Đồng Nai dành nguồn ngân sách hơn 600 tỷ đồng mỗi năm để đầu tư cho văn hóa

Nguyên Vỹ Thứ ba, ngày 12/03/2024 14:50 PM (GMT+7)
Tổng kinh phí hàng năm từ 600-700 tỷ đồng là con số khá lớn đầu tư cho văn hóa của Đồng Nai. Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo ngành văn hóa cần có kế hoạch, yêu cầu HĐND, UBND tỉnh bố trí nguồn lực để hoạt động.
Bình luận 0

Phát triển văn hóa Đồng Nai còn nhiều bất cập

Tại Hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 12 năm 2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Đồng Nai trở thành nguồn lực, động lực quan trọng cho phát triển toàn diện bền vững, tổ chức ngày 12/3, NSND Giang Mạnh Hà - Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai cho biết, văn học nghệ thuật là một bộ phận của văn hóa.

Văn học nghệ thuật Đồng Nai đông đảo về số lượng tác giả, tác phẩm. Nhưng nhìn chung, Đồng Nai còn khá hiếm những tác phẩm có tính dự báo, có khả năng đề cập đến những vấn đề lớn của thời đại như dân tộc, tôn giáo, sự thay đổi của con người Việt Nam, vấn đề quan hệ quốc tế.

Nhìn tổng thể, đời sống văn hóa tinh thần của người Đồng Nai còn khá nghèo nàn, văn hóa đọc và thưởng thức văn học nghệ thuật còn nhiều bất cập.

NSND Giang Mạnh Hà kiến nghị tỉnh cần có đề án và cơ chế bảo tồn, truyền bá các loại hình văn học, nghệ thuật cổ truyền; hỗ trợ văn hóa đọc, đầu tư xây dựng các công trình văn hoá, nghệ thuật; nâng cấp, cải tạo và xây mới các nhà hát, rạp chiếu phim, trung tâm hội nghị và tổ chức sự kiện.

Tiết mục Âm vang nguồn cội, dân ca phát triển dân tộc Chơro do nghệ sĩ Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Đồng Nai biểu diễn. Ảnh: Thanh Thanh

Tiết mục Âm vang nguồn cội, dân ca phát triển dân tộc Chơro do nghệ sĩ Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Đồng Nai biểu diễn. Ảnh: Thanh Thanh

Bà Giang Thị Thu Nga - Phó Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông cho biết, Đồng Nai có tỷ lệ người sử dụng Internet khoảng 85%, cao hơn bình quân của cả nước. Tuy nhiên, công tác quản lý thông tin trên không gian mạng, mạng xã hội để định hướng tư tưởng và thẩm mỹ cho nhân dân gặp nhiều khó khăn.

Một trong những nhiệm vụ trong xây dựng và phát huy giá trị văn hoá, con người Đồng Nai trở thành nguồn lực, động lực quan trọng cho phát triển toàn diện và bền vững, đó là xây dựng con người Đồng Nai "yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo, thân thiện với môi trường"

Sở Thông tin và Truyền thông đề xuất một số giải pháp nhiều nhằm nâng cao hơn nữa vai trò, hiệu quả của của truyền thông đại chúng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về văn hóa, thông tin của nhân dân.

Dành bình quân 3,5% tổng chi ngân sách cho văn hóa 

Theo UBND tỉnh, mỗi năm Đồng Nai tiếp nhận một lượng lớn dân cư đến sinh sống lập nghiệp. Đồng Nai có hơn 50 dân tộc anh em với các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau. Tất cả sinh sống chan hòa, nương tựa vào nhau, nên bức tranh văn hóa Đồng Nai đa dạng, phóng khoáng, dung hòa và lan tỏa.

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai tặng bằng khen cho các cá nhân tập thể có thành tích trong nâng việc cao hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Nguyên Vỹ

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai tặng bằng khen cho các cá nhân tập thể có thành tích trong nâng việc cao hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Nguyên Vỹ

Hiện Đồng Nai có 374 lễ hội truyền thống; hơn 1.500 di tích phổ thông; 68 di tích được xếp hạng (trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 19 di tích quốc gia, 37 di tích cấp tỉnh).

Hàng năm, tỉnh này tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ với nhiều nội dung phong phú, đa dạng, thu hút đông đảo quần chúng tham gia. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được duy trì thường xuyên, khu phố đạt danh hiệu văn hóa trên 95%.

Ông Hồ Thanh Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai, cho biết Tỉnh ủy đã nhiều lần thảo luận, phải qua 10 lần dự thảo mới ra được Nghị quyết 12 về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Đồng Nai. Tiếp đó là Kế hoạch số 80 ngày 8/3/2024 nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết 12.

Vì thế, Hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 12 là hội nghị mang tính chiến lược trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai xây dựng, phát triển văn hóa, con người Đồng Nai trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển toàn diện, bền vững.

Ông Hồ Thanh Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Hồ Thanh Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Sơn chia sẻ trong mục tiêu thực hiện Nghị quyết 12 có đặt ra vấn đề kinh phí, dành bình quân hàng năm từ nay đến năm 2025 là 3,5% tổng chi ngân sách; và khoảng 4% đến năm 2030.

"3,5% là con số khá lớn, tương ứng 600-700 tỷ đồng cho văn hóa. Ngành văn hóa Đồng Nai cần có kế hoạch cụ thể, bám sát nội dung này để yêu cầu HĐND, UBND tỉnh bố trí nguồn lực để hoạt động", ông Sơn đề nghị.

Tỉnh ủy Đồng Nai cũng đề nghị các cấp các ngành và toàn thể nhân dân tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của văn hóa trong triển kinh tế xã hội; cần tạo hành lang pháp lý thuận lợi để văn hóa và con người Đồng Nai phát triển toàn diện.

Công tác bảo tồn, phát huy hiệu quả các di sản văn hóa, hệ thống danh lam thắng cảnh cũng cần được đẩy mạnh để tạo nhiều sản phẩm văn hóa du lịch đặc trưng, có chất lượng, mang đậm bản sắc vùng đất con người Đồng Nai.

"Đồng thời, các cấp ngành cần nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân, khắc phục chênh lệch về trình độ phát triển và mức hưởng thụ văn hóa giữa các địa phương, khu vực và đối tượng dân cư trong tỉnh", Phó Bí thư Thường trực tỉnh Đồng Nai đề nghị.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem