Vị đạo diễn thế chấp nhà để làm phim lịch sử

Chủ nhật, ngày 06/03/2016 13:49 PM (GMT+7)
Khi bắt tay vào làm bộ phim thứ 2 mang tên “Triều đại Tây Sơn- Nguyễn Huệ”, đạo diễn Nguyễn Đức Long đã phải thế chấp căn nhà đang ở để có kinh phí làm phim.
Bình luận 0

Khi gặp nhiều đứa trẻ có thể đọc vanh vách những nhân vật lịch sử của Trung Quốc như Khổng Minh, Càn Long hay kể rành rẽ trận chiến Xích Bích, tôi cảm thấy rất buồn. Tại sao sử Việt với 4.000 năm giữ nước oai hùng như thế mà trẻ em của chúng ta lại không biết? Tôi quyết định làm phim lịch sử cũng vì thế”, đạo diễn Nguyễn Đức Long chia sẻ.

Bỏ nghề kỹ sư xây dựng để làm phim

Nói đến Nguyễn Đức Long, giới làm phim Sài Gòn ai cũng biết đến bởi trong giới làm phim, ít ai lại đến với nghề điện ảnh khá kỳ cục như Long. Là dân Quảng Nam, học nghề xây dựng nhưng lại đam mê cải lương. Khi đang là kỹ sư xây dựng, chỉ từ tự học ca cải lương, Long đã đi hát cải lương để kiếm thêm, đã từng có mặt trong nhiều chương trình cải lương ở các sân khấu Sài Gòn và thậm chí Long còn được lên tivi mấy lần trong các show diễn cải lương. Nhờ đi hát, Long đã quen khá nhiều văn nghệ sỹ để rồi quay qua nghiện…. điện ảnh, dám bỏ hẳn tấm bằng kỹ sư xây dựng để đi theo sự đam mê của mình.

img

Đạo diễn Nguyễn Đức Long.

Có gương mặt khá góc cạnh, lại thêm vẻ ngoài bặm trợn nên Long thường được đạo diễn giao vào những nhân vật phản diện. Long kể, trong mấy năm làm diễn viên, anh đã tham gia khoảng 30 bộ phim truyền hình và nhiều phim cũng được khán giả biết tới như Huế mùa mai đỏ, Chỉ có một con đường, Cây nước mắt, Biển tình, Bình Tây Đại nguyên soái…

Nhưng khi đang khá thành công với nghề diễn viên, đột nhiên Long lại bỏ ngang, đi học làm đạo diễn. Lý giải về chuyện này, Long bảo: “Khi theo nghề diễn viên, tôi mới thấy kiến thức điện ảnh của mình còn thiếu nhiều lắm. Nếu cứ cắm đầu vào làm diễn viên với lỗ hổng kiến thức như thế, có thể mãi mãi chỉ là một diễn viên bình thường. Tôi muốn làm những gì khác đi”.

“Cái khác đi” của Long là trong những năm học đạo diễn, Long đã được tìm hiểu sâu về điện ảnh và anh phát hiện ra khoảng trống khá lớn của điện ảnh Việt Nam: Đó là sự thiếu hụt những bộ phim lịch sử. Long bảo nhiều nhà làm phim chỉ chăm chăm đến các vấn đề đương đại mà quên đi lịch sử. Lịch sử Việt với 4.000 năm dựng nước và giữ nước đầy oai hùng và bi tráng, có thừa tư liệu để các nhà làm phim khai thác. Và Long chia sẻ: “ Lịch sử Việt sẽ là mảnh đất màu mỡ nếu biết khai thác”.

Giấc mơ phim lịch sử

Năm 2013, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành đạo diễn điện ảnh, Long đã từ chối lời mời của nhiều hãng phim, nhiều nhà sản xuất phim có tên tuổi để tự mở hãng phim Việt Long với mục đích: Làm phim tư liệu lịch sử. Bộ phim đầu tay mà Long làm đạo diễn là “Ký sự đường Trường Sơn huyền thoại thời hoà bình”. 

img

Với 20 tập phim, Long đã làm bộ phim tư liệu lịch theo một cách rất riêng. Nhân vật trong phim của anh không phải là những nhân vật lịch sử mà là 10 đoàn viên thanh niên ở 10 tỉnh thành khác nhau. Anh tổ chức chuyến đi dọc theo đường Trường Sơn cho các em đi cùng để các em có thể tận mắt chứng kiến các di tích lịch sử và chứng tích chiến tranh như ngã ba Đồng Lộc, sân bay Tà Cơn, nhà lao Pleiku, nhà ngục Kon Tum, nhà tù Buôn Ma Thuột, khu căn cứ Tà Thiết… 

Hơn 100 ngày rong ruổi qua 20 tỉnh thành có con đường Trường Sơn đi qua, 20 tập của bộ phim đã hoàn thành. Long cho biết, bộ phim đầu tay của Long đã đem lại thành công khá lớn khi được nhiều đài truyền hình chọn phát trong dịp kỷ niệm 40 năm Thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2015). Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã lựa chọn hãng phim Việt Long để trao kỷ lục: “Bộ phim ký sự đầu tiên do một hãng phim tư nhân  thực hiện”.

Thế chấp nhà để làm phim

Nhưng đó chỉ là thành công về mặt danh tiếng. Còn về tài chính, đạo diễn Đức Long cho biết, làm xong bộ phim “Ký sự đường Trường Sơn huyền thoại thời hoà bình”, anh đã lỗ hơn 600 triệu. Do đó, khi bắt tay vào làm bộ phim thứ 2 mang tên “Triều đại Tây Sơn- Nguyễn Huệ”, anh đã phải thế chấp căn nhà đang ở để có kinh phí làm phim. Long bảo: “Ai cũng bảo tôi liều mạng khi thế chấp nhà để làm phim vì khả năng mất nhà là khá cao. Nhưng tôi không nghĩ thế vì mọi thứ đều nằm trong dự tính của tôi.

Một bộ phim tư liệu dài vài chục tập, kinh phí lên cả tỷ đồng là bình thường. Khi đã đam mê thì chuyện tiền bạc không nên tính tới. Hơn nữa triều đại Tây Sơn và anh hùng Quang Trung thực sự là một trang sử vẻ vang của dân tộc nên rất xứng đáng để đầu tư. Tôi đã mất hơn một năm để hoàn thành kịch bản và quay. Nói chung khó khăn cũng không thua gì Đường Trường Sơn huyền thời hòa bình”…. Mất hơn 1 năm trời thực hiện, bộ phim tư liệu lịch sử “Triều đại Tây Sơn- Nguyễn Huệ” với 18 tập đã ra mắt vào cuối năm 2015. “Tôi sẽ làm tiếp những bộ phim tiếp theo. Hiện tôi đang xây dựng ý tưởng cho bộ phim về Trần Hưng Đạo, sau đó sẽ là Lê Lợi rồi Đinh Bộ Lĩnh. Chúng tôi còn rất nhiều nhân vật cần khai thác”- Đức Long cho biết thêm.

Với kinh phí cho bộ phim “Triều đại Tây Sơn- Nguyễn Huệ” lên tới 1,1 tỷ, theo Đức Long, bộ phim sẽ tiếp tục bị…lỗ vì kinh phí bán phim cho các đài truyền hình rất thấp. Hỏi Long vì sao biết lỗ mà vẫn cứ làm thì Long cười: “Hiện giờ tôi vẫn coi làm phim tư liệu lịch sử là một sự đam mê của tôi. Có người thích chơi đồ cổ, có người thích chơi xe, thú chơi nào mà chẳng tốn tiền. Tôi làm phim theo sự đam mê thì phải chấp nhận điều đó.

img

Nhưng không có nghĩa là tôi sẽ mất nhà vì làm phim bởi hiện nay tôi vẫn làm những công việc tay trái như làm phim quảng cáo, làm casting cho phim truyện hay viết kịch bản để bán. Tuy là nghề tay trái nhưng nó giúp cho tôi có tiền để theo được với đam mê của mình. Điều tôi mong muốn nhất là đóng góp một chút công sức nhỏ bé của mình vào sự nghiệp phát triển phim ảnh của nước nhà nói chung và thể loại phim lịch sử nói riêng. Vì tôi nghĩ ngoài thị trường phim giải trí, cần phải có những bộ lịch sử cho công chúng xem”.  

GS- TS Võ Văn Sen - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TP.HCM đánh giá về bộ phim “Triều đại Tây Sơn- Nguyễn Huệ”: “Trong lúc giới trẻ đang thiếu nhiều kiến thức về lịch sử nước nhà, bộ phim này ra đời rất đáng khích lệ. Tôi rất mong bộ phim này được công chiếu rộng rãi trong hệ thống nhà trường để các em HS-SV được xem, được hiểu biết rõ hơn về vị anh hùng áo vải của dân tộc”. 

Trọng Thịnh (Tiền Phong)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem