Vẫn phải chịu nhiêu khê với chứng nhận GAP

Thứ tư, ngày 26/12/2012 07:46 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Theo ông Cao Văn Hóa – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Tiền Giang thì chưa thể miễn phí chứng nhận GAP trong giai đoạn này.
Bình luận 0

Lý do mà ông Hóa đưa ra là, hiện tại, ngành nông nghiệp đang phải thuê các chuyên gia bên ngoài thực hiện việc kiểm tra, đánh giá chất lượng các vùng sản xuất theo GAP. Ông Hóa cho biết, giấy chứng nhận GAP có hiệu lực trong 1 năm như hiện nay là quá ngắn, ND xoay qua xoay lại đã hết thời hạn.

Hơn nữa, trong 1 năm người sản xuất chưa thể quảng bá, giới thiệu sản phẩm ra thị trường cũng như tìm được kênh tiêu thụ ổn định. Do đó, Sở NNPTNT Tiền Giang đã có đề nghị Bộ NNPTNT kéo dài thời hạn của chứng nhận sản phẩm GAP lên 2 năm.

img
Ông Cao Văn Hóa - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Tiền Giang

Về việc, giảm chi phí chứng nhận GAP cho ND, ông Hóa cho rằng không cách nào hơn là phải có doanh nghiệp (DN) gắn bó, hợp tác bao tiêu sản phẩm cho ND. Những HTX sản xuất mới đạt GAP, trong thời gian 2 năm đầu phải linh động liên kết với DN để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Đồng thời, phải kêu gọi DN tham gia hỗ trợ một quỹ nhỏ gọi là quỹ tái chứng nhận GAP để ND có vốn tái chứng nhận.

DN có được sản phẩm an toàn, chất lượng để cung cấp ra thị trường thì họ cũng phải có trách nhiệm trong việc hỗ trợ ND sản xuất sạch thông qua phí hỗ trợ sản xuất GAP. “Ngoài ra, ngành nông nghiệp cũng đang đề nghị Bộ NNPTNT giảm phí tái chứng nhận GAP. Ví dụ như lần chứng nhận thứ 2 sẽ được giảm 50%, lần 3 giảm 70%... Từ đó, tiến tới miễn phí hoàn toàn”- ông Hóa nói.

Để tránh những thiệt thòi cho ND làm GAP trong các giao dịch tiêu thụ sản phẩm, ông Hóa khuyến nghị, khi ký hợp đồng với DN tiêu thụ, người sản xuất, HTX phải đàm phán, thương lượng rõ ràng. Ngay cả việc kêu gọi DN hỗ trợ phí tái chứng nhận cũng vậy.

Còn nếu DN chỉ muốn trái to, kích cỡ đồng đều do yêu cầu xuất khẩu thì HTX phải liên kết với nhà khoa học, cơ quan chức năng để có hướng sản xuất phù hợp. “Hiện tại, các sản phẩm trái cây Việt Nam chỉ bán trái tươi, không qua chế biến với giá rất thấp. Trong tương lai, chúng ta sẽ phải đầu tư phát triển công nghệ chế biến sau thu hoạch để nâng cao giá trị cho sản phẩm”- ông Hóa chia sẻ về hướng đầu tư để nâng cáo giá trị sản phẩm nông sản Việt trong thời gian tới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem