Theo thông tin trên webside doanh nghiệp, công ty Cổ phần Du lịch Dầu khí Phương Đông (PTC) tiền thân là doanh nghiệp nhà nước được thành lập theo Quyết định số 2057 QĐ/UB ngày 26/12/1994 của UBND tỉnh Nghệ An có tên Khách sạn Phượng Hoàng, ngày 18/06/1996 được đổi tên thành Công ty Khách sạn Du lịch Phương Đông.
Ba lần đổi chủ
Ngày 4/2/2007 được sự phê duyệt của UBND tỉnh Nghệ An, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã tiếp nhận Công ty Khách sạn Du lịch Phương Đông về làm đơn vị thành viên và đổi tên thành Công ty Du lịch Dầu khí Phương Đông. Sau gần 1 năm, Công ty Du lịch Dầu khí Phương Đông tổ chức Đại hội đồng cổ đông thành lập và đổi tên thành Công ty Cổ phần Du lịch Dầu khí Phương Đông. Trong năm đầu tiên về tay Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), công ty ghi nhận lãi ròng trên 3 tỷ đồng.
Ngày 29/9/2009 cổ phiếu của công ty với mã chứng khoán PDC chính thức giao dịch tại Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) với mã chứng khoán PDC.
Tuy nhiên, ngay sau khi lên sàn, PDC gánh ngay khoản lỗ lên tới 60 tỷ đồng trong năm 2009. Chỉ vài tháng sau đó, PVN chuyển nhượng hơn 60% cổ phần của PDC cho Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí - PTSC (PVS). Đến tháng 8/2011, PTSC lại chuyển nhượng số cổ phiếu trên cho Ocean Hospitality và Ocean Bank.
Khách sạn Phương Đông thuộc PDC
Giữa năm 2015, sau những biến cố lớn tại Ocean Group, PDC lại một lần nữa đổi chủ. Lần này, cái tên thay thế Ocean Group trở thành cổ đông lớn tại PDC là gia đình "đại gia điếu cày" Lê Thanh Thản, ông chủ tập đoàn Mường Thanh.
Nhóm cổ đông Lê Thanh Thản nắm giữ khoảng 10,05 triệu cổ phiếu PDC, tương ứng 67% vốn điều lệ công ty. Theo ước tính, “đại gia điếu cày” đã chi khoảng 70 tỷ đồng để nắm quyền sở hữu PDC. Hiện tại, cả ông Lê Thanh Thản và bà Lê Thị Hoàng Yến đều là thành viên HĐQT của PDC.
Theo báo cáo tình hình quản trị của PDC, tính tới cuối năm 2018, "đại gia điếu cày" Lê Thanh Thản, Chủ tịch PDC nắm giữ 3 triệu cổ phiếu doanh nghiệp này, tương đương tỷ lệ vốn 20%. Trong khi đó, bà Lê Thị Hoàng Yến, con ông Thản nắm giữ gần 10% vốn tại PDC.
Về phần PDC, điểm nhấn đáng chú ý nhất của doanh nghiệp là việc sở hữu khách sạn Phương Đông, một trong những khách sạn hiện đại nhất nhì của tỉnh Nghệ An với tiêu chuẩn 4 sao, tọa lạc tại số 2 đường Trường Thi, Vinh.
PDC làm ăn ra sao?
Trong 2 năm đầu về tay Tập đoàn Mường Thanh, hoạt động kinh doanh PDC đã có những tín hiệu khởi sắc rõ rệt. Trong năm 2016, PDC đạt gần 5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng mạnh so với con số 783 triệu đồng năm trước đó. Đến năm 2017, lợi nhuận công ty tiếp tục tăng lên 6,4 tỷ đồng.
Đáng chú ý, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ từ mức 54 tỷ của năm 2016 nhanh chóng cán mốc 94 tỷ đồng sau 1 năm. Cùng với đó, tổng tài sản của doanh nghiệp cũng tăng mạnh từ 192 tỷ lên trên 310 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả của PDC tăng trên 3 lần sau 1 năm.
Bước sang năm 2018, kết quả công ty đi xuống rõ nét với doanh thu đạt 60 tỷ đồng, giảm 36% và lợi nhuận sau thuế chỉ còn vỏn vẹn hơn 100 triệu đồng, mức thấp nhất kể từ khi doanh nghiệp này lên sàn chứng khoán. Trong khi đó, tổng nợ tiếp tục tăng từ 161 tỷ lên 164 tỷ đồng năm 2018.
Theo giải trình từ công ty, doanh thu hoạt động sản xuất kinh doanh giảm mạnh do cơ sở vậ chất xuống cấp trầm trọng, công ty đang đầu tư sửa chữa. Ngoài ra, doanh thu BĐS giảm do dự án BĐS đã đi vào giai đoạn cuối của dự án, số căn hộ bán ra gần hết.
Mới đây PDC đã công bố báo cáo tài chính quý I/2019 với kết quả khả quan khi quý I/2019 lãi ròng trên 1,7 tỷ đồng, tương ứng tăng 10% quý I/2018. Nguyên nhân là do chi phí quản lý doanh nghiệp của công ty được siết chặt...
Trước đó, trong giai đoạn 2011 – 2015 (trước khi về tay "đại gia điếu cày" Lê Thanh Thản), công ty này đã có thời điểm đạt đỉnh lợi nhuận trên 7 tỷ đồng vào năm 2013. Tuy nhiên, sau 1 năm (2014), lợi nhuận sụt giảm hơn 1 nửa chỉ còn trên 3 tỷ và chỉ còn gần 800 triệu lãi ròng vào năm 2015.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu PDC hiện đang xoay quanh ngưỡng 5.500 đồng/cp, tương ứng định giá thị trường khoảng 80 tỷ đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.