Về chất lượng vật tư, nông sản: Chưa quản lý được các cơ sở huyện, xã

Thứ bảy, ngày 03/08/2013 23:54 PM (GMT+7)
Đó là nhận định của nhiều địa phương tại cuộc họp trực tuyến về công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp (VTNN) và an toàn thực phẩm (ATTP) nông lâm thủy sản diễn ra hôm qua (2.8) do Bộ NNPTNT tổ chức.
Bình luận 0

“Bài toán khó” ở nhiều địa phương

Số cơ sở giết mổ gia cầm xếp loại C (không đạt) theo đánh giá của Bộ NNPTNT còn rất cao.  (Ảnh chụp tại một cơ sở giết mổ gia cầm tự phát tại thôn Hà Vỹ, huyện Thường Tín, Hà Nội). L.H.T
Số cơ sở giết mổ gia cầm xếp loại C (không đạt) theo đánh giá của Bộ NNPTNT còn rất cao. (Ảnh chụp tại một cơ sở giết mổ gia cầm tự phát tại thôn Hà Vỹ, huyện Thường Tín, Hà Nội). L.H.T

Ông Bùi Như Ý – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Vĩnh Phúc cho biết, tính đến hết năm 2012, toàn tỉnh có 2.640 cơ sở sản xuất kinh doanh VTNN và ATTP, trong đó có 99 cơ sở được tỉnh cấp giấy phép, và 1.120 cơ sở cấp huyện, phần lớn là các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ ở các xã với 1.502 hộ sản xuất kinh doanh.

“Điều đáng lo ngại là các hộ sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ ở cấp xã thường không có phép nên việc quản lý lĩnh vực này gặp rất nhiều khó khăn”-ông Ý nói. Cùng chung nhận định trên, ông Ngô Đại Ngọc – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho biết, hiện các cơ sở sản xuất kinh doanh VTNN và ATVSTP ở cấp xã, phường quản lý là rất lớn, trung bình mỗi quận, huyện có khoảng 800 cơ sở, có quận như Hai Bà Trưng còn lên tới 5.000 cơ sở.

Do vậy, theo ông Ngọc, muốn quản lý chất lượng các cơ sở này, cần để huyện và các xã, phường vào cuộc. Không chỉ có Vĩnh Phúc và Hà Nội, đại diện của hầu hết các địa phương phản ánh tại cuộc họp trực tuyến như Thanh Hóa, TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Đăk Lăk… đều nhận định, rất khó quản lý các cơ sở này ở cấp huyện xã. “Vướng mắc trong triển khai là doanh nghiệp đưa VTNN từ ngoài tỉnh vào rất khó quản lý”- ông Lê Như Tuấn –Giám đốc Sở NNPTNT Thanh Hóa nói.

Xuất hiện giấy kiểm dịch khống

Ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NNPTNT) cho biết, qua giám sát, tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh VTNN loại C (không đạt) vẫn còn cao, chỉ riêng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, có 31 tỉnh tổ chức kiểm tra, đánh giá, xếp loại lần đầu vẫn còn 44,7% loại C, kiểm tra định kỳ xếp loại C vẫn chiếm hơn 59%; tái kiểm tra 180 cơ sở, vẫn còn 128 cơ sở xếp loại C, chiếm hơn 71%...

Kiểm tra thông tin gạo mốc
Trước thông tin gạo được sử dụng thuốc chống mốc và tạo mùi mà báo chí vừa phản ánh tại TP.HCM, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát yêu cầu Sở NNPTNT TP.Hồ Chí Minh tiến hành kiểm tra để làm rõ thông tin và công bố để không làm hoang mang cho người tiêu dùng.
Mới đây, còn xuất hiện thêm tình trạng “giấy kiểm dịch khống” đang được C49 làm rõ. Ngoài ra, việc chưa thống nhất giữa nhiều văn bản hiện hành gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong bắt giữ, xử lý các đối tượng vi phạm.

Còn theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận trách nhiệm với người dân khi họ vẫn còn kêu ca nhiều về tình trạng phân bón, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, kém chất lượng, thậm chí hàng giả vẫn lưu hành, ảnh hưởng tới sản xuất của bà con.

Người tiêu dùng chưa yên tâm, thậm chí còn hoang mang về vấn đề mất ATTP. Do đó, ông Phát khẳng định: “Đối với những cơ sở xếp loại C, cần xử lý nghiêm. Nếu vẫn vi phạm, đề nghị sở kế hoạch – đầu tư rút giấy phép, đình chỉ hoạt động và công bố cho người dân được biết”.

Thanh Xuân (Thanh Xuân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem