Về vùng đất người chết ‟chạy quanh” vì không có nơi yên nghỉ

Chủ nhật, ngày 31/03/2013 06:29 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Câu chuyện tưởng như khó tin ấy đã tồn tại mấy chục năm nay và những người chết đều được gia đình “tùy nghi di tản”. Thậm chí, có gia đình còn chôn cất người thân ngay cạnh khu vực đang sinh sống...
Bình luận 0

Không chỉ riêng các thành phố lớn hiện nay, việc quy hoạch một nghĩa trang dành cho những người quá cố là rất khó khăn, bởi nguồn quỹ đất ít ỏi và đắt đỏ. Mà ngay đến một thôn như thôn Cây Đa của xã Thành Long, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang, nơi có khoảng trên 100 hộ dân sinh sống bên những cánh rừng bạt ngàn, cũng không thể tìm đâu ra một khu đất để chôn cất người chết.

Câu chuyện tưởng như khó tin ấy đã tồn tại mấy chục năm nay và những người chết đều được gia đình “tùy nghi di tản”. Thậm chí, có gia đình còn chôn cất người thân ngay cạnh khu vực đang sinh sống, vừa gây mất vệ sinh, vừa làm ảnh hưởng đến mỹ quan thôn xóm. Đau lòng nhất là có trường hợp phải gửi xác người chết về tận tỉnh khác để mai táng vì thôn không có nghĩa trang.

 img
Một góc thôn Cây Đa.

Loay hoay tìm nơi chôn cất

Cho đến tận bây giờ, người dân sống ở thôn Cây Đa và các thôn lân cận vẫn chưa quên được cái chết của em Lê Thị Thủy (SN 1993). Thủy là con nuôi của ông Lê Văn Quân và bà Lâm Thị Lỷ. Ngay từ lúc sinh ra đến khi lớn lên, Thủy chưa một lần biết mặt người sinh ra mình là ai. Tuy chỉ là con nuôi, song vì không có con nên ông bà Quân coi Thủy như con đẻ của mình.

Ông bà chăm bẵm Thủy từ bé, nuôi cho ăn học chỉ với mục đích là giúp em được bằng chúng bạn. Song do mải chơi, học hết cấp II trường xã, Thủy theo đám bạn bỏ học và lang thang nay đây mai đó, sớm lao vào con đường yêu đương khi chưa đến tuổi vị thành niên. Rồi trong những cuộc tình ấy, Thủy đã mắc phải căn bệnh thế kỷ khiến em nhanh chóng suy sụp.

Năm 2010, mới 17 tuổi, Thủy đã vĩnh viễn rời bỏ bố mẹ nuôi để về thế giới bên kia. Gia đình ông Quân tuy nghèo khó song cũng lo lắng đứng ra tổ chức tang lễ chu đáo. Có một điều đau lòng là với nhận thức hạn chế của người dân trong thôn nên đám tang của Thủy chỉ có vài người thân trong gia đình đưa tiễn. Bà con trong làng chẳng ai dám đến gần vì sợ bị lây nhiễm.

Điều đáng buồn hơn, dù ông Quân trực tiếp đến kể khó với những thôn có nghĩa trang khác của xã, nhờ họ nhượng bộ cho một chỗ chôn cất nhưng đến đâu ông cũng đều bị từ chối. Trong khi đó, thôn Cây Đa nơi gia đình ông sinh sống thì từ xưa đến nay chưa có nguồn quỹ đất để quy hoạch nghĩa trang riêng.

Ông Quân đành đưa xác con nuôi về đặt tại đám ruộng mà gia đình trước đây khai phá. Tất cả bà con trong thôn Cây Đa đều nhất loạt phản đối vì đám ruộng ấy thuộc khu vực rừng đầu nguồn, nếu chôn người chết ở đấy sẽ làm ảnh hưởng đến nguồn nước ăn và nước sinh hoạt cho hơn 100 hộ dân thôn Cây Đa.

Chẳng biết làm thế nào, gia đình ông Quân đành mang cả cỗ quan tài của con ra đặt giữa đường quốc lộ. Đây là sự việc chưa có tiền lệ khiến ông Chu Hoài Thông, Bí thư chi bộ thôn, phải gọi điện lên "cầu cứu" UBND huyện. Bà Lê Thị Thủy, lúc đó đang là phó chủ tịch huyện, phải trực tiếp xuống giải quyết thì xác của em Thủy mới được đưa về chôn cất tại nghĩa trang thị trấn.

 img
Bà Hành bên ngôi mộ chồng gần giường ngủ.

Cách đây chưa lâu, em Phạm Văn Dũng chẳng may bị chết do tai nạn giao thông khi mới 19 tuổi. Gia đình định chôn cất em ngay tại khu đất sau nhà. Song đây lại là đất ở trên đồi cao, toàn đá tai mèo nên không thể nào đào được huyệt mộ.

Ông Phạm Xuân Hùng, bố đẻ của Dũng, cũng nhờ chi bộ, các đoàn thể trong thôn Cây Đa liên hệ đến những nghĩa trang gần đấy để chôn cất đứa con xấu số của mình. Đến khi không thể tìm đâu ra nơi chôn cất, gia đình ông Hùng quyết định thuê ô tô mang xác đứa con trai về tận quê nội ở tỉnh Vĩnh Phúc chôn cất.

Bà Hoàng Thị Hành, dân tộc Cao Lan, 65 tuổi, rơm rớm nước mắt kể với chúng tôi câu chuyện của gia đình bà. Tuy bà sinh sống và có hộ khẩu tại thôn Cây Sui, nhưng do cuộc sống khó khăn, ông bà và cậu con trai thứ tư phải cất công khai phá ruộng đất thuộc khu vực thôn Cây Đa quản lý. Tại khu đất mới, ông bà cất tạm một căn nhà nhỏ, lấy chỗ chui ra, chui vào và nhất là tiện cho công việc canh tác, trồng cấy.

Năm 2008, chồng bà mất, gia đình về lại thôn Cây Sui liên hệ nơi chôn cất vì ở đây đã quy hoạch được nghĩa trang, song đều bị mọi người phản đối. Đồng bào dân tộc Cao Lan quan niệm, những người trong thôn chẳng may bị chết không trên đất làng thì không được đưa xác về mai táng. Bà Hành đành mang xác chồng mình về làm ma và chôn ngay cạnh nhà. Ngôi mộ ấy chỉ cách giường ngủ của bà 13m và cách giếng ăn chưa đầy 20m. Bà bảo: “Không chôn ở đấy thì chôn ở đâu? Biết là mất vệ sinh đấy, nhưng chẳng còn cách nào khác cả”.

Hy vọng gian truân

Nghèo nên chưa thể có nghĩa trang

“Chúng tôi cũng đã tiến hành họp bàn với tất cả số hộ gia đình trong thôn về vấn đề quy hoạch nghĩa trang để khắc phục tình trạng chôn cất người chết không đảm bảo vệ sinh và ảnh hưởng đến mỹ quan của khu dân cư. Trong các cuộc họp ấy, hầu hết bà con đều thống nhất đưa nghĩa trang mới vào quy hoạch tại khu vực lô 8. Trước mắt, chúng tôi bàn mua lại đất của dân. Toàn bộ số ruộng này đều là chân ruộng 1 vụ lúa, chưa chính chủ, khó canh tác vì thiếu nước, nhiều năm nay những chân ruộng này đều bị bỏ hoang. Làm việc với những gia đình trực tiếp khai phá khu ruộng này, chúng tôi thống nhất là mua lại với giá 30 triệu đồng. Chi bộ cùng các đoàn thể và những người có uy tín trong thôn nghiên cứu, nếu bỏ ra số tiền ấy, cộng với tiền san ủi mặt bằng hết khoảng 20 triệu đồng nữa thì chúng tôi sẽ có được một nghĩa trang rộng 1ha. Nhưng nhiều năm nay, vấn đề quy hoạch nghĩa trang vẫn chưa thể thực hiện được do điều kiện bà con ở đây còn nghèo” - ông Chu Hoài Thông chia sẻ.

Làm việc với chúng tôi, ông Chu Hoài Thông cho biết thôn Cây Đa toàn dân tứ xứ về sinh sống. Vào những năm 1966 của thế kỷ trước, Cây Đa mới chỉ có 4 hộ đến ở. Với sức ép về dân số, đến nay toàn thôn đã phát triển lên tới 134 hộ, 511 nhân khẩu, trong đó chủ yếu là người dân tộc Kinh và dân tộc Cao Lan. Tuy số nhân khẩu và số hộ tăng lên đáng kể, trở thành thôn có số dân đông nhất trên địa bàn xã Thành Long, song cuộc sống của bà con nơi đây vẫn còn rất khó khăn.

Toàn bộ trên 100 hộ dân đều bám dọc tuyến quốc lộ 2 với chiều dài đúng 2km để sinh sống. Tiếng là dân miền núi, đất rừng bạt ngàn, ấy vậy mà dân Cây Đa được coi là khu vực phi nông nghiệp. Với diện tích đất tự nhiên tương đối phong phú, cứ ngỡ rằng, người dân trong thôn sẽ sống và làm giàu từ quỹ đất này. Nhưng thực tế, đất lâm nghiệp không có, đất trồng lúa của cả thôn chia bình quân đầu người mới đạt 50m2. Chính vì khó khăn về đất sản xuất, việc buôn bán nhỏ cũng chưa thực sự phát triển nên đến nay Cây Đa còn tới 28 hộ nghèo.

“Cả thôn chúng tôi hầu như không có đất canh tác cây nông nghiệp, bà con sống dựa vào việc trồng cây công nghiệp chè và buôn bán nhỏ. Sau mấy chục năm vỡ đất lập làng, Cây Đa giờ có 28ha chè, song số diện tích này đều là đất xâm canh của Công ty Lâm nghiệp Tân Phong”.

Qua tìm hiểu được biết, Công ty Lâm nghiệp Tân Phong có trụ sở đóng tại xã Đức Ninh nhưng lại quản lý một số lượng lớn đất lâm nghiệp của các xã: Đức Ninh, Hùng Đức, Thái Sơn và Thành Long. Riêng với thôn Cây Đa, rừng của công ty mọc vào tận từng góc vườn của nhiều hộ gia đình. Mặc dù sống với rừng, người dân Cây Đa lại chẳng được sở hữu số diện tích đất lâm nghiệp này nên diện tích xâm canh của công ty lâm nghiệp đem chia bình quân đầu người cũng chẳng đáng là bao.

Đất sản xuất đã vậy nói gì đến nguồn quỹ đất khác để mà quy hoạch khu vực nghĩa trang. Đã mấy chục năm qua, gia đình có người chết đều “tùy nghi di tản”, hầu hết chôn cất trong khu vực đất vườn nhà.

Bí thư chi bộ Chu Hoài Thông bảo lãnh đạo thôn những năm trước cũng đã từng có ý định quy hoạch nghĩa trang tại khu đất giáp ranh giữa thôn Cây Đa với thôn Khởn của xã Thái Sơn. Sau khi họp với từng hộ gia đình, mọi người đều cho đấy là giải pháp thiết thực nhất. Khi mang ý nguyện của đông đảo bà con ở Cây Đa xuống làm việc với Công ty Lâm nghiệp Tân Phong thì lãnh đạo đơn vị này không nhất trí mà hứa là khi nào đến thời gian khai thác, sẽ nhường đất để bà con quy hoạch nghĩa trang.

 img
Ông Thông (trái) đang chia sẻ những khó khăn trong quy hoạch nghĩa trang thôn.

Năm 2008, Công ty Lâm nghiệp Tân Phong tiến hành khai thác số diện tích cây lâm nghiệp trên địa bàn thôn Cây Đa, bà con trong thôn phấn khởi vì nghĩ rằng, ý nguyện xây dựng nghĩa trang dành cho những người chết sẽ được công ty thực hiện như đã hứa.

Niềm vui vì sắp có nguồn quỹ đất để quy hoạch nghĩa trang của hơn 100 hộ dân chưa kịp thực hiện thì đúng năm ấy, chủ trương giao đất, giao rừng bắt đầu diễn ra quyết liệt nên số diện tích đất mà Công ty Lâm nghiệp Tân Phong quản lý đều được giao khoán đến người dân và số công nhân trong đội sản xuất đóng tại địa bàn thôn Cây Đa.

Vậy là ý định quy hoạch nghĩa trang từ đây sẽ khó thực hiện được, bởi một khi đất đã được giao cho từng gia đình quản lý trong điều kiện “tấc đất, tấc vàng” thì không lý gì mà người ta sẵn sàng bỏ đất của mình ra phục vụ mục đích chung của làng xã.

Tiếp tục đợi chờ

Khi được hỏi tại sao không huy động bà con trong thôn đóng góp tiền để mua đất quy hoạch nghĩa trang, ông Chu Hoài Thông bảo hầu hết dân ở đây đều nghèo thì lấy đâu ra tiền mà mua. Đất bây giờ chỗ nào cũng có giá vài chục đến cả trăm triệu đồng.

Nhớ lại lần khăn gói đi xin đất, ông Thông tâm sự: “Chúng tôi xin đất của Công ty Lâm nghiệp Tân Phong lúc ấy chỉ bằng miệng thôi chứ chẳng có văn bản nào cả. Nghĩ cũng dại, nếu làm cái văn bản thì chắc là giờ đây bà con trong thôn cũng đã có nghĩa trang rồi”.

Như vậy, sự chờ đợi có một khu đất để quy hoạch nghĩa trang của bà con thôn Cây Đa sẽ còn lâu dài, chưa biết đến bao giờ. Trong khi đó, với những gia đình có người chết thì lại càng thêm lo vì rất khó tìm được một khu đất để chôn cất người quá cố.

Hiện nay, hầu hết gia đình có người chết đều chôn ở khu vực đất của gia đình, thậm chí ngay sát khu vực ở và sinh hoạt. Điều này vừa gây mất vệ sinh, là mầm mống phát triển dịch bệnh, vừa không đảm bảo các yếu tố của môi trường sống và mỹ quan cho khu vực dân cư.

Thực tế khó khăn trong việc quy hoạch nghĩa trang dành cho người chết của bà con thôn Cây Đa đang rất cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương, đặc biệt là phía Công ty Lâm nghiệp Tân Phong.

Theo chúng tôi được biết, hiện số đất lâm nghiệp do công ty trực tiếp quản lý trên địa bàn thôn Cây Đa, nhất là số đất thuộc khu vực giáp ranh với các thôn khác, vẫn đang được công ty dùng vào việc trồng rừng sản xuất. Nếu công ty nhượng lại một số diện tích đất rừng thì sẽ giúp hơn 100 hộ dân nơi đây khắc phục được tình trạng người chết không có nơi để yên nghỉ ngàn thu.

Theo Dòng Đời

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem