Từ cuối thế kỷ 18, sau khi chinh phục được Australia, thực dân Anh bắt đầu dòm ngó vùng đất New Zealand bằng cách thiết lập ở đây các trạm săn cá voi. Đến thập niên 1930, người Anh trở thành lực lượng châu Âu thống trị quần đảo này và bắt đầu kiểm soát đất đai, lãnh thổ, dẫn đến tình trạng đối đầu trực tiếp với thổ dân Maori bản địa, theo NZHistory.
Sau nhiều năm đàm phán, đến năm 1840, người Anh và các thủ lĩnh bộ tộc Maori ký Hiệp ước Waitingi, văn kiện được cho là nền tảng của đất nước New Zealand ngày nay. Thế nhưng những điều khoản được ký trong hiệp ước lại là chủ đề gây tranh cãi giữa hai bên trong suốt nhiều năm tiếp theo.
Người Anh cho rằng hiệp ước này cho phép họ chiếm đóng, định cư trên những vùng đất mênh mông bên ngoài làng mạc của người Maori và bất cứ khu vực hoang vu nào. Nhưng người Maori lại tin rằng hiệp ước chỉ trao cho người Anh một số quyền hạn nhất định, còn họ vẫn là ông chủ của những vùng đất vốn là nơi săn bắn nuôi sống mình.
Xung đột
Một năm sau, chính quyền thuộc địa Anh ở Auckland đặt ra các khoản thuế má cho hàng hóa xuất nhập khẩu, khiến số lượng thuyền buôn ghé cảng giao dịch với người Maori sụt giảm thê thảm. Hành động này của người Anh vấp phải sự phản ứng dữ dội của các bộ tộc Maori ở Vịnh Các hòn đảo, dưới sự dẫn dắt của thủ lĩnh Hone Heke.
Sau làn sóng di cư ồ ạt của người Anh, vùng đất Kororareka thanh bình ở Vịnh Các hòn đảo của người Maori trở thành một thị trấn đầy rẫy tệ nạn với các nhà thổ mọc lên như nấm sau mưa, các quán rượu và sòng bạc xuất hiện dày đặc với những bợm rượu suốt ngày đánh lộn. Người Anh cũng cho dựng lên trong thị trấn này một cột cờ lớn và treo cờ Liên hiệp Anh như một biểu tượng chủ quyền.
Giọt nước tràn ly là một sự cố xảy ra vào tháng 7/1844, khi Heke dẫn người của mình vào thị trấn Kororareka để đòi lại một nữ nô lệ chạy trốn. Nữ nô này đang sống cùng một người Anh, và từ chối trở về với Heke, lăng mạ ông là "con lợn chết". Thủ lĩnh bộ tộc này đòi người Anh phải trừng phạt nữ nô vì sự xúc phạm đó, nhưng không được đáp ứng. Quá tức giận, ngày 8/7, người của Heke đã tràn xuống thị trấn, đốn hạ cột cờ Liên hiệp Anh. Dù không ai thiệt mạng sau sự cố này, đó rõ ràng là một hành động thách thức người Anh.
Chính quyền thị trấn lập tức gọi chi viện. Toàn quyền Charles Augustus Fitzroy chỉ huy ba tàu chiến cùng 200 lính thuộc Trung đoàn 99 lên đường tới Kororareka để giải quyết tình hình. Fitzroy gặp gỡ các thủ lĩnh bộ tộc Maori để đàm phán, chấp nhận giảm bớt thuế má, nhưng cũng yêu cầu họ kiềm chế Heke và đảm bảo an toàn cho người Anh.
Trước màn thị uy của người Anh, Heke dù không tham dự cuộc đàm phán vẫn phải chấp nhận viết thư xin lỗi vì đã chặt cột cờ, xin được dựng lên một cột cờ mới. Fitzroy hài lòng chấp thuận và rút lực lượng về Auckland. Thế nhưng Heke vẫn không nguôi giận, quyết định sẽ đốn hạ cột cờ một lần nữa.
Ngày 10/1/1845, Heke dẫn đầu các chiến binh kéo xuống thị trấn Kororareka, và đích thân chặt đổ cột cờ Anh. Người Anh tức tối cử một trung đội gồm một sĩ quan và 30 lính thuộc Trung đoàn 96 tới đây dựng lại cột cờ và gia cố thêm bằng các đai sắt, đồng thời xây dựng một trạm gác ngay cạnh cột cờ. Thế nhưng ngay sáng hôm sau, họ ngỡ ngàng nhận ra rằng cột cờ này đã bị đốn hạ lần thứ ba. Toàn quyền Fitzroy lập tức cử quân tăng viện đến để bảo vệ cột cờ này.
Lực lượng tăng viện làm việc cật lực để xây dựng một tòa nhà kiên cố bên cạnh làm chốt bảo vệ cho toán lính canh 20 người, trong đó có các chiến binh người Maori thân Anh. Sau đó họ mua chiếc cột buồm của một thuyền buôn trong cảng và dựng lên cột cờ thứ 4. Một lực lượng hùng hậu gồm 200 lính được huy động để bảo vệ cột cờ mới này, dưới sự yểm trợ của tàu chiến HMS Hazard neo đậu gần đó.
Ở Anh, Hạ viện đã quyết định rằng Heke và các chiến binh của ông ta không được quyền đốn hạ cột cờ và phải ở yên trong lãnh thổ của họ, bởi vậy hành động của vị thủ lĩnh này cần phải bị trừng phạt. Khi các nhà truyền giáo thông báo điều này với Heke, ông không hề tỏ ra quan tâm và tiếp tục vạch ra một kế hoạch khác, châm ngòi cho Cuộc chiến Cột cờ kéo dài trong hai năm.
Giao chiến
Ngày 11/3/1845, khoảng 600 chiến binh Maori trang bị súng trường, súng hai nòng và rìu tấn công vào thị trấn Kororareka. Các chiến binh của Hone Heke tấn công trạm gác, giết sạch lính canh và đốn hạ cột cờ này lần thứ 4. Sau đó họ đốt phá gần như toàn bộ nhà cửa trong thị trấn, buộc người Anh phải hốt hoảng sơ tán xuống tàu HMS Hazard và rút về Auckland, để lại Kororareka cho người Maori.
Nửa tháng sau, một lực lượng hùng hậu của Anh gồm hai trung đoàn lục quân, một trung đoàn thủy quân lục chiến cùng nhiều tàu chiến trang bị đại bác dưới sự chỉ huy của trung tá William Hulme quay lại Vịnh Các hòn đảo và bắt đầu bắn phá các làng mạc của thổ dân Maori.
Sau khi san bằng một số làng mạc ven biển, lực lượng của Hulme tấn công thành lũy của Heke ở Puketutu, gần hồ Omapere. Thế nhưng các khẩu đại bác của họ hầu hết đều bắn trượt mục tiêu, còn chiến binh của Heke nấp trong chiến lũy chống trả kiên cường. Khi Hulme điều quân đổ bộ tấn công vào chiến lũy, quân Anh bị đánh tơi bời, khiến 13 người chết và 39 người bị thương.
Trong 10 tháng tiếp theo, quân Anh nhiều lần đột kích vào các chiến lũy của thổ dân Maori nhưng đều không thành công, khiến họ hứng chịu thêm nhiều thương vong. Trong một trận giao tranh, Heke bị thương, nhưng một thủ lĩnh khác vẫn tiếp tục dẫn dắt cuộc chiến của người Maori trong những chiến lũy ngày càng được củng cố vững chắc hơn để chống lại đạn đại bác.
Đến đầu năm 1846, sau hai tuần vây hãm không thành công, toàn quyền mới George Grey của Anh đồng ý thỏa thuận hòa bình với Heke, chấm dứt các cuộc giao tranh đẫm máu. Quân Anh mất 82 lính, 164 người bị thương, trong khi thổ dân Maori chỉ mất 60 chiến binh, 80 người bị thương.
Có vẻ như thủ lĩnh Heke đã giành chiến thắng trong Cuộc chiến Cột cờ. Dù người Anh vẫn kiểm soát phần lớn lãnh thổ New Zealand, họ đã không dám dựng thêm một cột cờ nào nữa ở thị trấn Kororareka suốt 12 năm sau đó, và những người dựng lại cột cờ này vào năm 1858 lại là các chiến binh của Heke từng tham gia trận chiến.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.