Về quê hương Đại tướng xem lễ hội đua thuyền truyền thốngdịp Quốc Khánh 2/9

Trần Anh Thứ năm, ngày 01/09/2022 06:45 AM (GMT+7)
Cứ đến ngày 2/9 hàng năm, dòng sông Kiến Giang (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) lại dậy vang tiếng reo hò, tiếng trống, tiếng mõ với những màn tranh đua quyết liệt của các thuyền đua. Đây là lễ hội văn hóa cấp tỉnh Quảng Bình và là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Bình luận 0

Lễ hội đua thuyền lâu đời trên quê hương Đại tướng

Những ngày này, trên dòng sông Kiến Giang (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) đang rộn ràng những tiếng hò reo tập luyện của các đội để chuẩn bị cho lễ hội đua thuyền truyền thống của địa phương.

Clip: Người dân huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) chia sẻ về lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang 

Trò chuyện với PV Dân Việt, ông Võ Đại Hàm (cháu gọi Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng ông và hiện đang trông coi ngôi nhà của Đại tướng ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) cho biết: "Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang đã có từ lâu đời và với người dân quê hương của Đại tướng, nếu phải đi làm ăn xa, Tết Nguyên đán có thể không về nhưng Tết Độc lập nhất định phải đoàn viên".

Theo ông Võ Đại Hàm, người xưa kể lại, trước đây, vào dịp hè hàng năm, sông Kiến Giang đều khô cạn nước bởi hạn hán, nhưng cứ đến tháng 8 là có mưa, nước sông dâng đầy, ruộng đồng ngập nước, thuận lợi cho việc đồng áng.

Từ đó, dân làng khắp nơi mới mở hội đua thuyền ăn mừng, cũng là mang ý nghĩa rèn luyện sức khỏe, thi thố tài năng của trai bơi, gái đua và cầu mong một mùa mưa thuận gió hòa sản xuất bội thu.

Về Quảng Bình xem lễ hội đua thuyền truyền thống trên quê hương Đại tướng vào ngày Quốc Khánh 2/9 - Ảnh 2.

Các đội đua ở các địa phương trên huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) đang ra sức tập luyện cho ngày thi đấu. Ảnh: Trần Anh

Sau ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ngày 2/9/1946, nhân dân Lệ Thủy đã tổ chức ăn Tết Độc lập và Lễ hội bơi, đua thuyền với quy mô cấp huyện.

Và cứ đến ngày 2/9 hàng năm, sông Kiến Giang (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) lại dậy vang tiếng reo hò, tiếng trống, tiếng mõ với những màn tranh đua quyết liệt của các thuyền đua trên sông. Hiện người dân vùng quê này vẫn thường vang câu ca để nhắc nhở về ngày lễ quan trọng này:

"Dù ai đi tây về đông

Mồng 2 tháng 9 cũng mong về nhà

Về nhà xem hội quê ta

Dưới sông bơi trải, nhà nhà cờ bay".

Đặc biệt, ngày 27/8/2019, Bộ trưởng Bộ Văn Hóa - Thể Thao - Du Lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã ký quyết định đưa lễ hội đua, bơi thuyền trên sông Kiến Giang vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Rộn ràng tập luyện lễ hội đua thuyền năm 2022

Trong 2 năm qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên Lễ hội đua, bơi thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang đã phải tạm dừng. Nay tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn huyện nói riêng và cả nước nói chung cơ bản đã được kiểm soát, Ban Thường vụ Huyện ủy huyện Lệ Thủy đã đồng ý chủ trương tổ chức Lễ hội đua, bơi thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang năm 2022.

Về Quảng Bình xem lễ hội đua thuyền truyền thống trên quê hương Đại tướng vào ngày Quốc Khánh 2/9 - Ảnh 3.

Trai bơi, gái đua là những thanh niên có sức khỏe tốt, dạn dày sông nước. Ảnh: Trần Anh

Về Lệ Thủy những ngày này, mới thấy hết sự náo nức của người dân với lễ hội đua thuyền truyền thống. Trò chuyện với PV Dân Việt, ông Ngô Mậu Thớng (85 tuổi, ở xã An Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), cho hay: "Mấy hôm nay, bà con chúng tôi đều ra bờ sông Kiến Giang cổ vũ cho các thuyền đua, bơi tập luyện. Người dân nơi đây xem đua thuyền như một món ăn tinh thần không thể thiếu vào dịp 2/9. Sau 2 năm hoãn vì Covid-19, năm nay hứa hẹn sẽ có một lễ hội đầy kịch tính, sôi động và đoàn kết".

Về Quảng Bình xem lễ hội đua thuyền truyền thống trên quê hương Đại tướng vào ngày Quốc Khánh 2/9 - Ảnh 4.

Dưới cái nắng rát tháng 8, chị em phụ nữ vẫn hăng say tập luyện đua thuyền. Ảnh: Trần Anh

Theo ông Ngô Mậu Thớng, trước hội cả tháng, thôn nào, làng nào cũng tập trung chuẩn bị, tu sửa đò bơi, thuyền đua, tuyển chọn trai bơi, gái đua.

Việc đóng thuyền luôn được chăm chút công phu dưới bàn tay những nghệ nhân tâm huyết. Những thân gỗ dài 20 - 30m, được cưa xẻ theo thước tấc nghiêm ngặt, cộng với những bí truyền ngàn đời để hình thành nên chiếc thuyền đua bơi.

Thuyền đua bơi phải nổi vừa phải trên mặt nước, không được chờm sóng mà phải lầm lũi lao về phía trước như kình ngư.

Trai bơi, gái đua là những thanh niên dạn dày sông nước. Họ chỉ được ăn cơm rang giòn trước khi xuống thuyền để đủ dẻo dai đưa thuyền về đích. Mỗi cuộc đua bơi thường có 12-15 cặp. Trai bơi dùng mái chầm, nữ đua dùng mái chèo, đoạn đường bơi dài từ 25 - 30km.

Về Quảng Bình xem lễ hội đua thuyền truyền thống trên quê hương Đại tướng vào ngày Quốc Khánh 2/9 - Ảnh 5.

Người dân huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) ra bên bờ sông Kiến Giang để cổ vũ cho các đội đua bơi. Ảnh: Trần Anh

Để chuẩn bị cho lễ hội, các thôn, thị trấn, xã… bỏ ra rất nhiều thời gian để chăm chút cho việc đóng thuyền, lựa chọn trai bơi và tập luyện các kỹ thuật.

Trong ngày diễn ra lễ hội, dòng Kiến Giang như một rừng hoa. Hàng ngàn thuyền lớn nhỏ được trang trí bắt mắt, căng đầy băng rôn, biểu ngữ và không thuyền nào là không có vài ba chiếc trống, mõ làm từ gốc tre để cổ vũ. Người từ khắp các huyện trong tỉnh cũng đổ về đây từ lúc 4 - 5 giờ sáng để hòa chung không khí náo nức.

"Lễ hội đua, bơi thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang đây là một nét đẹp văn hóa độc đáo của người dân huyện Lệ Thủy. Trong 2 năm qua vì lí do dịch bệnh Covid-19 nên lễ hội đã phải tạm dừng. Hiện nay tình hình dịch bệnh đã ổn định và được kiểm soát, bên cạnh đó là sự mong muốn của người dân cũng như các cấp chính quyền, các xã, thị trấn… về việc tổ chức lại Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang để khơi dậy tinh thần, sự đoàn kết... Đồng thời, đây cũng sẽ là dịp để kích cầu và thu hút khách du lịch đến với Lệ Thủy nói riêng và Quảng Bình nói chung", ông Đặng Đại Tình - Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem