Vì sao 143 hộ ở Hà Đông (Hà Nội) chưa nhận tiền đền bù dự án Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa?
Vì sao 143 hộ ở Hà Đông (Hà Nội) chưa nhận tiền đền bù dự án Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa?
Quang Trung
Thứ tư, ngày 22/05/2024 15:18 PM (GMT+7)
UBND quận Hà Đông vừa tổ chức Hội nghị tiếp xúc trực tiếp giữa Chủ tịch UBND quận với các hộ gia đình có đất bị thu hồi để thực hiện dự án Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa trên địa bàn phường Quang Trung.
Theo Cổng giao tiếp điện tử TP Hà Nội, tại hội nghị, Chủ tịch UBND quận Hà Đông Cấn Thị Việt Hà tiếp xúc với 126 hộ dân có đất diện thu hồi để thực hiện dự án trên nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đề xuất của các hộ dân. Từ đó tháo gỡ vướng mắc trong giải phóng mặt bằng để tiếp tục thực hiện dự án Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa.
Dự án Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa là một trong những công trình trọng điểm của thành phố với tổng diện tích cần giải phóng mặt bằng là 30,7ha; diện tích sau khi rà soát cần giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án là 29,15ha, thuộc địa bàn 6 phường: Vạn Phúc, Yết Kiêu, Quang Trung, Hà Cầu, La Khê, Dương Nội (quận Hà Đông).
Theo báo cáo, hiện nay, diện tích cần giải phóng mặt bằng là 0,61ha đất của 201 hộ gia đình, cá nhân, trong đó, địa bàn phường Quang Trung còn 143 hộ chưa nhận tiền và bàn giao mặt bằng.
Nguyên nhân là do đại đa số trường hợp có đất diện thu hồi không có giấy tờ về quyền sử dụng đất, quá trình sử dụng, các hộ tự ý lấn chiếm, sử dụng đất hành lang kênh La Khê, thời gian sử dụng đất kéo dài nhiều năm qua các thời kỳ.
Trong quá trình sử dụng các hộ tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tự ý chuyển nhượng không đúng quy định (giấy tờ viết tay, không được chính quyền xác nhận việc sử dụng đất, tài sản trên đất).
Do đó, cơ quan chức năng cần nhiều thời gian thu thập hồ sơ, tài liệu, xác minh làm rõ nguồn gốc, quá trình sử dụng đất, thời điểm hình thành tài sản trên đất.
Bên cạnh đó, một số trường hợp sử dụng đất giao trái thẩm quyền nhưng không có tài liệu chứng minh diện tích đất, nhà, loại đất, thời điểm được giao; việc thu tiền sử dụng đất thời gian đã quá lâu, các hộ không lưu giữ được các giấy tờ chứng minh việc thực hiện nghĩa vụ tài chính trong quá trình sử dụng đất.
Nhiều trường hợp hộ gia đình ăn ở tại địa chỉ phải giải phóng mặt bằng nhưng hộ khẩu thường trú, tạm trú tại nơi khác (ngoài địa bàn quận Hà Đông), do đó khó khăn trong việc xác nhận tình trạng nhà, đất ở.
Về việc này, UBND quận Hà Đông nhận được nhiều đơn kiến nghị, khiếu nại của công dân về chính sách bồi thường, hỗ trợ của dự án. Nội dung đơn của các hộ không nhất trí với quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ...
Tại hội nghị, nhiều hộ dân phường Quang Trung đề nghị UBND quận Hà Đông xem xét lại nguồn gốc đất (khi đã ăn ở ổn định lâu dài hơn 30 năm, không có tranh chấp) để bảo đảm cho công tác bồi thường, hỗ trợ cho người dân, xem xét việc hỗ trợ tài sản trên đất, xem xét việc được mua tái định cư bằng đất tại phường Yên Nghĩa, giải quyết chế độ, chính sách cho gia đình người có công…
Tiếp thu ý kiến của các hộ dân, Chủ tịch UBND quận Hà Đông Cấn Thị Việt Hà khẳng định, UBND quận đã thực hiện công tác GPMB theo đúng quy định. Hiện tại, quận tiếp tục lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các hộ dân để tháo gỡ, giải quyết theo thẩm quyền. Những vấn đề vượt thẩm quyền, quận sẽ báo cáo UBND thành phố xem xét.
Chủ tịch UBND quận Hà Đông chỉ đạo, sau hội nghị này, UBND phường Quang Trung tiếp nhận toàn bộ giấy tờ, hồ sơ các hộ gia đình cung cấp chứng minh nguồn gốc đất để Ban Quản lý dự án của quận tổng hợp, tham mưu, đề xuất các giải pháp.
Quan điểm của UBND quận Hà Đông là xem xét thấu đáo hồ sơ, nguồn gốc đất trên cơ sở quy định; nếu diện tích đất của các hộ dân đủ điều kiện như kiến nghị, khiếu nại, UBND Quận sẽ báo cáo, xin điều chỉnh phương án hỗ trợ, bồi thường Sau hội nghị này, bảo đảm quyền lợi cho người dân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.