăng 6 giảm”, kết quả cho biết giá xăng A92, loại hàng hóa “đầu vào của đầu vào” đang ở mức kỷ lục: 24.890 đồng/lít.
Không ai khác, chính nhân dân cần lao là những người làm nên lợi nhuận cho Petrolimex khi trong năm, có thời điểm số tiền trích quỹ bình ổn trên mỗi lít xăng lên đến 2.000 đồng/lít.
Tăng cấp tốc, giảm từ từ. Cứ hễ cơ quan quản lý tuyên bố không tăng giá xăng thì y như rằng giá xăng tăng. Còn khách hàng, ngoài việc mua xăng với giá khuyến mãi thêm mức “đảm bảo lợi nhuận định mức” cho người bán, còn phải lo “trích quỹ bình ổn” để đề phòng rủi ro cho…thị trường.
Không thể nói khác: Một thứ bán độc quyền. Và một thứ mua khốn khổ. Mua không được phép mặc cả. Có người đã ví hoạt động của Petrolimex y hệt như giới nhà băng, tức là mua rẻ và bán… độc quyền. Thị trường xăng dầu tự do ư? Điều đó vẫn ở đâu đó trong tương lai khi ở “thì hiện tại” hơn 60% thị phần, tức là quyền quyết định giá bán- vẫn nằm trong tay Petrolimex.
Và nếu mãi giữ cơ chế độc quyền này, đồng lãi của Petrolimex càng cao, mồ hôi nhân dân càng phải chảy nhiều.
Đào Tuấn (Đào Tuấn)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.