Ngày hội năm nay có nhiều tỉnh, thành (Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, An Giang, Tây Ninh, TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hoà) tham gia và trưng bày, giới thiệu di sản văn hoá Chăm.
Như Dân Việt đã thông tin, tại ngày hội sẽ diễn ra nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn trang phục truyền thống dân tộc Chăm, thi đấu thể thao, giới thiệu văn hoá ẩm thực, hội chợ - triển lãm và giới thiệu sách cùng hội thảo bảo tồn, phát triển văn hoá Chăm. Hàng trăm bức ảnh, hiện vật giới thiệu văn hoá các dân tộc Việt Nam và các bộ phim tư liệu về văn hoá Chăm sẽ được giới thiệu trong dịp này, với sự tham gia của các nghệ nhân, diễn viên, nhạc công là người dân tộc Chăm, cùng nhiều chức sắc tôn giáo.
|
Một lễ hội của đồng bào Chăm. D.X |
PGS - TS Nguyễn Chí Bền - Viện trưởng Viện Văn học nghệ thuật, đơn vị tổ chức hội thảo, cho biết: Hội thảo sẽ đánh giá hiện trạng bảo tồn, phát triển văn hoá Chăm, đánh giá tác động của văn hoá Chăm trong phục vụ du lịch và đề xuất các giải pháp cụ thể trong việc đưa văn hoá phục vụ du lịch.
Ông Phan Quốc Anh - Giám đốc Sở VHTTDL Ninh Thuận chia sẻ: Ninh Thuận đang nỗ lực phát triển du lịch và kỳ vọng ngày hội lần này sẽ quảng bá rộng rãi truyền thống văn hoá dân tộc Chăm, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển. “Tỉnh đang xây dựng đề án phát triển du lịch đến năm 2020, trong đó xây dựng quy hoạch với nhiều điểm đến, tour, tuyến du lịch khai thác các không gian cộng cư cũng như truyền thống văn hoá đặc sắc của đồng bào Chăm”.
Dương Xuân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.