Vẫn còn bệnh thành tích trong giảm nghèo

Thứ sáu, ngày 21/02/2014 09:37 AM (GMT+7)
Đánh giá trên được đưa ra tại Hội nghị về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn từ 2005 - 2013, do Ban Chỉ đạo T.Ư về giảm nghèo bền vững tổ chức, vào ngày 20.2, tại Hà Nội.
Bình luận 0
Vẫn còn nhiều bất cập

Theo báo cáo của Bộ LĐTBXH, riêng trong năm 2013, kết quả giảm nghèo của cả nước và từng địa phương cơ bản đạt được mục tiêu đề ra, cả nước bình quân giảm 2%/năm, các huyện nghèo, xã nghèo giảm bình quân trên 5%/năm.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền, kết quả giảm nghèo vẫn chưa đồng đều, chưa vững chắc, địa bàn các xã nghèo miền núi, vùng dân tộc thiểu số tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao, chiếm khoảng 50% trong tổng số hộ nghèo cả nước, tỷ lệ hộ tái nghèo, phát sinh nghèo hàng năm còn cao (bình quân cứ 3 hộ thoát nghèo thì có 1 hộ tái nghèo, phát sinh nghèo do hậu quả thiên tai, dịch bệnh, tách hộ).

“Ngoài ra, kết quả đánh giá giảm nghèo chưa phản ánh đúng thực chất do chuẩn nghèo được duy trì trong thời gian dài, không cập nhật chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hàng năm, vẫn còn bệnh thành tích trong giảm nghèo” - Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nhận định.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Đánh giá về chính sách giảm nghèo trong gần 10 năm, đại diện Bộ Tài chính cho rằng: Việc có nhiều chính sách trong lĩnh vực giảm nghèo không chỉ gây chồng chéo về mặt cơ chế, văn bản mà còn làm phân tán nguồn lực.

“Riêng chính sách cho vay cũng đã có nhiều chính sách cho cùng một đối tượng, nhưng chỉ khác nhau về hình thức. Nên chăng tổng hợp lại thành một quyết định của Thủ tướng thôi”- vị này đề xuất. Đại diện của Bộ KH-ĐT cũng nói: “Nhiều chính sách tập trung hỗ trợ cho hộ nghèo như hỗ trợ làm nhà, hỗ trợ cho con đi học... nhưng mức cho vay mỗi chính sách lại thấp, nên không thể làm được gì trọn vẹn”.

Tập trung cho vùng trũng

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Giàng Seo Phử thì nêu một bất cập khác: “Chúng ta xây dựng tiêu chí hỗ trợ cho hộ nghèo và cận nghèo, nhưng lại chưa có chính sách cho người mới thoát nghèo. Vì thế nhiều hộ vừa thoát nghèo năm trước năm sau lại tái nghèo vì không có gì hỗ trợ, dẫn đến tình trạng không muốn thoát nghèo”. Do vậy, Bộ trưởng Giàng Seo Phử đề xuất: Phải có chính sách hỗ trợ với độ trễ vài năm để cho dân thoát hẳn nghèo. Bỏ luôn hỗ trợ với mức cận nghèo để đỡ nảy sinh vấn đề phức tạp khi bình xét.

Bộ trưởng Giàng Seo Phử cũng cho biết, hiện có 196 chính sách, văn bản do các bộ ngành ban hành liên quan tới vấn đề giảm nghèo. “Tất cả đều cần thiết, có mức ảnh hưởng nhất định với người nghèo, nhưng về mặt cơ chế quản lý thì rõ ràng còn bất hợp lý. Gần 200 chính sách là quá nhiều. Cần nghiên cứu cách làm của Trung Quốc, chính sách của họ ít nhưng mỗi chính sách đều theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực” - ông Phử kiến nghị.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã lưu ý một số vấn đề như: Chính sách hỗ trợ giảm nghèo nhiều, nhưng chưa mang tính hệ thống, còn tản mạn, dẫn đến phân tán nguồn lực. Một số chính sách chưa phù hợp thực tế, tập quán từng vùng. Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, vẫn còn xã tỷ lệ nghèo cao, có nơi tới trên 90% tỷ lệ hộ nghèo.

Về hướng xử lý, Phó Thủ tướng đề nghị thiết kế chính sách làm sao để khuyến khích người dân vươn lên thoát nghèo; phải phân loại, tập trung cao độ cho vùng trũng (đông người nghèo, khó khăn); tất cả các bộ, ngành phải rà soát lại chính sách, văn bản trong lĩnh vực của mình, chủ động kiến nghị cái nào cần chỉnh sửa…

Hải Phong (Hải Phong)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem