Vẫn nan giải bài toán nhập siêu

Thứ sáu, ngày 31/12/2010 08:27 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Xuất khẩu năm 2010 đã tăng trưởng khả quan, vượt xa chỉ tiêu nhưng những vấn đề bất cập trong nhập khẩu và nhập siêu vẫn chưa có cách gì khống chế.
Bình luận 0
img
Năm 2010, Việt Nam vẫn nhập khẩu khá nhiều hàng nông sản.

Tại hội nghị giao ban xuất nhập khẩu năm 2010 của Bộ Công Thương diễn ra hôm qua (30-12), Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên đánh giá, xuất khẩu năm 2010 rất khả quan, đạt kim ngạch tới 71,63 tỷ USD, tăng 25,5% so với năm trước.

XK của khu vực doanh nghiệp FDI lần đầu tiên vượt các doanh nghiệp trong nước 1 tỷ USD. XK của nhóm nông lâm thủy sản năm 2010 cũng vô cùng ấn tượng, với kim ngạch trên 15 tỷ USD, tăng 22,9% so với năm 2009. Thủy sản là mặt hàng tăng xuất khẩu mạnh nhất. Năm 2010 cũng là "năm vàng" của xuất khẩu gạo, cả nước đã xuất khẩu được 6,8 triệu tấn gạo.

Ông Phạm Văn Bảy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, giá gạo XK năm 2010 của Việt Nam tăng trung bình trên 22 USD/tấn. Hiện giá gạo xuất khẩu 5% tấm đã lên mức 511 USD/tấn, gạo 15% tấm là 419 USD/tấn, sát với giá gạo của Thái Lan. Giá lúa năm nay, theo ông Bảy cũng đã cho nông dân thu lợi trên 30%, nếu tính bình quân cả năm với mức 4.430 đồng/kg.

Sẽ xuất khẩu 6 triệu tấn gạo

Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, năm 2011 dự kiến Việt Nam sẽ xuất khẩu 5,5-6 triệu tấn gạo. Song, xuất khẩu gạo năm 2011 sẽ có nhiều khó khăn do lượng gạo tồn kho của doanh nghiệp chuyển sang thấp, chỉ khoảng 800 tấn và giá thành đầu vào cao. Bất lợi nữa là năm 2011, hợp đồng gạo tập trung hiện mới chỉ đạt 500.000 tấn, giao tháng 1 và 2-2011.

Tại cuộc họp này, Bộ Công Thương cũng thừa nhận vấn đề nhập siêu vẫn là bài toán nan giải. Năm 2010, nhập khẩu của cả nước đã đạt 84 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2009 và nhập siêu là 12,3 tỷ USD.

Đáng chú ý là nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm nhập khẩu không đảm bảo vệ sinh vẫn gia tăng. Nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu như hàng tiêu dùng, hàng trong nước đã sản xuất vẫn tăng mạnh so với các nhóm hàng nguyên nhiên vật liệu.

Theo báo cáo chính thức của Tổng cục Hải quan, năm nay nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu đã có tốc độ tăng cao hơn nhóm nguyên nhiên vật liệu nhập cho sản xuất, nhất là trong 2 tháng 11 và 12, chứng tỏ giải pháp giảm nhập siêu ít có tác dụng.

Bộ Công Thương cho biết tiêu dùng hiện đang phụ thuộc lớn vào nhập khẩu, ngay xuất khẩu cũng phụ thuộc vào nhập khẩu nên khó giảm nhập siêu trong ít nhất nhiều năm tới.

Những tháng cuối năm nay, nhập khẩu vàng, sản phẩm từ thép, xe máy, phụ tùng xe máy đã tăng vọt. Nhập vàng tăng tới 234%, xe máy, linh kiện xe máy tăng 41%; ô tô và linh kiện ô tô tăng 17%...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem