Sáng ngày 28.11, tại Tp. Biên Hòa, Đồng Nai đã diễn ra buổi ra mắt cửa hàng bình ổn giá nông sản sạch đầu tiên trên địa bàn tỉnh này.
Khai trương cửa hàng nông sản sạch bình ổn giá đầu tiên ở Đồng Nai. Ảnh Nguyên Vỹ
Của hàng này do Sở NNPTNT và Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai triển khai thực hiện để giới thiệu và bày bán các mặt hàng nông sản gồm thịt, rau, củ, quả an toàn với mức giá bình ổn đối với người sản xuất cũng như người tiêu dùng.
Để đảm bảo yêu cầu an toàn, các mặt hàng nông sản tại cửa hàng đều phải đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đặc biệt, để cung ứng sản phẩm an toàn từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng, ngoài việc nông sản được thu mua tại các trang trại VietGAP; giết mổ, chế biến tại các lò mổ đạt chuẩn thì cửa hàng bình ổn giá cũng phải đáp ứng các yêu cầu cao về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Các mặt hàng nông sản tại cửa hàng đều phải đạt tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh Nguyên Vỹ
Theo ông Huỳnh Văn Tới- Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Đồng Nai, sự ra đời của cửa hàng này là biểu hiện cụ thể cho sự kết nối 4 nhà (nhà nông, nhà nước, nhà khoa học, nhà băng) với nhà bếp.
Cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” nhằm khơi gợi lòng yêu nước ở người tiêu dùng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập và đề cao thực phẩm sạch, khẩu hiệu này thể hiện tính một chiều nếu nhìn ở góc độ người tiêu dùng. Trong khi xu hướng tiêu dùng hiện đại ưu tiên các mặt hàng chuẩn để phục vụ cho nội địa trước, trong đó có nông sản.
Giá thu mua thịt lợn của cửa hàng bình ổn đảm bảo ổn định và cao hơn trị trường tự do. Ảnh Nguyên Vỹ
“Nông sản Việt Nam phải làm sao có mặt hàng chuẩn, giá thành hợp lý, vị trí mua bán thuận lợi. Phải thay đổi tư duy để làm sao hàng Việt chinh phục thị trường Việt”, ông Tới nói.
Cũng theo ông này, việc thay đổi tư duy phải thực hiện ở tất cả các đối tượng từ người quản lý đến sản xuất. “Chúng ta đã làm từ lâu, làm rất nhiều nhưng trên giấy là chủ yếu. Cửa hàng bình ổn giá nông sản sạch đầu tiên ở Đồng Nai vì thế mang ý nghĩa khơi mở một địa điểm tin cậy cho thị trường”, ông Tới chia sẻ.
Nông sản Việt phải đạt chuẩn để chinh phục được thị trường Việt. Ảnh Nguyên Vỹ
Theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, cửa hàng ra đời không chỉ mua bán lẻ mà còn là điểm kết nối và giới thiệu để hoàn thiện hơn chuỗi liên kết, nhằm đưa nông sản Đồng Nai tiếp cận rộng rãi hơn thị trường cả trong và ngoài tỉnh.
Về mặt hàng thịt (gà, lợn), ông Công nhấn mạnh miếng thịt sạch từ cơ sở chăn nuôi sạch, đến chợ đầu mối an toàn thôi là chưa đủ. Địa điểm mua bán cũng phải an toàn và sạch là yếu tố thường ít được chú ý. Trong điều kiện khởi đầu còn hạn chế về diện tích, cửa hàng vẫn phải đảm bảo các tiêu chuẩn phòng trữ lạnh, quầy kệ sạch và nhân lực được học tập và khám sức khỏe định kỳ theo quy chuẩn.
Địa điểm mua bán thịt sạch cũng phải sạch và an toàn. Ảnh Nguyên Vỹ
Ông Công cho rằng cửa hàng ra đời cũng là sự cam kết của Hiệp hội để bảo vệ người chăn nuôi và người tiêu dùng. Giá lợn hơi ở thị trường tự do hiện dao động ở mức 26.000 – 28.000 đồng/kg. Vì được thu trực tiếp từ các cơ sở chăn nuôi và giết mổ là thành viên của Hiệp hội nên giá mua của cửa hàng ổn định ở mức 30.000 – 32.000 đồng/kg.
Góp mặt tại cửa hàng bình ổn giá còn có 40 mặt hàng rau, củ, quả an toàn từ chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây. các sản phẩm này đều được lấy mẫu kiểm tra đảm bảo an toàn và truy xuất nguồn gốc.
Cửa hàng bình ổn thu mua trực tiếp, hạn chế khâu trung gian và đóng gói nên giá thành giảm, đảm bảo giá mua bán có lợi cho người sản xuất và người tiêu dùng. Ảnh Nguyên Vỹ
Tuy là mô hình khởi điểm nhưng cũng đã thể hiện vai trò kiến tạo của chính quyền nhằm đảm bảo người tiêu dùng có nguồn thực phẩm sạch. “Hi vọng khi thành công, mô hình sẽ được triển khai nhân rộng ra khắp địa bàn tỉnh”, ông Trần Quang Toại, cư dân thành phố Biên Hòa cho biết.
Cửa hàng nông sản an toàn bình ổn giá được đặt kế bên trụ sở Sở NNPTNT tỉnh, chính là vị trí của cửa hàng từng tham gia chiến dịch giải cứu lợn vừa qua. Việc mở các cửa hàng bình ổn giá là chủ trương UBND tỉnh Đồng Nai để giúp bình ổn giá nông sản. Theo mục tiêu đặt ra, mỗi địa phương trên địa bàn tỉnh sẽ có từ 1 đến 2 cửa hàng bình ổn giá nông sản.
Theo ông Phan Minh Báu, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Đồng Nai, cửa hàng bình ổn thu mua trực tiếp, hạn chế khâu trung gian và đóng gói nên giá thành giảm 20%, đảm bảo giá mua bán có lợi cho người sản xuất và người tiêu dùng. Thông qua Hiệp hội chăn nuôi và chợ đầu mối Dầu Giây, cửa hàng sẽ tiếp tục mở rộng kết nối với người sản xuất an toàn trên địa bàn tỉnh và các đơn vị doanh nghiệp mở rộng chuỗi cung ứng.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.