Vàng thau lẫn lộn tại các trung tâm ngoại ngữ

Tùng Anh Thứ bảy, ngày 12/05/2018 06:10 AM (GMT+7)
Giáo viên dạy chui, “đạo” chương trình, thiếu trình độ, thiếu đạo đức… Đây là hàng loạt những bất cập đang tồn tại ở nhiều trung tâm ngoại ngữ hiện nay khiến cho không ít người học phải “tiền mất, tật mang”.
Bình luận 0

Giáo viên nói bậy, đạo bài

Mới đây (ngày 10.5), một giáo viên tiếng Anh tại Hà Nội đã lên tiếng tố cáo một trung tâm ngoại ngữ chuyên đi “đạo” bản quyền bài giảng của nhiều tổ chức nổi tiếng như BBC Learning English, Internationl University of Japan… và nhiều nguồn khác.

Giáo viên này cho biết, anh đã tìm được nhiều video được copy từ nhiều nơi khác nhau được trung tâm này sử dụng để giảng dạy như là tài liệu của mình. Theo giáo viên này, đây là một hành vi lừa dối người học, làm ăn bằng chất xám của người khác hay nói khác đi là “ăn cắp bản quyền”, “đạo” chương trình giảng dạy.

img

Bà Nguyễn Thị Kim Tuyến – Giám đốc Công ty MST cãi nhau tay đôi với học viên với những lời lẽ không thể chấp nhận.  Ảnh:  I.T 

Điều đáng nói, sự việc này xảy ra chỉ vài ngày khi giáo viên nói học viên “mặt người, óc lợn” gây “ầm ĩ” tại Trung tâm MST English (Hà Nội) chưa kịp lắng xuống khiến dư luận vô cùng bức xúc.

Cụ thể, ngày 7.5, một clip ghi lại cuộc cãi cọ giữa bà Nguyễn Thị Kim Tuyến, người trực tiếp đứng lớp giảng dạy tiếng Anh và học viên của mình vì 100 nghìn đồng tiền phạt. Trong đó, bà Tuyến đã có những lời lẽ không đúng chuẩn mực, xưng mày – tao, ví học viên là đồ “óc lợn”, ra sức chửi bới và đuổi học viên ra khỏi lớp. 

Sau khi clip được phát tán, Sở GDĐT Hà Nội đã vào cuộc thanh tra, kiểm tra và phát hiện trung tâm anh ngữ này hoạt động “chui” chưa được cấp phép của Sở và chính quyền địa phương. Bản thân bà Nguyễn Thị Kim Tuyến chỉ có bằng kế toán nhưng vẫn đứng lớp dạy tiếng Anh thu tiền và lớn tiếng xúc phạm nhân phẩm người học. 

Sở GDĐT Hà Nội đã lập biên bản vi phạm hành chính và phạt 20 triệu đồng đối với Công ty MST vì đã tự ý thành lập cơ sở giáo dục để dạy ngoại ngữ. Bản thân bà Tuyến phải chịu phạt 5 triệu đồng vì hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm người học. 

Sở GDĐT cũng quyết định dừng toàn bộ hoạt động giảng dạy tiếng Anh tại MST và hoạt động giảng dạy đối với bà Nguyễn Thị Kim Tuyến – Giám đốc Công ty MST.

Bộ GDĐT yêu cầu các Sở GDĐT phải công khai danh sách các trung tâm ngoại ngữ trên trang thông tin điện tử và phải cập nhật thường xuyên cho người học biết để lựa chọn. Sở GDĐT và  các nhà trường phải gửi báo cáo rà soát về Vụ Giáo dục thường xuyên trước ngày 25.5.

Trước đó tháng 1.2018, dư luận đã từng “dậy sóng” với phát ngôn xúc phạm Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên mạng xã hội của một giáo viên ngoại quốc - Daniel Hauer, người từng dạy ở nhiều trung tâm Anh ngữ tại Hà Nội trong đó có trung tâm Language Link Việt Nam. 

Sau khi bị nhiều người chỉ trích, giáo viên này đã phải lên tiếng giải thích và xin lỗi về phát ngôn thiếu chuẩn mực của mình.

Những vụ việc trên, một lần nữa khiến dư luận nhớ về vụ việc “cô giáo bọ cạp” Lê Na – Giáo viên của Trung tâm Anh ngữ Lena (Lena Culture Center) cũng lớn tiếng chửi bới học viên bằng những lời lẽ gây “sốc”: “Tao sẽ đến gặp hiệu trưởng của mày, tao không bao giờ quên nhé, tao là cung Bò Cạp nhé, tao nói cho mày biết mày đã đụng đến tự ái và lòng tự trọng của tao thì tao sẽ làm đúng những gì mà mày đang làm với tao…”.

Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”

 Điều đáng nói, chỉ sau khi những “lùm xùm” về chất lượng đào tạo, chất lượng giáo viên của các trung tâm ngoại ngữ được người học phản ánh trên mạng xã hội, các đơn vị quản lý mới vào cuộc và phát hiện hàng loạt sai phạm về cấp phép, chứng chỉ người dạy. Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là “quy trình quản lý… ngược”, tạo ra lỗ hổng cho các sai phạm hoành hành.

“Một trung tâm ngoại ngữ tọa lạc trên trên địa bàn chắc chắn không thể “hoạt động bí mật” vì liên tục có người học – người dạy ra vào. Hơn nữa, các trung tâm thậm chí còn quảng cáo ầm ĩ để thu hút học viên. Vậy tại sao lực lượng chức năng ở phường, quận, nơi các trung tâm này đặt cơ sở giáo dục lại không hề biết?! Chỉ đến khi có các “cú phốt” ầm ĩ trên mạng, cơ quan chức năng mới vào cuộc điều tra, thanh tra, xử lý?” – một chuyên gia giáo dục đặt câu hỏi.

Chuyên gia này cũng cho rằng, cần phải có những biện pháp cảnh báo cho người học trước khi lựa chọn trung tâm theo học chứ không phải để đến khi “mất bò mới lo làm chuồng”.

Nói về vấn đề này, ông Kiều Văn Minh - Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên (Sở GDĐT Hà Nội) cho biết, sau khi xử phạt và đình chỉ hoạt động trung tâm Anh ngữ hoạt động chui, đình chỉ giảng dạy giáo viên không đủ trình độ, Sở cũng đã đồng thời công bố công khai danh sách các trung tâm ngoại ngữ, tin học đã được Sở cấp phép trên website chính thức của Sở.

Theo đó, thời điểm hiện tại, Sở đã cấp phép cho 513 trung tâm ngoại ngữ, tin học. Trong đó, có 264 trung tâm ngoại ngữ có yếu tố nước ngoài, 202 trung tâm ngoại ngữ, tin học không có yếu tố nước ngoài và 47 trung tâm ngoại ngữ, tin học và nghiệp vụ chuyên ngành ngắn hạn. Thông tin được cung cấp bao gồm các thông tin về đơn vị chủ quản, địa chỉ, tên và số điện thoại của giám đốc trung tâm, số giấy phép, thời hạn đăng ký…

Lãnh đạo Sở cũng khuyến cáo người học nên tỉnh táo, tìm hiểu kỹ thông tin về các trung tâm ngoại ngữ trước khi đăng ký theo học; đặc biệt về điều kiện cấp phép, trình độ giáo viên…

Bộ GDĐT cũng đã phải có ngay văn bản chỉ đạo tăng cường quản lý đối với các trung tâm ngoại ngữ, tin học. Bộ yêu cầu các cơ sở giáo dục phải có trách nhiệm rà soát, đánh giá tổng thể hoạt động của những trung tâm ngoại ngữ, tin học, trung tâm bồi dưỡng ngắn hạn đang hoạt động trong địa bàn hoặc phạm vi đơn vị quản lý.

Thứ trưởng Bộ GDĐT, ông Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh: “Phải tổ chức kiểm tra việc chấp hành quy định về thành lập, cấp phép hoạt động, điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, hoạt động đào tạo... của trung tâm, xử lý những vi phạm".

img

“Hiện tại, các trung tâm ngoại ngữ, luyện thi, dạy thêm mọc lên rất nhiều do nhu cầu người học nên đã gây khó khăn cho công tác quản lý. Nhiều cơ sở không thể cấp phép vì không đủ điều kiện về mặt bằng, giáo viên… nên đã hoạt động chui. 

Vì vậy, chính quyền địa phương cần phải tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ các cơ sở, trung tâm ngoại ngữ đóng trên địa bàn mình. Cần phải chia địa bàn hành chính để quản lý, những trung tâm hoạt động trên địa bàn nào thì đơn vị hành chính đó phải chịu trách nhiệm chứ không thể đổ hết lỗi lên Sở GDĐT”.

Ông Đặng Đình Đại – Hiệu trưởng Trường THPT  Wellsping (Hà Nội)

img

“Để xảy ra các vụ lùm xùm tại các trung tâm ngoại ngữ, lỗi ở các đơn vị quản lý nhiều hơn khi đã không kiểm soát, chọn lọc để cho các trung tâm này ngang nhiên hoạt động khi chưa được cấp phép, giáo viên chưa đủ trình độ. Chính xác trách nhiệm ở đây là của chính quyền địa phương. 

Chính việc không quản lý chặt đã khiến các trung tâm này cho là không ai quản lý, kiểm soát nên làm bừa. Ngoài ra, nhiều người dạy ở các trung tâm chưa được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm nhưng vẫn đứng lớp giảng dạy nên họ không nắm được gì về đạo đức nhà giáo, có những phát ngôn không chuẩn mực. Bởi lẽ, họ không thấy được sứ mệnh của nhà giáo để đưa ra phương pháp giáo dục phù hợp”.

TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội

img

“Một trong những tố chất cần có của nghề giáo, đó là sự Nhẫn + Nhịn. Cũng  là một giáo viên tại trung tâm, ở lớp học của tôi cũng có những quy định, ví dụ như tôi sẽ nhắc trên nhóm lớp trước 1 – 2 ngày để học viên tự giác làm bài tập. Ai làm được thì được khen tại chỗ, ai không làm thì mình cũng chỉ hỏi lý do và ghi vào nhật ký giảng dạy để buổi tiếp theo “đòi nợ”. Ai nấy đều vui vẻ làm bài và hầu như không bao giờ phải áp dụng hình phạt gì.

Người giáo viên giỏi là người chinh phục học sinh bằng chuyên môn, phong thái giảng dạy và cả sự tâm lý, gần gũi để chinh phục trái tim học trò, chứ không phải bằng các quy định cứng nhắc. Khi học trò đã đem lòng yêu rồi, chẳng cần nhắc cũng sẽ tự động hoàn thành đủ bài tập, bởi trò hiểu đó là quyền lợi của họ, họ nên làm thì mới theo kịp lớp học, mới lĩnh hội được hết kiến thức của buổi học đó.

Cô Nguyệt Ca – Giáo viên tiếng Anh tại Hà Nội

Tùng Anh  (ghi)

Đốt” tiền cho con học ngoại ngữ với… “tây balo”

“Sính thầy ngoại”, mong muốn cho con được tiếp xúc với giáo viên bản ngữ, nhiều bậc cha mẹ đã chấp nhận mức học phí đắt đỏ tại các trung tâm Anh ngữ mà không hề quan tâm trình độ thực sự của những giáo viên “ngoại” này.

img

Học viên cần tìm hiểu kỹ khi học tiếng Anh ở các trung tâm (ảnh minh họa). Ảnh: I.T

Thấy con trai 4 tuổi thích thú với việc xem và thuộc từ mới rất nhanh từ các bài hát tiếng Anh trên mạng, chị Nguyễn Thị Huyền (Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) quyết tâm tìm trung tâm tiếng Anh cho con theo học. Yêu cầu chị Huyền đặt ra là nhất định con phải được tiếp xúc ngay từ đầu với giáo viên bản ngữ để luyện được cách phát âm chuẩn. Sau khi tham khảo, chị Huyền “cắn răng” đăng ký cho con học tại một trung tâm gần nhà với số tiền hơn 16 triệu đồng/khóa học/72 tiếng. Tính ra mỗi buổi 2 tiếng đã mất gần 500.000 đồng, mỗi tuần 2 buổi, số tiền 1 tháng chi cho con học tiếng Anh tại trung tâm gần 4.000.000 đồng.

“Ban đầu, thấy con đi học về nhà vui vẻ cũng mừng, nhưng khi hỏi thì con kể học ở lớp được chơi nhiều lắm. Hôm nào con cũng mang về một tờ bài tập… tô màu như ở trường mầm non. Sau đó, cứ học được một thời gian, chưa kịp quen giáo viên thì lại thấy lớp thay giáo viên mới. Thấy lạ, tôi mới đi tìm hiểu và xem phản hồi của những phụ huynh đã từng cho con học tại trung tâm này thì mới té ngửa: Giáo viên của trung tâm toàn “tây balo” nên cứ hết hạn visa du lịch là họ phải thay mới, tuyển giáo viên liên tục” – chị Huyền nói.

Khi đến Việt Nam du lịch, anh Gregory (34 tuổi) – người Anh cũng tìm cách đi dạy tiếng Anh tại các trung tâm để kiếm tiền trang trải các chi phí trong thời gian ở Việt Nam. Gregory cho biết, để được dạy chính thức tại các trung tâm có uy tín, giáo viên phải học để được cấp chứng chỉ dạy tiếng Anh quốc tế và phải làm thủ tục xin giấy phép lao động với ngành nghề dạy tiếng Anh. Chính vì không thể đủ thời gian để học và có được các giấy tờ đó, bạn bè đã giới thiệu cho anh tới một vài trung tâm nhỏ không quan tâm đến các bằng cấp này để anh xin việc.

Theo anh Gregory, các trung tâm chỉ cần anh lên lớp dạy các bài rất đơn giản về giao tiếp, học viên chủ yếu là trẻ dưới 6 tuổi và phần lớn thời gian là… chơi trò chơi, hát hò với các em.

Không chỉ tìm đến các trung tâm ngoại ngữ, việc “sính thầy ngoại” đã hình thành trào lưu các phụ huynh tự thành lập nhóm lớp ở các khu dân cư, tự mời giáo viên nước ngoài là “tây balo” đến để dạy cho con mình. Mức học phí cho mỗi buổi học với “thầy tây” tại nhà của phụ huynh cũng lên tới 250.000 – 300.000 đồng. Nhiều nhóm lớp ban đầu chỉ tự phát với từ 5 – 10 học sinh, sau đó đã phát triển thành các lớp học đông học viên, học theo ca và tồn tại trong thời gian dài, ở chính các khu dân cư nhưng không hề được kiểm soát.

Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Bách - một chuyên gia về lĩnh vực giáo dục tại Mỹ, Hiệu trưởng American Councils - English Academy (Tp Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Mặt trái của việc cho con học tiếng Anh với người bản xứ đã được Chính phủ Mỹ cảnh báo từ lâu, không chỉ riêng đối với Việt Nam mà còn với rất nhiều nước không sử dụng tiếng Anh. Là một người làm trong hệ thống giáo dục Mỹ, tôi đã được trường đại học nơi tôi làm việc và của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam cảnh báo chính thức về thực trạng “Giáo viên-Tây Balo”.

Theo thông báo, hiện nay phần lớn những người nói tiếng Anh bản xứ đến các nước vừa du lịch và dạy tiếng Anh kiếm sống đều không có chuyên môn và khả năng sư phạm để giảng dạy, đặc biệt tác phong sư phạm không phù hợp sẽ ảnh hưởng xấu đến học viên. Chính vì vậy mà các Giáo viên-Tây Balo chủ yếu chỉ có thể dạy về đàm thoại ở mức độ đơn giản. Các giáo viên nước ngoài không thể dạy kiến thức chuyên môn, các buổi thuyết trình, tranh luận hoặc nghiên cứu vào các đề tài cụ thể nào đó. Cho nên, cho con tiếp xúc với người bản xứ sớm để có phản xạ tiếng Anh là tốt, tuy nhiên phụ huynh nên cân nhắc chọn lựa giữa việc có phản xạ tiếng Anh và bị hổng về kiến thức cũng như những rủi ro khác”.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem