Nước Nga cho thêm nghị lực
Người phụ nữ đó là Nguyễn Thị Tuyết – Giám đốc Công ty Dệt may Hoang Tá (Hotatex). Chị Tuyết sinh năm 1968, ở thôn Thượng, xã Phùng Xá (Mỹ Đức, Hà Nội). Chị Tuyết kể: “Ngày trước, gia đình tôi nghèo lắm, nhà lại đông người nên bữa đói, bữa no là chuyện thường tình. Cũng vì thế mà tôi đành phải nghỉ học dở dang để ở nhà phụ giúp bố mẹ việc đồng áng”.
|
Công nhân làm việc tại xưởng may của chị Tuyết. |
Năm 1986, khi chị vừa tròn 18 tuổi, đúng vào năm Nhà nước ta thực hiện chính sách mở cửa, Tuyết may mắn được đi xuất khẩu lao động ở Liên Xô, làm công nhân may mặc. Những ngày đầu, chị gặp rất nhiều khó khăn, nào phải học cách chống lại cái lạnh, học tiếng để giao tiếp, học lối sống văn hóa của người dân nơi đây… nhưng dần rồi cũng quen. Với tính cần cù, chịu khó ham học hỏi, Tuyết nhanh chóng bắt quen với công việc và trở thành một thợ giỏi.
Chị Tuyết tâm sự: “Người Liên Xô sống rất tình cảm, chân thành. Làm việc với họ tôi học được rất nhiều thứ, trước hết là tính kỷ luật, tự giác, tinh thần kiên cường vượt khó, tất nhiên không thể thiếu sự sáng tạo trong công việc. Sau 4 năm, tôi cũng đã tìm được những người bạn thân, họ rủ tôi ở lại tôi cũng định gật đầu, nhưng nghĩ lại “chẳng nơi nào hơn quê hương mình”, vậy là tôi quyết định về nước”.
Vươn tới thị trường quốc tế
Năm 1990, chị Tuyết về nước với số vốn ít ỏi, tiết kiệm từ những đồng lương “thấp tè” của công nhân. Ban đầu chị tính chuyện mở xưởng dệt may, khôi phục lại làng nghề. Nghề dệt may ở Phùng Xá đã có cả trăm năm tuổi, nhưng ở thời điểm đó nó đã bị mai một rất nhiều, chỉ còn lại vài hộ làm nghề, với vài sản phẩm đơn điệu như khăn mặt, khăn tắm. “Nhờ được tu luyện 4 năm ở nước ngoài nên tay nghề tôi cũng khá vững, điều tôi nghĩ đầu tiên là vực lại làng nghề. Để làm được điều này, tôi phải thành lập xưởng, tuyển lao động. Nghĩ là làm và tôi bắt tay vào luôn” – chị Tuyết kể lại.
Một trong những khó khăn mà chị Tuyết gặp phải là dạy nghề và tìm đầu ra cho sản phẩm. Dạy nghề chị có thể đảm nhiệm được, nhưng đầu ra cho sản phẩm là cả một vấn đề. Gỡ được “nút” đầu tiên, chị tiếp tục tìm cách “gỡ nút” thứ hai. Chị Tuyết kể: “Lúc đầu tôi phải đi chào hàng khắp nơi, vừa chào hàng vừa tìm hiểu nhu cầu của khách hàng. Từ lúc chỉ làm một vài mẫu mã khăn lau, khăn tắm, đến nay tôi đã sản xuất ra hàng chục mẫu mã khác nhau, chất lượng cũng khác nhau để làm sao phục vụ được mọi đối tượng. Hiện khăn rẻ nhất 5.000 – 10.000 đồng/cái, nhưng cũng có loại khăn tắm vài trăm ngàn/cái. Từ năm 2010 đến nay, một số sản phẩm của tôi đã được xuất khẩu đi Ấn Độ, Indonesia…”.
“Tôi đang đầu tư làm nhà xưởng mới khoảng 2 tỷ đồng, dự kiến sẽ đặt 10 máy dệt, 10 máy may và tạo việc làm cho khoảng 30 lao động”.
Chị Nguyễn Thị Tuyết
Năm 2008 chị thành lập công ty, với diện tích nhà xưởng 200m2, gồm 8 máy dệt và 8 máy may, mỗi tháng làm ra khoảng 10.000 – 12.000 cái khăn các loại cung cấp cho thị trường trong nước và nước ngoài. Công ty tạo việc làm cho 20 lao động, với thu nhập từ 2,5 – 3,5 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu của công ty khoảng 2 tỷ đồng/năm...
Hỏi về kỷ niệm đáng nhớ trên thương trường, chị Tuyết nheo mắt, rồi mỉm cười bảo: “Đó là năm 2010, khi tôi bán một lô hàng hơn 30 triệu đồng cho một khách hàng, nhưng vì tin tưởng nên mình không nhận tiền đặt cọc mà vẫn giao hàng. Từ đó đến nay vẫn chưa đòi được, mà cũng chẳng biết họ ở đâu nữa mà đòi. Đúng là mỗi lần vấp là một lần bớt dại”.
Chị Tuyết bảo, hiện đầu ra của sản phẩm rất ổn định, nhưng do diện tích nhà xưởng hẹp, nên chị không nâng đầu máy lên được. Chị Tuyết cho biết, chị đang đầu tư làm nhà xưởng mới khoảng 2 tỷ đồng. Nhà xưởng đang trong giai đoạn hoàn thiện, dự kiến sẽ đặt khoảng lắp 10 máy dệt, 10 máy may và tạo việc làm cho khoảng 30 lao động.
Việt Tùng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.