VĐV bắn súng Nino Salukvadze: Tuổi 52 và kỷ lục 9 lần dự Olympic

Ngân Xuyên (Theo báo chí nước ngoài) Thứ ba, ngày 27/07/2021 09:10 AM (GMT+7)
Tại Thế vận hội Rio de Janeiro 2016, Nino tham dự cùng cậu con trai 18 tuổi Tsotne Machavariani. Họ là cặp mẹ con đầu tiên cùng dự một kỳ Olympic và cùng ở bộ môn bắn súng.
Bình luận 0

Đó là Nino Salukvadze (sinh 1969), VĐV bắn súng của Gruzia. Đến Olympic Tokyo 2020, chị đã trở thành người phụ nữ đầu tiên tranh tài ở 9 kỳ Thế vận hội: trước đó chia sẻ kỷ lục này với chị là các nam VĐV Josefa Idem (Đức và Italia, chèo thuyền) và Leslie Thompson (Canada, chèo thuyền). Sau hôm khai mạc chị đã bước vào vòng sơ loại bộ môn súng ngắn hơi 10 mét.

VĐV bắn sung Nino Salukvadze: Tuổi 52 và kỷ lục 9 lần dự Olympic  - Ảnh 1.

Nino Salukvadze dự Olympic Tokyo 2020 ở tuổi 52. Ảnh: Reuters.

Thế vận hội đầu tiên Salukvadze tham gia là tại Seoul (Hàn Quốc, 1988). Tại đó chị giành HCV môn súng ngắn thể thao (25m) và HCB sũng ngắn hơi (10m). Từ đấy Nino không bỏ lỡ kỳ Olympic nào, nhưng phải đợi 20 năm sau nữa mới lại có huy chương.

Salukvadze đến Thế vận hội Bắc Kinh (2008) vào ngày 10/8, ngày căng thẳng nhất trong cuộc chiến tranh 5 ngày giữa Nga và Gruzia. Trước khi thi đấu, đoàn thể thao Gruzia thậm chí đã bàn đến việc bỏ Thế vận hội.

"Chồng tôi là quân nhân" - Nino nói. "Họ cố che giấu tôi, nhưng tôi biết chắc  100% là anh ấy đã được điều [đến đó]. Anh ấy đã chiến đấu ở Abkhazia, may còn sống sót, nhưng dù sao [tôi biết] là anh ấy vẫn sẽ ra trận. Không có liên lạc, tất cả cứ như trong một cơn ác mộng. Không ai nghĩ một chuyện như thế có thể xảy ra: Cuộc chiến này là cuộc chiến nào? Vậy mà nó đã xảy ra, thật là điên rồ.

VĐV bắn sung Nino Salukvadze: Tuổi 52 và kỷ lục 9 lần dự Olympic  - Ảnh 2.

Nino Salukvadze trong một buổi tập. Ảnh: AP.

Khi đấy các con tôi đang học ở Anh và vào ngày đó lẽ ra là chúng bay về [Gruzia]. Nhưng chúng đã phải ở lại Anh, sau đó bay về Baku – và được mọi người ở đó giúp đỡ. Tôi biết về tất cả chuyện này, nhưng từ Bắc Kinh tôi có thể làm gì để giúp đỡ cho các con mình? Chỉ bằng cách công việc của mình thôi, phải không? Hay không phải thế, tôi cũng không biết nữa. Điều quan trọng nhất tấm huy chương tôi giành được là tấm huy chương đầu tiên của cả đoàn - và tôi nghĩ nó đã mang lại cho mọi người chút niềm vui nho nhỏ".

Vào cái ngày ấy Nino đã giành tấm HCĐ môn súng ngắn hơi 10m. Khi nghe công bố kết quả, nữ VĐV Gruzia đã bật khóc nức nở. Trên bục nhận huy chương, Nino đã ôm lấy VĐV người Nga Natalya Paderina được HCB. Truyền thông coi cử chỉ ấy như lời kêu gọi hòa bình và biểu tượng cho sự phi chính trị của thể thao, nhưng ở Gruzia không phải ai cũng nghĩ thế. Sau cuộc tranh tài, Salukvadze không được mời đến bất cứ cuộc đón tiếp chính thức nào, khác với năm người đoạt giải khác.

Tại Thế vận hội Rio de Janeiro 2016, Nino tham dự cùng cậu con trai 18 tuổi Tsotne Machavariani. Họ là cặp mẹ con đầu tiên cùng dự một kỳ Olympic và cùng ở bộ môn bắn súng. Salukvadze tham gia vòng loại môn bắn súng hơi 10 mét, và môn bắn súng ngắn nòng nhỏ 25 mét, vào đến bán kết, xếp thứ ba vòng loại. Machavariani xếp thứ 29 vòng loại bắn súng ngắn hơi 10 mét, và thứ 15 trong các cuộc thi sơ bộ ở nội dung bắn súng ngắn nòng nhỏ 50 mét.

VĐV bắn sung Nino Salukvadze: Tuổi 52 và kỷ lục 9 lần dự Olympic  - Ảnh 3.

Nino Salukvadze và VĐV người Nga Natalya Paderina. Ảnh: Reuters.

Salukvadze đã tuyên bố Olympic Tokyo 2020 sẽ là kỳ cuối cùng chị tham gia. "Tôi biết chắc rằng không ai có thể chịu được 9 Thế vận hội với một sức nặng đến như bây giờ. Tôi kết thúc vì đó là một việc khó khăn. Về mặt đạo đức, thể chất và kỹ thuật, tôi đã sẵn sàng, nhưng đôi mắt của tôi đã già đi. Tôi không thể níu giữ được cơ thể, tôi vẫn thực hiện được thao tác, nhưng đã phải đổi mắt nhắm, tôi nhắm bắn bằng mắt trái. Tôi đã phải mổ. Đối với cuộc sống bình thường thì tôi không cần phẫu thuật như vậy, nhưng để vẫn bắn súng tôi được yêu cầu mổ. Nhưng nó đã không thành công. Tuy vậy tôi thấy cuộc sống vẫn ổn" - Nino nói.

Năm ngoái, Salukvadze đã nói rằng chị sẽ bay đến Tokyo không phải vì lợi ích của bản thân mà vì các học sinh của mình. "Tôi giống như một đầu tàu kéo theo một cái đuôi lớn - nếu tôi từ bỏ bây giờ, bộ môn thể thao của chúng tôi cũng sẽ khép lại tại đây. Tôi thấy thương cho những đứa trẻ đã học bộ môn này bốn năm, năm năm, có khi đến tám năm, mười năm. Có một số thành công, nhưng vẫn cần phải thúc đẩy hơn nữa. Nếu tôi từ bỏ mọi thứ bây giờ, chúng sẽ tản mát khắp nơi – và thế là một quốc gia nữa trên thế giới sẽ thoát ra khỏi phong trào," người phụ nữ Gruzia giải thích.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem