Vấn nạn một cá nhân có thể đăng ký hàng nghìn SIM: Sẽ thắt chặt hành lang pháp lý

PV Thứ ba, ngày 01/11/2022 06:00 AM (GMT+7)
Trên thị trường vẫn còn tình trạng SIM di động được bán tại các đại lý mà không cần đăng ký, và đó chính là những nguồn để đối tượng xấu có thể lợi dụng nhằm phát tán các tin nhắn rác, cuộc gọi rác.
Bình luận 0

Trong đợt kiểm tra vừa qua của Bộ Thông tin và Truyền thông, hàng loạt các công ty khu vực của các doanh nghiệp viễn thông; các điểm cung cấp dịch vụ uỷ quyền trên toàn quốc đã bị xử phạt.

Kết luận kiểm tra cũng đã chỉ rõ sai phạm của các doanh nghiệp viễn thông di động trong việc quản lý thông tin thuê bao, cụ thể: Bán SIM đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước; chấp nhận đăng ký thông tin thuê bao bên ngoài điểm cung cấp dịch vụ viễn thông; quản lý chưa chặt chẽ dẫn tới vẫn còn tình trạng thông tin thuê bao không chính xác, không đầy đủ theo quy định; cá nhân đăng ký rất nhiều SIM, cá biệt một số cá nhân đăng ký tới hàng ngàn SIM, đây là một trong các nguyên nhân của tình trạng sử dụng SIM không chính chủ. 

Vấn nạn một cá nhân có thể đăng ký tới hàng nghìn SIM: Sẽ thắt chặt hành lang pháp lý - Ảnh 1.

Một cửa hàng bán SIM trên đường Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội. Ảnh Khải Phạm.

Doanh nghiệp còn để xảy ra tình trạng nhân viên của mình, nhân viên đại lý, điểm cung cấp dịch vụ viễn thông sử dụng thông tin cá nhân hoặc sử dụng thông tin của người khác để đăng ký thông tin thuê bao; để cho đại lý, điểm cung cấp dịch vụ viễn thông cho nhau mượn tài khoản nhằm đăng ký thông tin thuê bao; thực hiện không đúng quy trình đăng ký lại thông tin thuê bao, cấp lại SIM.


Những hành vi vi phạm pháp luật của doanh nghiệp viễn thông, đại lý, điểm cung cấp dịch vụ viễn thông nêu trên làm ảnh hưởng, kéo dài thời điểm hoàn thành mục tiêu quản lý chính xác thông tin thuê bao, là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng SIM rác vẫn được bán trên thị trường. 

Ngoài ra, SIM rác còn bị các đối tượng xấu lợi dụng để phát tán tin nhắn, thực hiện cuộc gọi rác, quấy rối, lừa đảo; sơ hở trong việc cấp lại SIM của doanh nghiệp, có thể bị đối tượng xấu lợi dụng để chiếm đoạt SIM, từ đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của thuê bao.

Thực tế hiện nay đang có hiện tượng đại lý thuê sinh viên và lao động tự do kích hoạt cả ngàn SIM để bán ra ngoài và đây là những nguồn để đối tượng xấu có thể lợi dụng nhằm phát tán các tin nhắn rác, cuộc gọi rác.

Cục trưởng Cục Viễn thông, ông Nguyễn Hồng Thắng cho biết, Bộ quy định tất cả thuê bao di động đều phải đăng ký chính chủ. Các doanh nghiệp viễn thông phải có biện pháp kiểm tra thông tin cá nhân được đăng ký của khách hàng. Tất cả thông tin này sẽ được đối chiếu với cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công An để đảm bảo chủ thuê bao này là chính danh.

Ông Thắng nói thêm, thời gian qua, có thể vẫn còn tình trạng người dân không ý thức được việc bản thân họ lấy thông tin của mình đăng ký thuê bao rồi đưa cho người khác sử dụng, mà không thực hiện các thủ tục sang tên theo đúng quy định.

Vấn nạn một cá nhân có thể đăng ký tới hàng nghìn SIM: Sẽ thắt chặt hành lang pháp lý - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Đức Long chủ trì buổi họp báo công bố việc các doanh nghiệp (DN) viễn thông triển khai Hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh về cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo của người sử dụng dịch vụ viễn thông thông qua cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo. Ảnh: H.T.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long nói, SIM kích hoạt sẵn hay còn gọi là SIM rác, SIM thuê bao không chính chủ là vấn đề nhức nhối của xã hội. Do đó, các doanh nghiệp bên cạnh việc phát triển sản xuất kinh doanh cần đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa việc xây dựng văn hóa đạo đức trong kinh doanh, chung tay gánh vác trọng trách bảo vệ trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ người dân - khách hàng của mình, cũng là bảo vệ chính mình.

Thứ trưởng đề nghị, nhà mạng cần chỉ đạo và làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có liên quan; rà soát quy trình ký kết với các đại lý, điểm cung cấp dịch vụ đảm bảo thông tin thuê bao trong cơ sở dữ liệu. Đồng thời, các doanh nghiệp viễn thông phải ứng dụng công nghệ mới vào phát hiện sai phạm; phối hợp với Thanh tra Bộ TT&TT yêu cầu các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông rà soát lại có các tụ điểm vi phạm; thông tin tuyên truyền tới đông đảo người dân không cho mượn CMND đăng ký thuê bao, tránh những liên đới pháp lý, phản hồi thông tin khi nghi ngờ về cuộc gọi rác.

Thứ trưởng Phạm Đức Long cũng lưu ý người sử dụng dịch vụ viễn thông di động cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, không mua, sử dụng SIM đã đăng ký trước thông tin thuê bao; cập nhật thông tin thuê bao đầy đủ, chính xác; tố giác đến cơ quan chức năng các tổ chức/cá nhân sử dụng thông tin của mình để đăng ký trước thông tin thuê bao, bán SIM đã đăng ký trước thông tin thuê bao.

Ngoài ra, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết, Bộ TT&TT tiếp tục làm việc với nhà mạng xem xét để đưa ra các chế tài cũng như hành lang pháp lý để xử lý dứt điểm tình trạng trên. Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ TT&TT đang phối hợp với Bộ Công An để điều tra vụ việc có những SIM được đăng ký kích hoạt rồi đem sử dụng vào mục đích lừa đảo. Thông qua vụ án này, Bộ TT&TT sẽ đưa ra kết luận về trách nhiệm của các nhà mạng, đại lý và cả những người đứng tên đăng ký SIM là hình thức tiếp tay cho các hành vi vi phạm.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc phản ánh, bên cạnh đầu số 5656, Bộ TT&TT cùng các doanh nghiệp viễn thông đã thống nhất từ ngày 1/11/2022 sẽ triển khai, mở rộng việc tiếp nhận phản ánh về cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo thông qua hình thức cuộc gọi tới đầu số 156.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem