Vẫn tư duy cũ thì nông sản còn ế

Lương Kết Thứ ba, ngày 12/05/2015 10:13 AM (GMT+7)
Sáng 11.5, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến về báo cáo bổ sung của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Một lần nữa, vấn đề nông sản “được mùa mất giá” lại được bàn thảo kỹ càng.
Bình luận 0

Khó khăn không chỉ có dưa hấu

Theo báo cáo của Chính phủ, tốc độ tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 4 tháng qua đạt 2,14%, thấp hơn mức tăng 2,68% của cùng kỳ năm 2014. Báo cáo bổ sung, Bộ trưởng Bộ KHĐT Bùi Quang Vinh cho biết: Chưa bao giờ xuất khẩu nông sản khó khăn như quý I/2015, không chỉ là chuyện dưa hấu như truyền thông đã đưa, mà với tất cả các mặt hàng nông sản khác. Ông Vinh lấy dẫn chứng là vừa qua Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm Trung Quốc, phía ta cũng đặt vấn đề xuất khẩu gạo sang nước bạn, nhưng Thủ tướng Trung Quốc nói rằng họ cũng đang dư thừa lương thực, việc mua của Việt Nam là vì giá gạo Việt Nam rẻ hơn.

img
Ông Phùng Quốc Hiển cho rằng tiêu thụ nông sản không thể trông chờ việc 
ủng hộ, từ thiện... Ảnh: Phương Hoa
Góp ý vào báo cáo của Chính phủ, bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: Cần có thêm đánh giá về đời sống của bộ phận của nông dân rất khó khăn trong 4 tháng đầu năm. Một số mặt hàng nông sản làm ra không đi vào cuộc sống được, xã hội phải ra tay giúp sức như trường hợp giúp nông dân bán dưa hấu, hành tím... “Đây chỉ là giải pháp "tấm lòng" mang tính tạm thời. Chính phủ phải làm sao giúp người nông dân nâng cao chất lượng sản phẩm để sản phẩm vào được thị trường. Báo cáo kinh tế xã hội cần nêu lên vấn đề của người nông dân và có giải pháp mạnh mẽ hơn, để người nông dân thấy Nhà nước quan tâm hơn tới mình" - bà Mai nói.

 

Ông Phùng Quốc Hiển - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng: Lĩnh vực nông nghiệp nếu không có giải pháp thì những sản phẩm như gạo, tiêu, điều, cà phê... làm ra sẽ gặp khó khăn về đầu ra. “Giải pháp như trong báo cáo của Chính phủ chưa rõ, nếu vẫn tư duy cũ thì không phải năm nay mà cả các năm tới, nông sản làm ra vẫn gặp khó khăn. Chúng tôi cũng tham gia cuộc vận động của Bộ Công Thương để mua dưa nhưng không thể cứ mãi trông chờ vào việc ủng hộ, từ thiện như vậy” - ông Hiển cảnh báo.

“Có vấn đề” về đội ngũ cán bộ

Tiếp ý của ông Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nêu câu hỏi: “Vận động mua dưa như vừa qua liệu có phải là biện pháp không?”. Nhìn nhận vấn đề sâu xa hơn ngay từ gốc rễ, chính là yếu tố con người, ông Nguyễn Đình Quyền - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đưa ra ví dụ: Chúng ta có cả nghị quyết của Ban Chấp hành T.Ư Đảng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn mà cho đến hôm nay vẫn loay hoay câu chuyện như tiêu thụ dưa hấu. Đó là yếu tố cán bộ, từ người hoạch định chính sách đến cán bộ tổ chức thực hiện chính sách đều có vấn đề về năng lực, trách nhiệm…

“Tôi đi chấm thi chuyên viên cao cấp, thấy đáng lo ngại vì trình độ của cán bộ dường như không nâng lên mà còn đi xuống. Hôm qua tôi chấm phúc tra mới thấy có những cán bộ không nên cho đi thi. Thi vấn đáp thì rất nhiều giám đốc sở, vụ trưởng không nắm rõ hoặc còn lơ mơ về nội dung quản lý nhà nước” - ông Quyền chia sẻ. Theo ông, chuẩn bị Đại hội Đảng, xem xét nhân sự khóa tới phải đánh giá nghiêm túc đội ngũ cán bộ trong bộ máy nhà nước, đặc biệt đội ngũ cán bộ điều hành, quản lý nhà nước xem năng lực đáp ứng đến đâu. Khi bắt được bệnh thì mới có giải pháp nâng cao năng lực...

Theo báo cáo của Chính phủ, thu ngân sách trong 4 tháng đầu năm 2015 đạt hơn 314.000 tỷ đồng, bằng 34,5% dự toán. Chi  ngân sách gần 363.000 tỷ đồng.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem