Chủ trương hạn chế nhập khẩu gạo của họ nhằm mục tiêu đẩy mạnh tiêu thụ gạo trong nước. Tuy nhiên, từ năm 2010 đến nay, Philippines vẫn tiếp tục nhập khẩu lượng gạo khá lớn của VN, bên cạnh các hợp đồng tập trung thì VN vẫn xuất gạo theo các hợp đồng thương mại cho phía bạn.
|
Ảnh: Internet |
Vậy nếu nước này dừng nhập khẩu gạo VN sẽ ảnh hưởng như thế nào tới xuất khẩu gạo của chúng ta, thưa bà?
- Chúng ta đã có dự liệu trước việc Philippines sẽ ngừng không nhập khẩu gạo từ VN nữa. Tất nhiên, chúng ta sẽ có khó khăn nếu họ không mua gạo của ta nữa. Nhưng chúng tôi sẽ có các biện pháp đối phó để việc xuất khẩu gạo của ta vẫn đạt mục tiêu đề ra và đảm bảo tiêu thụ hết lúa gạo cho nông dân, kể cả khi Philippines không còn mua gạo của VN theo hợp đồng tập trung lẫn thương mại.
Các biện pháp mà bà đề cập ở đây cụ thể là như thế nào?
- Từ khi được thông báo chủ trương này, chúng tôi đã thông báo tới các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của VN để các doanh nghiệp có chiến lược, kế hoạch, chủ động tìm kiếm thị trường xuất khẩu gạo mới thay thế. Có thể nói, thời điểm này, Philippines vẫn là thị trường nhập khẩu gạo quan trọng của VN nhưng không còn lớn như trước kia. Các doanh nghiệp đã xuất khẩu gạo sang các thị trường khác để giảm sự phụ thuộc vào thị trường này.
Hiện nay, chúng tôi vẫn đang phối hợp với Bộ NNPTNT, Hiệp hội Lương thực VN mở thị trường gạo cho VN sang Trung Đông, châu Phi, Trung Quốc. Chúng tôi cũng đang xúc tiến đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang Hongkong, Đài Loan và đưa gạo VN vào các thị trường khó tính như Nhật Bản, Liên minh châu Âu. Các doanh nghiệp VN cũng đã xác định lâu dài, gạo VN sẽ phải vươn lên cạnh tranh để ký các hợp đồng thương mại, đa dạng hóa thị trường.
Tôi cho hạt gạo VN sẽ đủ sức vượt qua những biến động của thị trường nếu các doanh nghiệp có chiến lược kinh doanh tốt và VN có các chương trình xúc tiến đẩy mạnh xuất khẩu gạo phù hợp với sự thay đổi của thị trường.
Xin cảm ơn bà!
Mai Hương (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.