Thẩm mỹ phải học
Cuộc sống đầy bức xúc, cộng với thời tiết nóng dữ dội khiến nhiều người thích đi tìm những “con dê tế thần”. Thế nên dân tình “ném đá” chuyện đưa mẫu vào chụp nude trong đầm sen, dù thực ra nude với sen là đẹp, với ý đồ tôn vinh phụ nữ (nếu có). Còn việc thực hiện ra sao mới đáng nói...
Chưa biết bộ ảnh nude hồ sen phản cảm kia ai tung ra. Có người bảo là nhiếp ảnh gia hay bạn bè của cả 2 bên cố tình trưng ra để cho bà con chê bôi người mẫu chưa đẹp mà dám nude. Nếu thế thì đùa hơi ác thật. Còn nếu người mẫu tung ra, chứng tỏ cô ấy thích những tấm ảnh đó, bởi không ai đi khoe ảnh xấu cả.
Dĩ nhiên, đẹp xấu còn tùy quan niệm. Người coi vẻ đẹp phồn thực thời Phục Hưng mới là chuẩn với những người mẫu hơi béo đầy sức sống. Ai đó lại mê những số đo vàng. Còn một nhóm khác thích vẻ đẹp mong manh như liễu ven hồ trước gió... Nhưng điều đó không có nghĩa là “sư nói sư phải, vãi nói vãi nghe”.
Xấu hay đẹp là câu chuyện văn hóa thẩm mỹ mà thẩm mỹ cần được giáo dục. Thời đại công nghệ chiếm lĩnh thế giới hiện nay, người ta có thể học thẩm mỹ, học cái đẹp ở mọi nơi mọi lúc.
Trở lại chuyện bộ ảnh nude bị chê vì người mẫu cứng đờ, không biểu cảm và không biết che chắn, hoặc cố tình không che những điểm nhạy cảm. Không chỉ vì mẫu chưa biết tạo dáng mà lỗi nặng thuộc về nhiếp ảnh gia. Nhiếp ảnh là nghệ thuật của ánh sáng mà ở đây ánh sáng không được sử dụng hiệu quả để tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ. Và người xem ngắm những bức ảnh này không có gì để tưởng tượng thêm về sự bí ẩn của phụ nữ, cũng không thấy phải khám phá ý tưởng của tác giả, bởi đó không phải là ảnh nghệ thuật.
Chụp ảnh nude không phải là đỉnh cao trong nghệ thuật nhưng cũng đừng coi nó dễ dãi, bằng không chỉ là ảnh “không mặc quần áo”. Và chụp nude cũng không nhất thiết phải lộ ra 3 vòng, nhiều khi chỉ là một bờ lưng mảnh mai, một cặp chân dài để trần. Tất cả phụ thuộc vào cái tài và ý tưởng của người cầm máy.
Ai đó bảo thích thì khoe, can cớ gì cứ phải “nghệ thuật” này nọ. Nếu cất trong nhà thì không sao, thế nhưng đã đem ra cho bàn dân thiên hạ xem thì chắc chắn phải chịu “phán xét”. Đến ảnh nude nghệ thuật mà các trang web nước ngoài khi đưa lên công cộng cũng phải dán nhãn R+18.
Một số bức ảnh nude gây ầm ỹ trên mạng xã hội tuần qua. Nguồn ảnh: Internet
Phụ nữ đứng tuổi có quyền đẹp, tại sao không?
Một số bộ ảnh khác của một số phụ nữ đứng tuổi cũng chụp bên sen, có người cũng chơi bạo mặc áo yếm và bị công kích tơi bời, có cả những ngôn từ tục tĩu, khó nghe.
Xưa phụ nữ ra đường không bao giờ mặc áo yếm mà không mặc áo tứ thân, còn khi ở nhà để tiện lợi cho sinh hoạt mới mặc áo yếm, như áo ngủ. Không ai mặc áo ngủ ra đường chụp ảnh, nó “tố cáo” ngay phẩm cách nhân vật.
Nhưng ngoài vụ đó ra, chuyện phụ nữ có tuổi chụp ảnh hở, sexy theo đúng nghĩa là gợi cảm thì không có gì đáng lên án. Độ tuổi nào cũng có vẻ đẹp riêng của nó. Nét thanh xuân của tuổi trẻ, sự đằm thắm, mặn mòi của tuổi trung niên… đừng nên so sánh.
Tôi đã xem bộ ảnh về những quý bà ở Châu Âu đi làm đẹp, trang điểm và rạng ngời hạnh phúc. Hay tấm ảnh chụp một người đàn bà xế chiều mặc bikini, mặt kiêu hãnh ở hồ bơi, đẹp tuyệt và gợi cho người xem cảm giác còn về vẻ đẹp nội tâm của nhân vật.
Ngoài văn hóa thẩm mỹ, văn hóa ứng xử cũng cần bàn. Khen chê đều phải có điểm dừng, không nên vượt qua giới hạn, như các cụ xưa hay nói “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” và “nói phải củ cải cũng nghe”. Còn nếu cứ “ném đá” bừa bãi, sẽ có lúc hòn đá quay trở lại...
Việt Văn (Lao động)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.