Vật phẩm cúng tiến càng to, tâm thế càng nhỏ

Nguyễn Trung Dân Thứ tư, ngày 24/02/2016 06:30 AM (GMT+7)
Những thói phô trương, muốn điều to lớn phản ánh sự thiếu lành mạnh mà bệnh thành tích đã đem đến cho xã hội hôm nay.
Bình luận 0

   Đã thành lệ, cứ vào mùa lễ hội đầu năm, bao giờ cũng xuất hiện những kỷ lục kỳ quái. Có những kỷ lục lặp đi lặp lại như "cướp lộc trong lễ khai ấn đền Trần " ở Nam Định. Tranh đoạt, đánh nhau giành cho được tờ ấn giấy thật mơ hồ để hòng mong thần linh ủng hộ đường "quan mua, tước bán". Có những lễ hội như "lễ hội chém lợn làng Ném Thượng, Bắc Ninh" mà sự tàn bạo của nó đã khiến mọi người phải rùng mình, sợ hãi. Tục lệ thì nhiều nhưng những hủ tục cần phải loại trừ, bỏ đi thì ngày lại càng phát triển , hoành tráng hơn dù cho bao nhiêu văn bản của Bộ này, Bộ nọ; chỉ thị này kia của các cơ quan chức năng nhưng đâu vẫn hoàn đó không giảm được chút nào!

 Có những lễ hội được khôi phục (hay bịa ra) mệnh danh dân gian phô bày, công khai  những việc kín đáo lẽ ra chỉ ở phòng riêng để nói chuyện sinh tồn, dục vọng con người . Có sự liên hệ nào giữa sự phát triển ngày càng nhiều lễ hội kỳ quái, thiếu tính nhân văn với sự suy đồi đạo đức và tính ác ngày càng tràn lan? Dù chưa có một nghiên cứu nào rõ ràng nhưng không thể nào không thấy mối liên hệ hữu cơ trong xã hội chúng ta hôm nay!

 Điều đáng chú ý là sự phô trương ngày càng nhiều, phẩm vật cung tiến trong lễ hội ngày càng to lớn. Nào là bánh chưng bảy, tám trăm ký; bánh tét dài hàng trăm mét; để cho to lớn, hoành tránh hơn lại phải độn xốp... Rồi là chai rượu lớn nhất, ly cà phê, ấm trà vĩ đại nhất... như biểu trưng cho bệnh vĩ cuồng.

img

Bánh chưng 250kg dâng lên Đại danh y Lê Hữu Trác.   ảnh: Dân trí 

Những thói phô trương, muốn điều to lớn kia phản ánh sự thiếu lành mạnh mà bệnh thành tích đã đem đến cho xã hội hôm nay. Mới đây thôi, một chiếc bánh chưng có trọng lượng 250kg, dâng lên Đại danh y Lê Hữu Trác trong lễ kỷ niệm 225 năm ngày mất của ông (ngày 21/2/2016) và đón nhận bằng Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Trước đó, một cặp bánh chưng nặng 7 tạ được dâng lên đền thờ bà Hoàng Thị Loan- thân mẫu Bác Hồ. Việc dâng tiến những vật phẩm cúng tế càng to thì càng chứng tỏ sự thiếu tự tin của những người mang tâm thế nhỏ bé trước các bậc thánh thần, tiền nhân.

 Thế nhưng xem thử chúng ta đã làm gì để chống lại thói phô trương, sính điều to lớn như vậy? Ngoài vài văn bản, chỉ thị cho có trách nhiệm, hầu như các cơ quan chức năng thả nổi cho sự tự phát của lễ hội, và các địa phương vì nhiều lý do đã đồng tình tổ chức ngày càng to lớn hơn! Các đơn vị truyền thông, tuyên truyền lại thường ca ngợi kỷ lục này nọ mà ít khi phê phán những hủ tục, thói xấu của sự phô trương, to lớn ở các lễ hội! Chương trình giáo dục ngày nay không đem lại cho mọi người một căn bản biết phân biệt đúng sai của thói xấu phô trương, phù hoa giả tạo của cái to lớn.

 Có những cái nhỏ mà ý nghĩa của nó lại rất to lớn. Như Hội An ai cũng thấy nhỏ, biết nhỏ nhưng với cái nhỏ ấy đã đem đến cho du khách những khám phá không ngừng. Từng lúc Hội An đã phát huy thế mạnh cái nhỏ để tổ chức quản lý, phát triển nhiều loại hình du lịch thích hợp, tạo nên sự thích thú sống chậm cho khách du lịch, cho cả môi trường sống. Cái nhỏ ấy đã tạo nên một Hội An như hôm nay!

 Ai đến Huế cũng đều hiểu, thấy được giá trị của dòng sông Hương. Nó chia sẻ mọi vẻ đẹp của Huế và đi vào cuộc sống thơ ca, con người ... Vì thế có quá nhiều lưu ý về sự bảo tồn dòng sông Hương và cảnh quan của nó. Nên khi dự án khỏi phục bờ sông Hương từ cồn Dã Viên lên đến chùa Thiên Mụ được thực hiện đã trả lại cảnh quan đẹp phía bờ tả ngạn. Nhưng rồi bệnh hoành tráng, to lớn đã làm con đường trở nên quá to, như lấn át dòng sông, khiến bờ sông nhỏ lại. Lẽ ra con đường ấy chỉ nên nhỏ lại phù hợp với cái nhỏ của Huế chứ không thể hoành tráng, to lớn năm bảy làn xe. Và sông Hương luôn cần có bờ sông mềm, tự nhiên lau lách chứ không phải bờ kè bê tông vô hồn, phá vỡ sự êm đềm, dịu dàng kín đáo của xứ Huế. 

Lớn và nhỏ là bài toán của sự hài hoà, tự nhiên chứ không bao giờ là sự phô trương, giả tạo. Chính sự hài hoà ấy đã đem lại tính nhân văn, gìn giữ cái đẹp vĩnh cửu của tự nhiên đưa con người đến với điều chân thật, đơn giản cần thiết cho một xã hội văn minh, tiến bộ. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem