Nuôi cá sấu dễ như nuôi heo
Theo Chi cục kiểm lâm Đồng Nai, cá sấu đang được nuôi rầm rộ ở khu vực xung quanh hồ Trị An là loài cá sấu Xiêm nước ngọt, có nguồn gốc ở khu vực Bàu Sấu thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên. Đây là loài được xếp hạng động vật hoang dã quý hiếm và một thời gian không còn thấy xuất hiện ngoài tự nhiên. Nhưng nay, loài cá sấu này được đưa giống từ Campuchia về Việt Nam, phát triển mạnh tại miền Tây và giờ đang nuôi ồ ạt, tự phát tại chính quê hương của chúng.
Ông Tôn Hà Quốc Dũng - Trưởng phòng bảo tồn thiên nhiên - Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai - cho biết: Toàn tỉnh hiện có khoảng 237 cơ sở nuôi cá sấu với tổng đàn hơn 109.000 con. Cá sấu được nuôi nhiều ở xã Phú Ngọc (huyện Định Quán), còn lại nằm rải rác tại các huyện, thị xã Long Khánh và TP.Biên Hòa. Đây là loài động vật hoang dã nguy hiểm nên khi muốn nuôi, các hộ phải kê khai với hạt kiểm lâm địa phương. Riêng tại huyện Định Quán, tổng số trại nuôi cá sấu nước ngọt là 148 trại với hơn 94.000 con cá sấu.
Trong vai nhân viên nhà hàng ở TP.Biên Hòa đang cần nguồn cung cấp thịt cá sấu phục vụ thực khách sành điệu, chúng tôi đã tiếp cận rất nhiều điểm nuôi cá sấu tại ấp 1 và ấp 2 xã Phú Ngọc, huyện Định Quán. Chỉ cần đi qua cầu La Ngà, 2 bên QL20 là khu vực 2 ấp này nằm cặp ngay bên hồ Trị An. Đến chân cầu La Ngà, chúng tôi đi tới cuối xóm Việt kiều Campuchia là gặp hồ Trị An. Tại đây có một trang trại đang nuôi hàng trăm con cá sấu chuẩn bị xuất chuồng. Chủ trang trại cá sấu này cho biết, lứa cá sấu vài trăm con này sẽ được xuất chuồng sau Tết Âm lịch Ất Mùi 2015. Theo ghi nhận, chuồng trại nuôi cá sấu nằm ngay phía sau nhà, kế bên hông là hồ Trị An. Hai trại nuôi cá sấu này được xây bằng tường gạch và kéo lưới thép mắt cáo. Tuy nhiên, nhìn rất chông chênh, không biết khi xảy ra tình trạng sạt lở, mưa lũ… sẽ ra sao?
Theo các số điện thoại ghi tại biển quảng cáo dán chi chít dọc đường, chúng tôi gọi điện tới trại cá sấu Hương Công và tự giới thiệu là người ở Hà Nội, cần mua rất nhiều cá sấu để xuất sang Trung Quốc. Nghe vậy, họ “quảng cáo” luôn: “Ở chỗ em anh cần bao nhiêu cũng có, nếu không đủ em có thể gom cho anh từ các nhà vườn khác. Anh hỏi mua cá sấu ở Phú Ngọc là chuẩn rồi. Ở đây có cả vương quốc cá sấu!”. Tương tự, ở trang trại Thủy Lơi, Tâm Oanh, chúng tôi cũng được khẳng định chắc nịch về sự phong phú của các trại cá sấu nơi đây.
Ông Nguyễn Văn Nhật (ấp 2, xã Phú Ngọc) - một người dân nuôi cá sấu - chia sẻ: "Tôi nuôi cá sấu được 6 năm. Trước đây, giá cá sấu gần 100.000 đồng/kg, tôi chỉ nuôi 70-80 con, nhưng gần 2 năm nay, giá cá sấu lên trên 200.000 đồng/kg, nên tôi tăng đàn lên gấp 3 lần. Hiện tôi đang có khoảng 700 - 800 con".
Chuồng trại làm sơ sài, dễ dẫn tới nguy cơ cá sấu xổng chuồng.
Cá sấu dễ xổng chuồng
Mới đây, một con cá sấu dài 1,2m, nặng 20kg vừa xuất hiện ở một ao nước thông ra hồ Trị An khiến người dân hoảng sợ. Con cá sấu này nghi xổng chuồng từ một trại nuôi cá sấu ngay tại địa phương. Sau đó, người dân lại vây bắt được một con dài 2m, nặng hơn 30kg ở khu vực gần lòng hồ. Những vụ việc tương tự xảy ra liên tiếp khiến người dân hoang mang. Hai năm trước, người dân khu vực Long Thành, Biên Hòa đã một phen nhốn nháo vì mưa lũ cuốn sập tường của một trang trại làm gần 10 con cá sấu lớn thoát ra sông Buông.
Ông Phan Như Tiến (ấp 2, xã Phú Ngọc) cho rằng: "Nguyên nhân cá sấu xổng chuồng là do khi thay nước đào vào trại, nếu chủ trại bất cẩn, cá sấu sẽ ra theo đường cống xả. Ở đây là xứ cá sấu, cá giống cá hai tạ cũng có, 6 - 7 người khiêng mới nổi. Nhà Tâm Oanh đoạn ngay bên hông nhà thờ nuôi hàng ngàn con cá sấu. Ở đây, nó (cá sấu - PV) cũng xổng, tụi nó bắt được hoài, cá lớn cũng có, cá nhỏ cũng có. Cá nhỏ xổng hoài. Nếu cá sấu xổng chuồng, những người dân đánh bắt cá bằng xung điện sẽ săn lùng, vì mỗi con cá sấu có trọng lượng 20-30kg có giá 4 - 5 triệu đồng nên không dễ gì người dân từ bỏ món tài sản lớn như vậy. Hồi trước, tôi cũng bắt được một con trong ao nhà, bằng bắp tay...", ông Tiến chia sẻ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, chuồng nuôi cá sấu tại xã Phú Ngọc đa phần là tường gạch ximăng dày 10cm, cao khoảng 1m, phía trên có quây lưới và đặt ở khu vực sát sông. Khi được hỏi chuồng trại đặt sát sông như vậy, nếu xảy ra thiên tai, tường rào đổ, cá sấu xổng thì sao, người dân đều trả lời khá hồn nhiên là nhiều năm nay họ nuôi không bị thiên tai, nên không có gì phải lo lắng.
Nhiều người còn khẳng định: Chuyện cá sấu xổng chuồng ra sông La Ngà, hồ Trị An năm nào cũng có, nhưng hầu hết các cơ sở nuôi đều tự bắt lại chứ không báo với chính quyền hay lực lượng kiểm lâm. Cá sấu lớn xổng chuồng không lo bằng cá sấu nhỏ. Vì những con lớn sau một thời gian bị nuôi nhốt theo dạng công nghiệp đã được thuần hóa, khi thoát ra sông thường nổi trên mặt nước, rất dễ phát hiện để bắt lại. Còn cá sấu nhỏ thoát ra sông, hồ thường khó phát hiện, sẽ dần thích nghi với điều kiện tự nhiên, sau 1-2 năm sẽ trở thành cá sấu lớn, rất nguy hiểm.
Ông Nguyễn Văn Sang - Chủ tịch UBND xã Phú Ngọc, huyện Định Quán - cho biết: Xã Phú Ngọc có khoảng 60.000 con cá sấu. Bình quân 14-15kg/con là xuất chuồng. Buôn bán không quản lý chặt, khi xuất chỉ báo kiểm lâm xuất theo giấy phép, lái buôn mua địa phương cũng không nắm rõ, nhưng đến thời điểm này không có hiện tượng gì, giá khoảng 230.000 - 240.000 đồng/kg, hiện tại thị trường rất khan hiếm, chỉ đáp ứng được 30-40%. Quản lý về số lượng, quy định chuồng trại, tuyên truyền môi trường, chứ còn xuất đi đâu thì địa phương cũng không nắm rõ. “Cá sấu xổng chuồng thì chưa thấy, nhưng cá sấu cắn chủ khi cho ăn thì đã có, nó bay lên cắn chủ khi cho ăn”, ông Nguyễn Văn Sang cho biết thêm.
Ông Phạm Minh Đạo – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai - cho biết: Do cá sấu nằm trong danh mục động vật hoang dã nên quản lý cá sấu thuộc về kiểm lâm và không được xem là vật nuôi trong cơ cấu nông nghiệp.
(Theo Lao Động)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.