Những vấn đề nóng nào đang cần bàn tay quyền Bộ trưởng Bộ Y tế giải quyết?

Gia Khiêm Chủ nhật, ngày 17/07/2022 13:00 PM (GMT+7)
Thông tin bà Đào Hồng Lan nhận nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Y tế nhận được sự quan tâm của dư luận. Qua báo Dân Việt, bạn đọc, chuyên gia y tế đã gửi gắm những tâm tư và kỳ vọng vị tư lệnh sẽ lèo lái con thuyền ngành Y.
Bình luận 0

"Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan như luồng gió mới trong cách quản lý của ngành Y"

Trưa 15/7, tại trụ sở Bộ Y tế, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà công bố hai quyết định của Bộ Chính trị và Thủ tướng đối với bà Đào Hồng Lan. Bộ Chính trị điều động, phân công bà Đào Hồng Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, thôi tham gia Ban chấp hành, Ban Thường vụ và thôi giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh nhiệm kỳ 2020-2025, để chỉ định giữ chức Bí thư Ban cán sự Đảng bộ Y tế. Thủ tướng cũng quyết định giao quyền Bộ trưởng Y tế đối với bà Đào Hồng Lan.

Những vấn đề nóng gì đang cần bàn tay quyền Bộ trưởng Bộ Y tế giải quyết? - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trao quyết định của Bộ Chính trị chỉ định giữ chức Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Y tế và quyết định của Thủ tướng Chính phủ giao Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho đồng chí Đào Hồng Lan. Ảnh BYT

Thông tin Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhận nhiệm vụ đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Qua báo Dân Việt nhiều bạn đọc, chuyên gia y tế Trung ương và tuyến y tế cơ sở đã gửi gắm những tâm tư, kỳ vọng vị tư lệnh sẽ lèo lái thành công con thuyền của ngành Y trong bối cảnh nhiều khó khăn, thử thách.

Trao đổi với PV Dân Việt, anh Nguyễn Văn Tuân ở quận Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ, đây là lần đầu tiên Bộ Y tế có quyền bộ trưởng không xuất thân từ ngành Y. Điều đó khiến trong quá trình công tác tới đây của bà Đào Hồng Lan đan xen thuận lợi và khó khăn, cơ hội và thách thức.

Những vấn đề nóng gì đang cần bàn tay quyền Bộ trưởng Bộ Y tế giải quyết? - Ảnh 2.

Chân dung quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan. Ảnh: Nguyễn Chương

"Theo tôi một số vấn đề nóng cần sự nhập cuộc nhanh của quyền Bộ trưởng đó là giải quyết tình trạng thiếu thuốc, nhân lực cán bộ y tế bởi thời gian vừa qua nhiều cán bộ y tế đã xin nghỉ việc, chuyển công tác… Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tuyển chọn cán bộ, khen thưởng và kỷ luật, những chính sách đãi ngộ cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc ngành y cần quyền Bộ trưởng Bộ Y tế hành động nhanh và kiên quyết…", anh Tuấn mong muốn.

Trao đổi với Dân Việt, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, việc bà Đào Hồng Lan nhận chức vụ quyền Bộ trưởng Bộ Y tế như "luồng gió mới trong cách quản lý của ngành Y". Từ quản lý chuyên môn đơn thuần, bà Lan thiên về chính sách bởi đã từng phụ trách nhiều lĩnh vực, vị trí quan trọng tại Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng như từng là Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh.

Những vấn đề nóng gì đang cần bàn tay quyền Bộ trưởng Bộ Y tế giải quyết? - Ảnh 3.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga kỳ vọng, quyền Bộ trưởng Y tế sẽ có những quyết định quản lý để ngành Y tế làm tốt nhất sứ mệnh phục vụ nhân dân. Ảnh: NVCC

"Tôi kỳ vọng một chính khách "trui rèn" từ thực tiễn công tác đa dạng, được trung ương tin tưởng và đánh giá cao thì đó là cơ hội giúp quyền Bộ trưởng có những quyết định quản lý để ngành Y tế làm tốt nhất sứ mệnh phục vụ nhân dân. Quyền Bộ trưởng sẽ có những cách nhìn mới, không phải liên quan về chuyên môn y tế mà là những chính sách, đường lối cải tổ ngành Y tế, cơ chế tổ chức để hoạt động hiệu quả hơn. Hy vọng với kinh nghiệm của mình quyền Bộ trưởng sẽ đóng góp cho ngành Y tế hoạt động hiệu quả, phát triển", ông Nga bày tỏ.

Bên cạnh đó, ông Nga cho rằng, vị tư lệnh sẽ có những cơ chế về khám chữa bệnh để làm sao người dân nghèo được hưởng chế độ tốt hơn, cán bộ y tế yên tâm làm việc hơn.

"Từng đảm nhiệm trọng trách tại Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội lại kinh qua vị trí Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh đã có những uy tín, cách nhìn trong công tác quản lý, tôi kỳ vọng bà Lan sẽ đưa ngành Y tế phát triển tốt hơn, công bằng y tế, cán bộ y tế sẽ có chính sách đãi ngộ tốt hơn để yên tâm làm việc. Về chuyên môn y tế đã có các Thứ trưởng đảm nhiệm, còn người đứng đầu quan trọng nhất phải có những sách lược, đường lối nghiên cứu đúng và trúng", ông Nga chia sẻ quan điểm.

Những việc quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cần giải quyết

Trao đổi với PV Dân Việt, một chuyên gia từng công tác tại Bộ Y tế cho rằng, có 3 vấn đề chính bà Lan cần vào cuộc để ổn định ngành Y tế. Cụ thể, vị chuyên gia này cho rằng, quyền Bộ trưởng phải giải quyết những vấn đề nóng trực tiếp liên quan đến sức khỏe người dân như: vấn đề thiếu thuốc khám chữa bệnh, khủng hoảng cán bộ, dịch bệnh nguy hiểm...

