Về Gò Vấp, ghé Phù Châu miếu, đình Thông Tây Hội, thăm nhà thờ Hạnh Thông Tây
Về Gò Vấp, ghé Phù Châu miếu, đình Thông Tây Hội, thăm nhà thờ Hạnh Thông Tây
Hồng Phúc
Chủ nhật, ngày 07/08/2022 08:04 AM (GMT+7)
Các điểm đến nổi bật như Phù Châu miếu, đình Thông Tây Hội, nhà thờ Hạnh Thông Tây, làng nghề đúc đồng An Hội… cho đến nhâm nhi cà phê ngắm máy bay cất, hạ cánh được đưa vào chương trình khám phá Gò Vấp 1 ngày.
Các tour du lịch trong ngày ngay TP.HCM đang được Sở Du lịch TP.HCM và các doanh nghiệp du lịch lữ hành trên địa bàn thành phố tích cực khảo sát, đưa vào đón khách. Nhiều tour tham quan quận 8, Củ Chi, Tân Phú, quận 5… đã được khảo sát và đi vào hoạt động.
Mới đây, TST tourist đã khảo sát và vừa giới thiệu tour Gò Vấp - Trăm năm tìm lại dấu xưa, với nhiều điểm đến đặc trưng tại quận Gò Vấp.
Thăm Gò Vấp bắt đầu từ Phù Châu miếu
Tour Gò Vấp - Trăm năm tìm lại dấu xưa bắt đầu từ Phù Châu cổ miếu - ngôi miếu ra đời từ cuối thế kỷ XIX trên dòng sông Vàm Thuật, được người dân địa phương thường xuyên lui tới và hình thành nên thói quen qua nhiều thế hệ. Trước năm 1975, miếu là một trong những địa điểm hành hương nổi tiếng của người dân Sài Gòn - Gia Định.
Từ năm 1992 đến nay, sau nhiều lần trùng tu, Miếu Nổi đã trở thành một ngôi miếu khang trang bằng vật liệu hiện đại, nhưng vẫn theo kết cấu kiến trúc cổ kính mang đậm nét văn hóa Việt - Hoa. Mái lợp ngói âm dương tráng men xanh ngọc, gồm hai tầng chồng khít lên nhau.
Toàn bộ kiến trúc trong miếu được trang trí bằng nghệ thuật khảm gốm, cẩn sứ hình rồng, phượng… rất tinh xảo, có tính nghệ thuật cao. Hai bên tường được cẩn sành mô tả các hình tượng tín ngưỡng dân gian.
Điểm đến tiếp theo là đình Thông Tây Hội. Đình Thông Tây Hội được xây dựng trong khoảng năm 1698 tại làng Hạnh Thông tỉnh Gia Định.
Năm 1944, làng Hạnh Thông Tây và An Hội sáp nhập, đình là nơi thờ cúng chung của hai làng và từ đó có tên là đình Thông Tây Hội. Đình đã trải qua hai lần trùng tu lớn vào các năm 1896 và 1927 nhưng vẫn giữ được gần như nguyên vẹn cấu trúc và vật liệu xây dựng của ngôi đình cổ ở Nam Bộ.
Nhắc đến Gò Vấp, nhiều người sẽ không thể không nhớ đến nhà thờ Hạnh Thông Tây. Nhà thờ do ông, bà Lê Phát An (cậu ruột của Hoàng Hậu Nam Phương) đầu tư xây dựng năm 1921 và được khánh thành 1924, trên diện tích 2ha, theo phong cách kiến trúc Byzantine của châu Âu.
Nhà thờ có chiều dài 40m, rộng 14m, cao 16m, tháp chuông cao 30m, một vòm chính với 2 vòm phụ, kiến trúc và nội thất cổ được bảo tồn khá chu đáo.
Ngôi Thánh đường có kiến trúc độc đáo với vòm hình bán cầu, bên trên bố trí tháp nhỏ để thông gió và lấy ánh sáng. Mái lợp ngói đỏ, ở mặt đứng đắp nổi các gờ, trang trí hoa văn đơn giản. Phía trên các cửa vòm trang trí các đường chỉ đắp nổi. Đế tháp chuông được xây bằng đá tảng, bên trong tháp chuông treo ba chiếc chuông được đúc ở Pháp năm 1925.
Khám phá làng nghề, check-in cà phê ngắm máy bay
Tham gia tour Gò Vấp - Trăm năm tìm lại dấu xưa, khách còn được đến với làng nghề đúc đồng An Hội tại quận Gò Vấp. Đến nay, làng nghề đúc đồng An Hội còn khoảng 5 hộ gia đình vẫn còn giữ được nghề đúc đồng thủ công, giữ lửa, truyền nghề cho con cháu.
Mặc dù làm nghề khá vất vả, trải qua 7 công đoạn hoàn toàn thủ công để ra được sản phẩm nhưng làng nghề đang tạo nên nhiều giá trị quý báu, trước hết là ý nghĩa truyền thống, sự đam mê, gắn bó với nghề, tất cả đã tạo nên nét đẹp và sự khác biệt của Gò Vấp.
Du khách còn được giao lưu cùng gia đình nghệ sĩ Đức Dậu tại tư gia và cũng là bảo tàng tư nhân, nơi sưu tầm và lưu giữ nhiều nhạc cụ dân tộc.
Nghệ sĩ Đức Dậu là một trong số ít những nghệ sĩ hiếm hoi kiên trì với sứ mệnh gìn giữ nhạc cụ dân tộc. Hiện nay, tại tư gia của nghệ sĩ Đức Dậu có trưng bày nhạc cụ của 54 dân tộc được nghệ nhân dành nửa đời người để tìm tòi, khám phá và sưu tầm.
Đặc biệt, du khách còn được trải nghiệm tập chơi golf tại sân golf Tân Sơn Nhất, với những bãi cát, màu xanh của thảm cỏ xanh ngát ngàn.
Hành trình tour du lịch Gò Vấp khép lại với trải nghiệm rất "bắt trend" gần đây của giới trẻ khi nói về Gò Vấp, đó là uống cà phê ngắm máy bay cất - hạ cánh, với nhiều góc check-in mới lạ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.