Vay nợ hơn 9.000 tỷ, lợi nhuận 9 tháng của “đại gia xứ Thanh” Lê Thanh Thuấn lao dốc

Huyền Anh Thứ tư, ngày 06/11/2019 07:51 AM (GMT+7)
9 tháng đầu năm 2019, Tập đoàn Sao Mai của “đại gia xứ Thanh” Lê Thanh Thuấn ghi nhận doanh thu thuần trên 10.000 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lơi nhuận của Tập đoàn này chỉ ở mức 600 tỷ đồng, “bốc hơi” 45% so với cùng kỳ năm trước. Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu ASM của Tập đoàn Sao Mai cũng “ì ạch” dưới mệnh giá.
Bình luận 0

Công ty Cổ phần Tập đoàn Sao Mai (ASM) của ông Lê Thanh Thuấn vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2019 với kết quả kinh doanh kém tích cực.

img

Theo đó, doanh thu thuần đạt trên 3.331 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ giá vốn hàng bán, lợi nhuận gộp của Tập đoàn Sao Mai (ASM) tăng 14% đạt 335 tỷ đồng.

Trong kỳ, doanh thu từ hoạt động tài chính của Tập đoàn Sao Mai (ASM) cũng tăng từ 53,4 cùng kỳ lên 76 tỷ đồng.

Đi cùng với đó là sự gia tăng của các loại chi phí. Đơn cử như chi phí bán hàng tăng 25% lên 72 tỷ đồng; Chi phí quản lý doanh nghiệp đạt 53,5 tỷ đồng, tăng tương ứng 35%. Trong khi, chi phí lãi vay là 87 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với mức 56 tỷ cùng kỳ năm ngoái

Đáng chú ý, trong quý này, mảng hoạt động khác đưa về khoản lỗ hơn 11 tỷ cho Sao Mai. Cùng kỳ năm trước, mảng này vẫn mang lại lợi nhuận trên 16,5 tỷ đồng.

Kết quả, Tập đoàn Sao Mai (ASM) của ông Lê Thanh Thuấn báo lãi trước thuế gần 190 tỷ đồng, lãi ròng giảm nhẹ 4% so với quý III/2018, mang về 177,7 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của ASM đạt tới 10.453 tỷ đồng, gấp đôi doanh thu đạt được trong cùng kỳ 2018. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại giảm 45%, ở mức 601,9 tỷ đồng. Với kết quả kinh doanh 9 tháng, dù ASM đã vượt qua kế hoạch doanh thu cả năm tuy nhiên về lợi nhuận sau thuế, doanh nghiệp này mới chỉ hoàn thành 48% mục tiêu.

Nguyên nhân chủ yếu là do doanh thu hoạt động tài chính giảm trong khi chi phí lãi vay lại tăng mạnh. Trong 9 tháng, Tập đoàn Sao Mai (ASM) không còn ghi nhận lãi phát sinh từ giao dịch mua rẻ và bán các khoản đầu tư nhưng phải gánh tới 234 tỷ đồng chi phí lãi vay, tăng 90% so với cùng kỳ 2018. Doanh thu tài chính không còn

Chưa kể, trong 3 quý đầu năm Tập đoàn Sao Mai (ASM) “ôm” khoản 11 tỷ từ hoạt động khác, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi trên 460 tỷ đồng, do cùng kỳ năm trước ASM ghi nhận khoản lãi từ việc đánh giá lại giá trị hợp lý của khoản đầu tư vào Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia (IDI) thêm gần 430 tỷ đồng.

Trong số những mảng hoạt động của ASM, mảng thức ăn cá trong kỳ này tăng vọt và đóng góp chủ yếu vào tổng doanh thu của công ty với 47%, tiếp theo là hoạt động cá xuất khẩu (24%).

Tuy nhiên xét về biên lợi nhuận gộp, thức ăn cá chỉ có biên lãi gộp 4,6% khi lợi nhuận gộp từ hoạt động này chỉ đạt 227 tỷ đồng. Thay vào đó, mảng điện năng lượng mặt trời mới chỉ bắt đầu ghi nhận doanh thu tuy nhiên biên lãi gộp lên tới 76,3%, hoạt động cung cấp dịch vụ và bất động sản cũng có hiệu quả cao khi biên lãi gộp lần lượt ở mức 52% và 33%.

img

Tính đến cuối quý III/2019, tổng tài sản của Tập đoàn Sao Mai (ASM) gần chạm ngưỡng 15.682 tỷ đồng, tăng 31% so với đầu năm. Các khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản của ASM là tài sản cố định (5.524 tỷ đồng), các khoản phải thu ngắn hạn (3.505 tỷ đồng) và hàng tồn kho (2.766 tỷ đồng).

Xét trên tổng nguồn vốn của doanh nghiệp này tính đến 30/9/2018, nợ phải trả của Tập đoàn Sao Mai (ASM) chiếm tới 9.342 tỷ đồng, tương đương gần 60% tổng tài sản và tăng thêm hơn 3.100 tỷ trong vòng 9 tháng. Trong đó tổng nợ vay và thuê tài chính ở mức 5.658 tỷ đồng, tăng 25% so với hồi đầu năm.

Tập đoàn Sao Mai (tiền thân là CTCP Đầu tư và Xây dựng Sao Mai tỉnh An Giang) được “đại gia” xứ Thanh là ông Lê Thanh Thuấn thành lập và điều hành vào đầu năm 1997. Hiện ASM có tới 12 công ty thành viên trên nhiều lĩnh vực như xây dựng, bất động sản, chế biển thủy sản xuất khẩu, chế biến thực phẩm và kinh doanh dịch vụ du lịch. 

Tuy nhiên, tại ĐHĐCĐ thường niên 2019 vừa qua, ông Lê Thanh Thuấn - cổ đông sáng lập, đã rời chức vụ Chủ tịch HĐQT ASM và nhường lại ghế cho con gái là bà Lê Thị Nguyệt Thu. Động thái này được giới đầu tư đánh giá chủ yếu nhằm tuân thủ Nghị định 71/2017/NĐ-CP (từ ngày 1/8/2020, chủ tịch HĐQT của các công ty đại chúng không được kiêm nhiệm chức danh giám đốc/tổng giám đốc điều hành).

img

Ông Lê Thanh Thuấn

Tập đoàn Sao Mai (ASM) của ông Lê Thanh Thuấn cũng là trường hợp điển hình về số lần tăng vốn. 8 năm với 9 lần phát hành và phân phối thành công cổ phần ra công chúng. Thời gian gần đây tập đoàn này liên tục "rót tiền" vào các dự án trên địa bàn Thanh hóa như Resort Sao Mai Thanh Hóa, dự án khu dân cư và đang thực hiện dự án Bệnh viện Quốc tế Sao Mai với tổng diện tích 4 ha, giai đoạn 1, vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng.

Tại An Giang, tháng 5 vừa qua, tập đoàn này vướng vào lùm xùm xung quanh việc hàng chục hộ dân xã An Hảo (huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) kiện Tập đoàn Sao Mai "lật kèo" trong quá trình mua bán đất triển khai dự án điện năng lượng mặt trời 5.600 tỷ đồng. Đến 28/5, Toà án nhân dân (TAND) huyện Tịnh Biên cho biết đã quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Trên thị trường chứng khoán, ông Lê Thanh Thuấn còn được biết đến là “ông trùm” tài chính ôm 3 mã cổ phiếu trên sàn là ASM của Tập đoàn Sao Mai và các công ty thành viên là IDI của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia và DAT của CTCP Đầu tư du lịch và Phát triển Thủy sản.

Tuy nhiên, 2 trong 3 mã cổ phiếu này là ASM và IDI từ năm 2018 đến nay đã lần lượt ‘rớt” về dưới mệnh và bất chấp cổ đông nội bộ đứng ra mua vào cổ phiếu ASM, cả ASM và IDI vẫn trong trạng thái "ì ạch". Hiện 2 mã chứng khoán này chỉ còn được thị trường định giá quanh mức trên dưới 6.000 đồng/cổ phiếu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem