Vẫn chưa được hoàn thuế, doanh nghiệp ngành gỗ kiến nghị khẩn Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Vẫn chưa được hoàn thuế, doanh nghiệp ngành gỗ kiến nghị khẩn Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
P.V
Thứ hai, ngày 21/08/2023 18:00 PM (GMT+7)
Trước những bất cập trong việc hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT), cộng đồng doanh nghiệp ngành chế biến gỗ tiếp tục có công văn gửi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Quốc hội xem xét và tháo gỡ vướng mắc trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới hoàn thuế giá trị gia tăng.
Cụ thể, trong Công văn số 141/HHG-VP gửi đến Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ do ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam ký ngày 14/8/2023 nêu rõ:
Ngày 22/5/2020, Tổng cục Thuế ban hành văn bản số 2124/TCT-TTKT về việc giải quyết hoàn thuế gửi cục thuế các tỉnh và thành phố, trong đó có việc xác định rõ nguồn gốc gỗ.
Ngày 7/03/2022, Tổng cục Thuế tiếp tục ban hành công văn số 633/TCT-TTKT về thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp có rủi ro về hoàn thuế GTGT. Một số điểm tại công văn này đang gây khó khăn cho doanh nghiệp cũng như cho cục thuế các tỉnh/thành phố khi triển khai thực hiện.
Trước khó khăn trong công tác hoàn thuế GTGT, ngày 5/12/2022, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành văn bản số 8187/BNN-TCLN gửi Bộ Tài chính về tháo gỡ khó khăn đối với việc hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản.
Điểm 2 của công văn này khẳng định: “Theo quy định tại các Điều 15, 16 và 20 Thông tư số 27/2018/TT BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ nông nghiệp và PTNT quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản thì gỗ có nguồn gốc từ cây phân tán, vườn, rừng trồng trong nước đã đảm bảo về nguồn gốc hợp pháp, người dân tự quyết định việc khai thác, tự lập bảng kê lâm sản, tự do lưu thông và không phải xác nhận về nguồn gốc của cơ quan quản lý nhà nước. Như vậy, việc xác minh nguồn gốc gỗ khai thác trong nước theo phương pháp kiểm tra, xác minh thông qua UBND cấp xã và các cơ quan liên quan của cơ quan thuế là chưa phù hợp”.
Đồng thời, văn bản của Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng nhấn mạnh rằng việc Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) khi phát hiện một loại sản phẩm gỗ (ván dán) có rủi ro trong hoàn thuế GTGT mà đưa tất cả các loại sản phẩm gỗ khác vào danh mục rủi ro là không thỏa đáng.
Tiếp đó, ngày 26/5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công điện số 470/CĐ-TTg về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Tại điểm 3 của Công điện nêu rõ: 3 “Yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương kiểm tra, đánh giá đôn đốc Tổng cục Thuế thực hiện ngay, không chậm trễ, hướng dẫn các hồ sơ xem xét xin hoàn thuế giá trị gia tăng một cách nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp (hoàn thành trước 28/5/2023)...”.
Ngày 26/5/2023, ngay sau khi có Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã có công văn số 5427/BTC-VP gửi Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế thông báo ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, cụ thể điểm 1,2 và 5 của văn bản này nêu rõ: “Để kịp thời giải quyết các hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng đúng đối tượng, đúng quy định pháp luật, chỉ đạo ngay các đơn vị có hướng dẫn, thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng đối với các hồ sơ hoàn thuế nếu đủ điều kiện hoàn theo quy định của pháp luật”. “Đối với trường hợp không đủ điều kiện hoàn thuế thì giải thích, kịp thời thông báo cho người nộp thuế biết một cách công khai, minh bạch”.
Ngày 26/5/2023, sau Thông báo chỉ đạo số 5427/BTC-VP của Bộ tài Chính như đã nêu trên, Tổng cục Thuế đã ban hành công văn số 2099/TCT-KK, trong đó có chỉ đạo: “Đồng chí Cục trưởng chịu trách nhiệm toàn diện về công tác quản lý hoàn thuế GTGT trên địa bàn...”.
Sau các văn bản chỉ đạo đó, ngày 28/5/2023, Chi hội Dăm gỗ Việt Nam đã có văn bản đề nghị tổ chức buổi làm việc trực tiếp với Cục thuế tỉnh Quảng Ninh.
Ngày 2/6/2023, Cục thuế Quảng Ninh đã có buổi làm việc với Chi hội và các doanh nghiệp xuất khẩu dăm trên địa bàn. Tại buổi làm việc này, doanh nghiệp kiến nghị bãi bỏ các quy định trong trong công văn số 633/TCT-TTKT ngày 7/03/2022 về thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp có rủi ro về hoàn thuế GTGT.
Ngày 9/8/2023, Tổng cục Thuế tiếp tục có công điện số 07/CĐ-TCT về đẩy mạnh giải quyết hồ sơ hoàn thuế giá trị giá tăng trong đó tại điểm 3 của công điện nêu: “Tiếp tục sắp xếp, bố trí bổ sung cán bộ công chức tham gia giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế, nhất là các hồ sơ của các doanh nghiệp xuất khẩu ...”.
"Như vậy, mặc dù đã có rất nhiều chỉ đạo từ Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và nhiều đề xuất và kiến nghị của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam và các chi hội trực thuộc và các cục thuế địa phương, nhưng cho tới nay các doanh nghiệp ngành gỗ vẫn chưa được hoàn thuế", Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhấn mạnh.
Theo Hiệp hôi Gỗ và Lâm sản Việt Nam, việc doanh nghiệp không được hoàn thuế chủ yếu do sự bất cập trong quy định tại văn bản số 2124/TCT-TTKT ban hành ngày 22/5/2020 và số 633/TCT-TTKT ban hành ngày 7/03/2022 của Tổng cục Thuế quy định về thanh kiểm tra trong việc hoàn thuế, trong đó có việc xác minh nguồn gốc tới người trồng rừng.
Hiện, các doanh nghiệp ngành gỗ, nhất là những doanh nghiệp chế biến dăm gỗ đang gặp rất nhiều khó khăn do chưa được hoàn thuế. Từ thực tế đó, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam kiến nghị Chủ tịch Quốc hội xem xét và có các quyết định phù hợp để giúp doanh nghiệp ngành gỗ được hoàn thuế kịp thời, tránh được nguy cơ phá sản, tăng cường hiệu quả kinh doanh rừng trồng, góp phần tạo việc làm và cải thiện thu nhập cho một bộ phận rất đông dân cư nông thôn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.