Thời gian vừa qua, công an cũng phát hiện và đề nghị xử lý hàng loạt vụ đánh bạc, đỏ đen lớn, trong đó lộ diện không ít quan chức, cán bộ hàng phó giám đốc sở, chủ tịch HĐQT và phó TGĐ, trưởng phó phòng của nhà nước, có cả phó giáo sư, giáo sư của một học viện, rồi có cả thẩm phán TAND, cán bộ Viện KSND, công an, những người am hiểu, thực thi pháp luật, cầm cân nảy mực cho công lý cũng lao vào đỏ đen, bài bạc. Ngày thường đã vậy, ngày Tết càng sát phạt nhau nhiều hơn. Nếu có việc phải ra tới chính quyền địa phương hoặc các công ty, thời điểm sau Tết, chúng tôi thường phải chờ đợi vì các công chức còn bận đánh bài…
Cán bộ, công chức nhà nước được coi là người có học, có địa vị trong xã hội, hiểu hơn ai hết về việc đánh bài bạc, đỏ đen, cá độ là vi phạm pháp luật. Có người phải vào vòng lao lý. Có người khuynh gia bại sản, nợ nần chồng chất. Có kẻ cùng quẫn, bế tắc, tìm đến cái chết như một sự giải thoát. Gương người trước tày liếp còn đấy. Thế nhưng nhiều người vẫn cứ sa lầy vào "người tình đỏ đen" như những con thiêu thân.
Vì sao công chức ngang nhiên đánh bạc? Câu trả lời là vì việc xử lý của các cấp, các ngành chức năng và liên quan lâu nay về vấn đề cờ bạc vẫn còn khá xuê xoa, nhẹ nhàng nên tệ nạn này chẳng những không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng đáng lo ngại.
Thiết nghĩ, đến lúc, mỗi cơ quan, đơn vị, từng cán bộ, công chức phải có cam kết không được đánh bạc, đỏ đen, cá độ dưới mọi hình thức, nhất là thời gian sau Tết. Buông lỏng, xuê xoa đồng nghĩa với việc tiếp tay cho hành vi, việc làm xấu của cán bộ. Cán bộ chơi cờ bạc, đỏ đen được thì dân có ngán gì mà không chơi, không "học tập" theo.
Thanh Bình (Hà Nội)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.