Những vấn đề nóng gì đang cần bàn tay quyền Bộ trưởng Bộ Y tế giải quyết? - Ảnh 4.

Hình ảnh nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân Covid-19 hồi tháng 2/2022 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: Gia Khiêm

"Bao giờ cũng thế phải ổn định tư tưởng, các chính sách về vấn đề tài chính, chăm sóc sức khỏe người dân, chữa bệnh người nghèo, hệ thống ngành Y tế. Hiện nay ngành Y đang vướng về vấn đề tự chủ, xã hội hoá, đấu thầu, tiền lương cán bộ y tế…

Trước mắt tập trung 3 vấn đề, cụ thể bệnh tật đang nổi lên như: hậu Covid-19, dịch bệnh, tay chân miệng, Covid-19, cúm mùa, sốt xuất huyết… Khủng hoảng cán bộ y tế phải làm ngay nếu không sẽ mất cán bộ, thời gian tới Bộ trưởng phải làm chính sách về vấn đề hệ thống, rà soát sắp xếp lại chính sách ra sao…", vị này nêu.

Những vấn đề nóng gì đang cần bàn tay quyền Bộ trưởng Bộ Y tế giải quyết? - Ảnh 5.

Chuyên gia kỳ vọng, quyền Bộ trưởng ổn định ngành Y tế, lấy được niềm tin của nhân dân với ngành y, cán bộ y tế yên tâm làm việc. Ảnh: Gia Khiêm

Vị chuyên gia này kỳ vọng, quyền Bộ trưởng ổn định ngành Y tế, lấy được niềm tin của nhân dân với ngành Y, cán bộ y tế yên tâm làm việc.

"Ổn định phải đi đôi với nhiều chính sách đặc biệt liên quan thu nhập của cán bộ nhân viên y tế phải đủ sống, không chịu quá nhiều áp lực trong công việc…", vị này nói thêm.

Cũng theo khảo sát của PV Dân Việt, một số lãnh đạo phụ trách tuyến y tế quận, huyện tại Hà Nội bày tỏ mong muốn quyền Bộ trưởng trực tiếp thị sát trạm y tế xã phường tại cơ sở, các cơ sở khám chữa bệnh tuyến đầu, các phòng khám đa khoa, trung tâm y tế, cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn quận, huyện, xã, phường.

Những vấn đề nóng gì đang cần bàn tay quyền Bộ trưởng Bộ Y tế giải quyết? - Ảnh 6.

Hình ảnh nhân viên tuyến y tế cơ sở căng mình trong phòng chống dịch Covid-19 thời điểm tháng 2/2022. Ảnh: Gia Khiêm

"Quyền Bộ trưởng nên khảo sát thật kỹ nắm bắt tình hình khám chữa bệnh của người dân. Thứ 2, nắm bắt rõ nhân lực y tế tại đây, khảo sát nhu cầu của người dân trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân. Cuối cùng đánh giá thực trạng sự thiếu hụt của cán bộ y tế tuyến cơ sở.

Nguyện vọng tuyến cơ sở đó là quyền Bộ trưởng không phải chỉ nghe Sở Y tế các tỉnh báo cáo mà nên lắng nghe trực tiếp những lời chia sẻ của những người làm ở tuyến cuối cùng. Qua báo cáo từ Sở sẽ không phản ánh hết tâm tư nguyện vọng cũng như những thực tế tại cơ sở. Chỉ có khi tư lệnh ngành xuống tận nơi mới đánh giá hết được. Việc này cần công khai thông tin đại chúng, người dân cũng như hệ thống y tế cả nước biết", vị lãnh đạo phụ trách tuyến y tế một quận tại Hà Nội chia sẻ.

Từ năm 1945 đến nay, Bộ Y tế đã có 14 đời bộ trưởng/người đứng đầu, trong đó duy nhất bà Đào Hồng Lan không có chuyên môn y tế. Bà cũng là nữ lãnh đạo thứ ba của ngành Y, sau Bộ trưởng Trần Thị Trung Chiến (8/2002-8/2007) và Nguyễn Thị Kim Tiến (8/2011-11/2019).

Bà Đào Hồng Lan (51 tuổi, quê Hải Dương), trình độ thạc sĩ kinh tế, là Ủy viên Trung ương khóa XIII. Bà từng là cán bộ tư vấn Trung tâm Xúc tiến việc làm thanh niên Hà Nội (Thành Đoàn Hà Nội); chuyên viên Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội); Phó vụ trưởng Bảo hiểm xã hội, Phó chánh Văn phòng, Chánh văn phòng, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Tháng 3/2018, bà Lan được Bộ Chính trị luân chuyển, chỉ định tham gia Ban chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Phó bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh nhiệm kỳ 2015-2020.

Ngày 25/9/2020, hội nghị lần thứ nhất Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh thống nhất bầu bà Lan giữ chức Bí thư Tỉnh ủy khóa XX, trở thành nữ Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Bắc Ninh kể từ khi tỉnh này được tái lập năm 1997.

Ngày 7/6, Quốc hội cách chức Bộ trưởng Y tế và bãi nhiệm đại biểu Quốc hội với ông Nguyễn Thanh Long. Cùng ngày, ông Long bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) khởi tố, tạm giam về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo Điều 356 Bộ luật Hình sự.

Bộ Y tế hiện có bốn thứ trưởng là bà Nguyễn Thị Liên Hương và các ông Nguyễn Trường Sơn, Trần Văn Thuấn, Đỗ Xuân Tuyên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem