Tại hội nghị sơ kết công việc 6 tháng đầu năm của Tổng cục TDTT tổ chức hôm 10.7, nhiều trưởng bộ môn đã bày tỏ thắc mắc, bức xúc trước nhiều vấn đề về trang thiết bị tập luyện, điều kiện ăn ở, thuốc men...
|
Đội tuyển TDDC đang phải tập luyện và đi thi đấu trong điều kiện thiếu thốn. |
Ông Vũ Xuân Thành - Trưởng bộ môn taekwondo bày tỏ: “Thời gian tập luyện đã bước sang tháng 7 và chẳng mấy nữa là hết năm. Vậy mà trang bị dụng cụ ở Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia (HLTTQG) Hà Nội mới chỉ đủ cho từng cá nhân trong khi dụng cụ để dành cho tập luyện chuyên môn gần như không có”.
Môn thể dục dụng cụ (TDDC) vốn từ lâu được xem thiếu thốn nhất, và lần này Trưởng bộ môn Nguyễn Kim Lan bức xúc phản ánh tiếp: “Tôi chỉ nói riêng môn TDDC, hiện giờ VĐV phải tập trong nhà tập xuống cấp. Vào mùa hè thì quá nóng, còn mùa đông lại lạnh, vì vậy không đảm bảo được vận động khiến mất thể lực. Thuốc thang cũng chưa có, trang phục thiếu thốn”.
Ông Dương Đức Thủy - Trưởng bộ môn điền kinh cũng gay gắt phản ánh: “Đội tuyển điền kinh vừa tham dự giải vô địch châu Á ở Ấn Độ, tới giải thì VĐV người có quần áo in chữ Việt Nam, người không. Bởi lẽ, VĐV tập huấn ở trung tâm HLTTQG nào thì nhận đồng phục ở đó, và không đồng nhất, trung tâm nào có gì thì mặc đó. Chỉ khi thi đấu các đại hội lớn thì đội tuyển mới được cấp phát đồng phục. Thậm chí, tới giờ môn điền kinh còn chưa được cấp phát đủ giày đinh cho VĐV trong năm 2013 đúng theo quy định”.
Liệu có phải khó chung?
Chủ trì hội nghị có Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL ông Lê Khánh Hải, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT – ông Vương Bích Thắng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT – ông Lâm Quang Thành. Điều đó có nghĩa, những nhà quản lý cao nhất đều biết được sự việc mà người làm trực tiếp chuyên môn phản ánh.
Còn nhớ, thời điểm chuẩn tham dự vòng loại Olympic London 2012, những người làm quản lý môn vật và boxing từng phải đôn đáo khắp nơi để đòi hỏi những bộ dụng cụ, đôi giày, chiếc thảm tập cho VĐV nhưng rốt cuộc vẫn… thiếu.
Đáp lại thắc mắc, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Giám đốc Trung tâm HLTTQG Hà Nội cho rằng, với cơ sở đã xuống cấp, thiếu kinh phí sửa chữa nâng cấp, nên hiện nay, trung tâm chỉ bố trí cho 11 đội tuyển tập luyện còn các đội khác phải gửi tập nhờ. “Nếu thực tế kiểm tra, ví dụ như wushu đang tập ở Trung tâm Đào tạo VĐV cấp cao Hà Nội thì có khi còn không có nhà vệ sinh riêng biệt mà phải sử dụng chung. Môn vật nhiều năm nay không có đủ tiền để mua thảm tập mới” - ông Hùng nói. Trước những thắc mắc về việc thiếu trang thiết bị tập luyện, ông Hùng cho rằng “dụng cụ vừa được cấp phát sáng 10.7 cho các môn còn thiếu”. Vậy thì liệu nên tin trưởng bộ môn hay giám đốc trung tâm?
Giải đáp các thắc mắc, đại diện Vụ Tài chính (Tổng cục TDTT) chỉ nói chung chung: “Việc thiếu thốn cũng là trăn trở chung với cả ngành thể thao. Ngân sách nhà nước duyệt cho trang bị cơ sở vật chất là 60 tỷ đồng trong năm nay nên lộ trình đầu tư phải ưu tiên từng kế hoạch cụ thể”.
Hoài Việt
Vui lòng nhập nội dung bình luận.