Hoàn thiện cơ chế hoạt động
Theo Hội Nông dân (ND) xã Hòa An, Tổ ĐKTT số 1 có 68 thành viên, với số vốn góp hiện tại lên đến trên 240 triệu đồng. Số tiền cao nhất mà 1 hộ được vay là 20 triệu đồng, thấp nhất là 5 triệu đồng.
Nhờ chí thú làm ăn và được hỗ trợ vay vốn từ tổ ĐKTT, chị Nguyễn Thị Hồng Xiêm, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp đã thoát nghèo. Ảnh: Chúc Ly
Ông Nguyễn Thành Lợi – Chi hội trưởng Chi hội ND ấp 1 cho biết: Tổ ĐKTT số 1 là 1 trong 3 tổ được tách ra từ câu lạc bộ ND được thành lập từ năm 1996. Vào ngày mùng 6 mỗi tháng sẽ họp tổ 1 lần. Mức quy định hùn vốn tối thiểu là 20.000 đồng/hộ/tháng. Cũng trong lần họp định kỳ, tổ sẽ xem xét cho những hộ có nhu cầu vay vốn, dựa trên tinh thần bình đẳng và tôn trọng ý kiến tập thể. Mỗi hộ sẽ được vay vốn trong thời gian 24 tháng, với lãi suất là 2%/tháng (1% sẽ được chia đều cho các tổ viên, 1% còn lại sẽ góp vào phát triển tăng trưởng quỹ chung).
“Từ khi hoạt động đến nay, Tổ ĐKTT số 1 chưa từng xảy ra mâu thuẫn hay vướng mắc gì. Để cho rõ ràng, mỗi hộ có nhu cầu vay vốn sẽ phải làm đơn đề nghị vay vốn, trình bày rõ lý do muốn vay vốn, đồng thời cam kết đồng ý với quy định của tổ. Nếu người vay chưa có ý thức tốt, còn ỷ lại, trong vòng 12 tháng không đóng lãi thì sẽ thu lại vốn” – ông Lợi thông tin.
Chính nhờ có cơ chế hoạt động khoa học, rõ ràng nên Tổ ĐKTT số 1 luôn nhận được sự tín nhiệm cao của các thành viên và ND địa phương.
Tương trợ nhau mang tính cộng đồng
Dẫn chúng tôi tham quan mô hình trồng cam sành xen chuối cau, kết hợp nuôi lợn sinh sản của gia đình mình, chị Nguyễn Thị Hồng Xiêm (ngụ ấp 1), bộc bạch: “Lúc trước hoàn cảnh gia đình tôi rất khó khăn, là hộ nghèo tại địa phương. Nhờ được Hội ND quan tâm, động viên và giúp đỡ về nguồn vốn nên kinh tế gia đình tôi mới dần ổn định. Ngoài giới thiệu cho gia đình tôi được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Tổ ĐKTT số 1 còn cho vay 5 triệu đồng để đầu tư chăm sóc vườn cam”. Nay vườn cam của chị Xiêm đang phát triển rất tốt. Bên cạnh nguồn thu từ cam, mỗi năm chị có khoản thu nhập hơn 20 triệu đồng từ bán lợn giống, rồi mỗi tháng có thu hơn 2 triệu đồng từ bán chuối cau. Năm 2014, gia đình chị Xiêm đã thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống.
Cũng là một hộ được Tổ ĐKTT hỗ trợ vốn để phát triển mô hình sản xuất, ông Nguyễn Văn Dũng chia sẻ: “Khi đang đầu tư mô hình trồng sen trên ruộng lúa, tôi bị thiếu vốn nên được Tổ ĐKTT cho vay 8 triệu đồng. Nay mô hình của tôi đang phát triển rất tốt, mỗi năm chỉ làm 2 vụ, nhưng cho lợi nhuận trên 60 triệu đồng. Nguồn vốn của Tổ ĐKTT thực sự rất cần thiết cho nhiều ND, giúp chúng tôi không phải đi vay tiền bên ngoài với lãi suất cao”.
Theo nhiều thành viên của Tổ ĐKTT số 1, tuy nguồn vốn cho vay của tổ không lớn nhưng rất thiết thực và kịp thời, không những hỗ trợ ND trong lúc khó khăn mà tổ còn chủ động hướng dẫn ND đến với những mô hình hiệu quả, cách làm ăn mới cho lợi nhuận cao. Mỗi năm, trung bình Tổ ĐKTT giúp cho 2 hộ thoát nghèo.
Ông Võ Văn Hoa – Phó Chủ tịch Hội ND xã Hòa An cho rằng: “Ở Tổ ĐKTT số 1, mỗi tháng đều có cho vay vốn xoay vòng trong tổ viên. Điều này cho thấy ý thức hùn vốn và trả lãi của thành viên rất tốt”.
Hiện nay, trong toàn tỉnh Hậu Giang có trên 2.000 Tổ ĐKTT (năm 2015 có 1936 tổ) với hơn 76.000 thành viên. Tổng số vốn hùn và tương trợ của các tổ là 56,5 tỷ đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.