Văn hóa ăn cơm khách

Thứ tư, ngày 16/11/2011 19:32 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tại SEA Games 26, hàng loạt đội tuyển, hàng loạt HLV, VĐV các nước kêu ầm lên rằng: Ăn uống có vấn đề, thức ăn không hợp, gây rối loạn tiêu hóa, gây tiêu chảy, ảnh hưởng đến thành tích VĐV.
Bình luận 0

Ông nội yêu quý tôi nhất trần đời! Hồi bé, tôi như hạt ngọc trên tay ông, chả khi nào ông nặng lời dù tôi là thằng đầy những trò quậy phá. Thế mà có một lần, ông mắng tôi, mắng rất nặng, chỉ vì một cái lỗi mà lúc bé tôi không nghĩ đó là lỗi: Tôi chê cơm không ngon trước mặt chủ nhà trong một lần đi ăn cơm khách với ông. Cơm không ngon thì tôi bảo không ngon. Thế thôi!

Ông về bên phía kia trời, tôi lớn lên và cũng đã kịp nhận ra: Chuyện mời cơm khách và ăn cơm khách thể hiện đủ đầy văn hóa trong giao tiếp của người Việt. Mời cơm trước mấy hôm là vừa, dọn mâm lên lúc nào là đúng, là khách thì đến lúc nào là hợp lý, khen món ăn nào thì vừa lòng gia chủ…

Tại SEA Games 26 lần này, hàng loạt đội tuyển, hàng loạt HLV, VĐV các nước kêu ầm lên rằng: Ăn uống có vấn đề, thức ăn không hợp, gây rối loạn tiêu hóa, gây tiêu chảy, ảnh hưởng đến thành tích VĐV. Nhưng riêng đoàn Việt Nam thì ông Lâm Quang Thành - Trưởng đoàn khẳng định: “Ăn uống ở nước ngoài, chuyện lạ miệng, không hợp thức ăn là chuyện đương nhiên. Nhưng không phải vì thế mà ta nói bạn kém trong khâu chuẩn bị”.

Thật ra thì tất cả những đội kêu ca và đổ lỗi cho thức ăn đều có thành tích quá tồi, họ có “thua rồi đổ vấy” hay không thì không biết, nhưng rõ ràng họ đã không “chơi đẹp” khi “ăn miếng ăn của người ta rồi còn há miệng ra kêu”. Không hợp thức ăn thì ăn mì ăn liền, ăn đồ hộp hay sang trọng hơn thì mang đầu bếp đi theo… Việt Nam bao năm nay vẫn làm thế mà có sao đâu.

Văn hóa ăn cơm khách của Việt Nam cũng đáng trọng lắm chứ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem