Tại Asian Cup 2019, VAR đã được AFC thử nghiệm và đã tạo ra nhiều điểm nhấn. Chính ĐT Việt Nam cũng đã được trải nghiệm về VAR và trải qua các cung bậc cảm xúc cả vui lẫn buồn tại trận tứ kết gặp ĐT Nhật Bản.
Trong hiệp một của trận đấu này, đội trưởng Maya Yoshida của Nhật Bản đã đánh đầu tung lưới thủ môn Đặng Văn Lâm. Hậu vệ này đã cùng các đồng đội ăn mừng khi nghĩ rằng đây là bàn thắng mở tỷ số. Tuy nhiên, sau khi tham khảo VAR, trọng tài quyết định không công nhận bàn thắng của Yoshida.
Tinh huống Bùi Tiến Dũng bị VAR xác định phạm lỗi trong vòng cấm địa ở trận gặp Nhật Bản tại Asian Cup 2019
Sang hiệp hai, hậu vệ Bùi Tiến Dũng có pha va chạm với đối phương trong vòng cấm địa. Ban đầu, trọng tài không cắt còi, nhưng sau đó, khi nhận được thông báo từ tổ VAR, quyết định mới được đưa ra và Nhật Bản được hưởng quả phạt đền. Ở tình huống này, Ritsu Doan đã thực hiện thành công, ghi bàn thắng duy nhất của trận đấu và khiến ĐT Việt Nam bị loại đầy tiếc nuối.
Sau khi nhận được phản hồi tích cực từ Asian Cup 2019, AFC đã quyết định áp dụng VAR cho VCK U23 châu Á 2020. Với quy định mới này, ĐT U23 Việt Nam cần xác định kỹ các tình huống có thể xảy ra để duy trì sự tập trung cũng như hiệu quả tối đa trong các trận đấu.
VAR hiện vẫn đang gây ra tranh cãi từ các chuyên gia cũng như người hâm mộ. Có ý kiến cho rằng, VAR bảo đảm sự công bằng, tránh những tình huống gây oan ức cho các đội bóng. Nhưng cũng có ý kiến nhấn mạnh, VAR lại là con dao hai lưỡi, có nhiều tình huống ngay cả VAR cũng không chứng tỏ rõ phần bất lợi nghiêng về bên nào và quyết định vẫn thuộc về trọng tài một cách cảm tính.
Trong thành phần sơ bộ ĐT U23 Việt Nam đang tập trung chuẩn bị cho VCK U23, hầu hết các cầu thủ chưa từng nếm trải cảm xúc liên quan đến những tình huống được xác định bởi VAR. Đặc biệt, với những cầu thủ trẻ, một phán quyết mang tính bất lợi của trọng tài sau khi tham khảo VAR có thể tác động lớn đến tinh thần thi đấu của họ.
Có thể thấy, từ khi sang Việt Nam làm việc, HLV Park Hang-seo luôn xây dựng lối chơi chặt chẽ cho các ĐT Việt Nam. Các tuyến luôn chơi với sự tập trung cao, lấy phòng thủ làm nền tảng để phát triển lối chơi. Điểm xuyên suốt là các cầu thủ hầu như không chơi bóng bằng tiểu xảo hoặc có những pha va chạm mang tính chất 50-50 trong vòng cấm địa. Điều này cực kỳ quan trọng khi các trận đấu được áp dụng VAR.
Không phạm lỗi nhiều, hạn chế tối đa những pha bóng có thể bị thổi phát biểu khi VAR tác động, có thể coi công nghệ này là “bạn” của ĐT U23 Việt Nam. Tuy vậy, các học trò của HLV Park Hang-seo cũng cần cảnh giác cao độ, thậm chí phải chuẩn bị tâm lý chấp nhận quyết định của trọng tài sau khi tham khảo VAR.
ĐT U23 Việt Nam cần duy trì sự tập trung để tránh gặp phải bất lợi không cần thiết từ VAR
HLV Park Hang-seo là người giàu bản lĩnh cầm quân và ông luôn có sự chuẩn bị rất kỹ cho đội bóng trên mọi phương diện. Tại Asian Cup 2019, khi được hỏi về tác động của VAR, chiến lược gia người Hàn Quốc khẳng định: "Công nghệ VAR không ảnh hưởng nhiều đến chúng tôi bởi đó là công việc của trọng tài. Việc của các cầu thủ là chơi đúng luật trên sân”.
Chia sẻ như vậy, HLV Park Hang-seo cũng đã xác định có khả năng VAR trở thành “đối thủ” bất cứ lúc nào. Quan trọng hơn cả, ĐT U23 Việt Nam cần tập trung thi đấu, tránh những pha va chạm nhạy cảm hoặc không cần thiết trong vòng cấm địa.
VAR được áp dụng nên những tình huống phạm lỗi kín hoặc đánh nguội sẽ bị trừng phạt. Do vậy, các cầu thủ cần giữ được thái độ thi đấu bình tĩnh và hạn chế tối đa những bất lợi có thể xảy ra và công nghệ VAR “vào cuộc”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.