Theo người dân địa phương, hương mật ong rừng U Minh dần trở thành hương thơm đặc trưng ít nơi nào có được. Cứ cuối năm là người thợ rừng lại tay xách dao, chân không “lủi” vào rừng gác kèo ong, nguồn lợi này kéo dài đến hết mùa khô, khoảng tháng 3 năm sau. Khoảng tháng 5 đến tháng 8, những thợ rừng lại tiếp tục công việc gác kèo. Tuy nhiên, mật ong mùa nước chất lượng không bằng mùa khô (70% mật và 30 % nước).
Những dụng cụ cần thiết để chuẩn bị cho chuyến “ăn ong”.
Ông Trần Văn Nhì, thợ rừng đã có 42 năm kinh nghiệm hành nghề gác kèo ong chia sẻ: “Từ đầu vụ đến giờ, tôi đã thu lai rai mật khoảng 60 lít. Từ đây đến gần Tết chắc thu hoạch thêm khoảng 100 lít nữa. Với khoảng 200 kèo ong, mỗi năm, tôi thu về khoảng 400 lít mật ong rừng. Mỗi lít mật bán cũng được hơn 400.000 đồng, thu khoảng 170 - 180 triệu đồng/năm”.
Thợ “ăn ong” đốt lửa, hun khói để xua đuổi ong ra khỏi tổ.
Gác kèo ong là nghề cha truyền con nối, theo kinh nghiệm và mỗi người có bí quyết riêng. Ngoài ra, chọn hướng gác cũng hết sức quan trọng, phải bảo đảm đủ ánh sáng… Và còn nhiều bí quyết khác nữa mà ông Nhì nhất định không nói. Ông bảo: “Ai cũng phải giữ miếng riêng cho mình chứ!”. Do đó, chúng tôi cũng không tiện hỏi.
…và cắt mật ong ra khỏi tổ.
Gác kèo xong, công đoạn tiếp theo là… đợi. Khoảng 20 ngày sau, người gác kèo mới trở lại kiểm tra xem ong có xuống kèo hay không. Nếu ong đã xuống phải đợi tiếp 20 ngày nữa mới có thể cắt lứa mật đầu tiên. Thông thường, một tổ ong có thể khai thác được 3 lần, cho tổng cộng bình quân trên 10 lít mật.
Nghề gác kèo ong lấy mật giúp nhiều người dân có thêm thu nhập.
Ông Nguyễn Văn Vững, Chủ nhiệm hợp tác xã 19/5 (huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) cho biết: “Ở đây vào mùa mưa, các xã viên “ăn ong” theo cách truyền thống. Còn mùa nắng thì phải tuân thủ quy định mà dự án khai thác ong rừng đề ra. Người gác kèo ong phải có áo bảo hộ, phải có bình khói để tránh lửa bén gây cháy rừng”.
Minh Tâm (Người Đưa Tin)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.