Chưa chốt phương án chính thức xây cầu Cát Lái

Nha Mẫn Thứ năm, ngày 07/07/2022 17:11 PM (GMT+7)
Đồng Nai đưa ra nhiều phương án xây dựng cầu Cát Lái. Hiện các phương án này tiếp tục được xem xét, nghiên cứu để tìm ra hướng tuyến phù hợp nhất trong xây dựng cầu nhằm kết nối Đồng Nai và TP.HCM nhanh, thuận lợi.
Bình luận 0

5 phương án xây cầu Cát Lái

Ngày 7/7, tin từ UBND tỉnh Đồng Nai cho biết liên quan đến dự án xây dựng cầu Cát Lái thay thế phà Cát Lái, Sở GT-VT TP.HCM vừa có văn bản đề nghị Văn phòng UBND TP.HCM sớm tham mưu lãnh đạo TP.HCM xem xét đề xuất 5 phương án xây cầu thay phà để kết nối tốt hơn Đồng Nai và TP.HCM.

Vẫn "chờ" chọn phương án xây cầu Cát Lái - Ảnh 1.

Mô phỏng cầu Cát Lái. Ảnh Sở GTVT Đồng Nai

Theo đó, Đồng Nai đã đưa ra 5 phương án xây dựng cầu Cát Lái thay thế phà Cát Lái nhằm sớm đi đến thống nhất giữa hai địa phương.

Cụ thể, phương án 1 là hướng tuyến của cầu Cát Lái bắt đầu từ nút giao Mỹ Thủy (đường Vành đai 2), đi dọc đường Nguyễn Thị Định, vượt sông Đồng Nai.

Phương án 2 có hướng tuyến từ nút giao trên đường Vành đai 2, cách đường dẫn cầu Phú Mỹ 1km và cách nút giao Mỹ Thủy 2,3km; cầu đi dọc nhánh rạch Kỳ Hà, vượt sông Đồng Nai, sang xã Phú Hữu (huyện Nhơn Trạch), sau đó kết nối đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Phương án 3 có hướng tuyến cầu bắt đầu từ nút giao trên đường Vành đai 2, cách cầu Ba Cua khoảng 300m; tuyến đi thẳng vào cổng C cảng Cát Lái, vượt sông Đồng Nai sang xã Đại Phước (huyện Nhơn Trạch) sau đó rẽ phải đi trùng đường tỉnh 25B, nối đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Phương án 4 có điểm đầu trên đường trục Bắc - Nam, qua Rạch Dĩa, cắt đường Nguyễn Lương Bằng và đi trùng với đường Hoàng Quốc Việt, cắt đường Huỳnh Tấn Phát, vượt sông Đồng Nai sang 2 xã Phú Hữu, Phú Đông (huyện Nhơn Trạch), sau đó rẽ phải đi trùng đường quy hoạch kết nối đường cao tốc Bến Lức - Long Thành tại cuối dự án.

Vẫn "chờ" chọn phương án xây cầu Cát Lái - Ảnh 2.

Nhiều phương án xây cầu Cát Lái thay phà Cát Lái hiện hữu. Ảnh: Minh Hưng

Phương án 5 có điểm đầu tuyến nằm trên trục đường Bắc - Nam, vượt qua Rạch Dĩa, đi theo đường trục quy hoạch kho B, cắt đường Huỳnh Tấn Phát, đi qua Kho xăng dầu Nhà Bè, vượt sông Đồng Nai sang 2 xã Phú Hữu, Phú Đông (huyện Nhơn Trạch), sau đó rẽ phải đi trùng đường quy hoạch và nối đường cao tốc Bến Lức - Long Thành tại cuối dự án.

Vẫn chưa chốt phương án chính thức về xây cầu Cát Lái

Được biết, Sở GTVT TP.HCM đã có đánh giá về các phương án nghiên cứu cầu thay phà Cát Lái. Trong đó Sở GTVT TP.HCM đánh giá phương án 4 là phương án có nhiều ưu điểm để tạo ra kết nối giao thông hoàn thiện nhất. Với mạng lưới này sẽ giúp người dân dễ dàng lưu thông hơn, đồng thời kết nối nhanh TP.HCM đi qua huyện Nhơn Trạch rồi đến cảng hàng không quốc tế Long Thành và ngược lại. Tương tự Sở Quy hoạch - kiến trúc TP.HCM cũng đánh giá phương án 4 có tính khả thi cao và thuận lợi trong giải phóng mặt bằng.

Trước đó, tháng 8/2019, Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND tỉnh Đồng Nai triển khai thực hiện dự án Xây dựng cầu Cát Lái thay thế phà Cát Lái trên cơ sở đề xuất của tỉnh Đồng Nai. Theo quy hoạch bổ sung của Thủ tướng Chính phủ vào năm 2017, cầu Cát Lái có điểm đầu tại phường Cát Lái - Thạnh Mỹ Lợi, Q.2 (nay là TP.Thủ Đức), TP.HCM và điểm cuối cách bến phà hiện hữu khoảng 1km, thuộc xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch.

Ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận giao làm chủ trì dự án, Đồng Nai đã phối hợp với đơn vị tư vấn xây dựng nhiều phương án hướng tuyến để các cơ quan chức năng TP.HCM xem xét, lựa chọn phương án phù hợp.

Ông Dũng nói: “Trong các phương án Đồng Nai đề xuất, phía TP.HCM chấp thuận phương án nào thì Đồng Nai sẽ triển khai phương án đó”. Tuy nhiên theo ông Dũng, đến nay Đồng Nai và TP.HCM vẫn chưa thống nhất lựa chọn phương án mà vẫn đang tiến hành xem xét, đánh giá.

Còn ông Nguyễn Bôn, Phó Giám đốc Sở GTVT Đồng Nai cho biết từ đầu năm 2022 đến nay, TP.HCM và Đồng Nai đã kết hợp khảo sát thực tế về vị trí và hướng tuyến xây dựng cầu Cát Lái. Hiện, cả Đồng Nai và TP.HCM đang tiếp tục rà soát lại quy hoạch các khu vực nằm trong các phương án hướng tuyến đã được đơn vị tư vấn đề xuất. “Hướng tuyến vẫn ưu tiên nhất là khu vực thuận lợi đi lại, dễ giải phóng mặt bằng, chi phí xây dựng thấp nhất”, ông Bôn nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem