Vì sao 2 tập đoàn lớn chọn Tây Nguyên làm "đất vàng", xây dựng các khu nuôi heo, gà "khủng"?

Thiên Hương Thứ sáu, ngày 19/02/2021 19:05 PM (GMT+7)
Tây Nguyên có tiềm năng đất đai rộng lớn, thưa dân cư, khí hậu ôn hòa,.. đây chính là lí do 2 tập đoàn lớn Hùng Nhơn (TP.HCM) và De Heus (Hà Lan) lựa chọn để xây dựng các khu chăn nuôi heo "khủng", tiến tới xây dựng các vùng chăn nuôi tập trung đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Bình luận 0

Với diện tích tự nhiên trên 5,46 triệu ha, chiếm 16,8% diện tích cả nước, 5 tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông và Lâm Đồng) có tiềm năng lớn trong phát triển chăn nuôi lợn, trâu, bò, dê… Đặc biệt khu vực này thưa dân cư, đất đai rộng lớn. Đây chính là lí do 2 tập đoàn lớn Hùng Nhơn (TP.HCM) và De Heus (Hà Lan) lựa chọn để xây dựng các khu chăn nuôi heo "khủng", tiến tới xây dựng các vùng chăn nuôi tập trung đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Vì sao 2 tập đoàn lớn chọn Tây Nguyên làm "đất vàng", xây dựng các khu nuôi heo, gà "khủng"? - Ảnh 1.

Tổ hợp khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Đăk Lăk nhìn từ trên cao. Ảnh: De Heus

Trong khi các vùng chăn nuôi lớn như Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Hồng đang gặp khó khăn vì diện tích đất đai nhỏ hẹp, xen kẽ trong khu dân cư thì khu vực Tây Nguyên lại đáp ứng được nhiều tiêu chí để phát triển chăn nuôi gia súc tập trung, quy mô công nghiệp gắn với an toàn dịch bệnh, xa khu dân cư.

Nhận thấy được những thuận lợi đó, năm 2019, 2 doanh nghiệp chăn nuôi lớn là Tập đoàn De Heus (Hà Lan) và Tập đoàn Hùng Nhơn (TP.HCM) đã bắt tay triển khai 2 dự án chăn nuôi quy mô lớn tại tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai.

Trong đó, tại Đắk Lắk, hồi tháng 9/2020, 2 doanh nghiệp này đã chính thức khởi công xây dựng "Tổ hợp khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Đăk Lăk".

Dự án đặt tại xã Ea M'Droh (huyện Cư M'Gar), với tổng vốn cả giai đoạn 2019 - 2025 là 66 triệu USD (khoảng 1.500 tỷ đồng) trên diện tích gần 200ha. Đây được xem là dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có nguồn vốn đầu tư lớn nhất tại Đắk Lắk từ trước đến nay, và cũng là "cú đột phá" đầu tiên của liên doanh De Heus - Hùng Nhơn tại đất Tây Nguyên.

Theo ông Vũ Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hùng Nhơn, dự án gồm khu trang trại chăn nuôi heo 2.400 con giống cụ, kỵ được chọn lọc và được nhập khẩu trực tiếp từ Hà Lan trên diện tích 80ha; khu chăn nuôi gà giống 30ha; nhà máy giết mổ lợn thịt và sản xuất phân hữu cơ 15ha; khu canh tác theo hướng hữu cơ và đất cây xanh 30ha... 

Toàn bộ dự án được áp dụng quy trình chăn nuôi áp dụng công nghệ 4.0, theo 349 tiêu chuẩn của GlobalGAP.

Vì sao 2 tập đoàn lớn chọn Tây Nguyên làm "đất vàng", xây dựng các khu nuôi heo, gà "khủng"? - Ảnh 3.

Tổ hợp khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Đăk Lăk đang khẩn trương thi công, dự kiến sẽ đưa vào hoạt động trong năm 2021.

Vì sao 2 tập đoàn lớn chọn Tây Nguyên làm "đất vàng", xây dựng các khu nuôi heo, gà "khủng"? - Ảnh 3.

Một trong các dự án chăn nuôi khép kín của Tập đoàn Hùng Nhơn

"Nếu so với các vùng chăn nuôi lớn như Đồng Nai, Bình Dương thì khu vực Tây Nguyên, trong đó có Đắk Lắk gặp khó khăn hơn về đường giao thông, xa các thị trường tiêu thụ lớn, hệ thống dịch vụ logistics còn nhiều hạn chế... Nhưng sở dĩ chúng tôi vẫn chọn đầu tư ở Đắk Lắk, tiếp đó là Gia Lai bởi ở các vùng khác không dễ tìm được diện tích đất đai rộng lớn, xa khu dân cư để xây dựng khu chăn nuôi tập trung áp dụng công nghệ cao" - ông Hùng nói.

Đánh giá về dự án này, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, việc khởi công và đưa vào hoạt động dự án này sẽ đánh dấu bước phát triển quan trọng không chỉ với ngành chăn nuôi Đắk Lắk mà còn có nhiều ý nghĩa to lớn, mở ra triển vọng, đánh dấu một bước phát triển của ngành chăn nuôi Việt Nam nói riêng và nông nghiệp Việt Nam nói chung, tạo ra sản phẩm thịt lợn, thịt gà chất lượng cao để tiến tới xuất khẩu sang thị trường EU.

"Đặc biệt là dự án sẽ góp phần giải quyết đúng những nút thắt của ngành chăn nuôi Việt Nam, đó là giải được bài toán cung cấp ổn định nguồn giống lợn, gà năng suất cao; xây dựng nhà máy giết mổ công nghiệp tập trung đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tạo ra chuỗi liên kết để phát triển bền vững từ con giống - thức ăn - giết mổ/chế biến - phân bón hữu cơ theo mô hình kinh tế tuần hoàn" - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá.

Vì sao 2 tập đoàn lớn chọn Tây Nguyên làm "đất vàng", xây dựng các khu nuôi heo, gà "khủng"? - Ảnh 4.

Lãnh đạo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ NNPTNT, Đại sứ quán Hà Lan và đại diện liên doanh thực hiện nghi thức khởi công Tổ hợp Nông nghiệp công nghệ cao DHN Đắk Lắk ngày 27/9/2020. Ảnh: Nguyễn Chương

Được biết, mới đây 2 Tập đoàn đã làm việc với UBND tỉnh Gia Lai về dự án "Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Gia Lai". Đây được xem như là "cú đột phá thứ hai" của 2 tập đoàn De Heus và Hùng Nhơn tại trung tâm của khu vực Tây Nguyên.

Tại Gia Lai, dự án dự kiến sẽ có quy mô từ 50 ha đến 100 ha, gồm: khu trang trại chăn nuôi 2.500 heo giống cụ kỵ được chọn lọc và nhập khẩu trực tiếp từ Hà Lan; nhà máy giết mổ heo thịt và sản xuất phân hữu cơ; khu điều hành và dịch vụ hỗ trợ.

Bên cạnh đó là khu canh tác theo hướng hữu cơ và đất cây xanh; đất giao thông và hạ tầng kỹ thuật; khu tập kết, thu mua, bảo quản và đóng gói trái cây theo tiêu chuẩn xuất khẩu chất lượng cao.

Theo ông Gabor Fluit - Tổng Giám đốc Tập đoàn De Heus khu vực châu Á, 2 bên sẽ xây dựng Chuỗi liên kết chăn nuôi, gồm: chọn lọc, sản xuất heo giống; giết mổ heo, sản xuất thức ăn chăn nuôi theo hướng hữu cơ, sản xuất phân bón hữu cơ, thương mại sản phẩm chăn nuôi có chất lượng hàng đầu Việt Nam và định hướng xuất khẩu ra khu vực Đông Nam Á.

Vì sao 2 tập đoàn lớn chọn Tây Nguyên làm "đất vàng", xây dựng các khu nuôi heo, gà "khủng"? - Ảnh 5.

Ông Gabor Fluit - Tổng Giám đốc Tập đoàn De Heus khu vực châu Á khẳng định việc lựa chọn Tây Nguyên để thực hiện các dự án chăn nuôi heo, gà "khủng" sẽ là hướng đi đúng đắn. Ảnh: Nguyễn Chương

Việc sản xuất theo chuỗi có hiệu quả kinh tế vượt trội so với sản xuất truyền thống, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thân thiện với môi trường theo các tiêu chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế; đồng thời hướng đến xây dựng quy hoạch thí điểm "vùng an toàn dịch bệnh" chăn nuôi heo.

Ông Gabor cho biết, sau khi hoàn thành dự án tại Gia Lai, tiếp đến 2 Tập đoàn sẽ triển khai các dự án chăn nuôi "khủng" tại Đắk Nông, Kon Tum, Lâm Đồng, nâng tổng công suất lên mức 10.000 đến 15.000 heo giống cụ kỵ, và từ 100.000 đến 120.000 heo ông bà.

Chuỗi dự án, sau khi hoàn thành, sẽ góp phần định hình Tây Nguyên trở thành Trung tâm cung cấp heo giống và phát triển các mô hình chăn nuôi công nghệ cao hàng đầu khu vực Đông Nam Á và Châu Á.

Tập đoàn Hùng Nhơn là đơn vị đi lên từ chăn nuôi gà tại tỉnh Bình Phước. Sau gần 20 năm phát triển đã vươn mình trở thành Tập đoàn đa nghành, hoạt động mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực tại Việt Nam. Hùng Nhơn Group đặc biệt có thế mạnh trong lĩnh vực chăn nuôi gà, heo quy mô lớn, ứng dụng công nghệ tiên tiến với quy trình khép kín từ con giống, thức ăn, cho đến chế biến giết mổ theo tiêu chuẩn ISO, Global GAP...

Trong lĩnh vực chăn nuôi, Hùng Nhơn hiện sở hữu hơn 130ha trang trại, trong đó có 20 trang trại gà thịt cung cấp cho thị trường hơn 3 triệu con gà mỗi năm; 8 trang trại gà đẻ cung cấp hơn 130 triệu quả trứng; 48 trang trại nuôi heo sạch, cung cấp ra thị trường 9.600 con heo nái và 250.000 con heo giống mỗi năm.

Tập đoàn De Heus Việt Nam trực thuộc Tập đoàn Hoàng Gia De Heus (Hà Lan), chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi chất lượng cao cho gia súc, gia cầm và thủy sản với các thương hiệu nổi tiếng như: De Heus, Windmill, Koudijs.

Tại Việt Nam, De Heus hiện có 9 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi và hệ thống các kho trung chuyển hoạt động trên khắp cả nước. Tập đoàn này đang là một trong 15 nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi toàn cầu, và thuộc top 3 tại Việt Nam.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem