Vì sao bế tắc Nga-Ukraine-NATO khó giải quyết hơn cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba?

Phương Đăng (theo The National News) Thứ sáu, ngày 14/01/2022 11:00 AM (GMT+7)
Sự leo thang căng thẳng hiện nay giữa Nga-NATO liên quan đến Ukraine phức tạp hơn nhiều, không có cách giải quyết ngay lập tức hoặc trong ngắn hạn, theo The National News.
Bình luận 0
Vì sao bế tắc Nga-Ukraine-NATO khó giải quyết hơn cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba? - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Vladimir Putin nói chuyện với Tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov tại Trung tâm Kiểm soát Quốc phòng ở Moscow vào tuần trước. Ảnh AP

Các phái đoàn ngoại giao của Nga, Mỹ, NATO đã gặp nhau tại Geneva và Brussels trong tuần này. Mục đích của các cuộc đàm phán là tìm ra giải pháp cho những căng thẳng địa chính trị đang bùng phát ở Đông Âu.

Khởi nguồn của các cuộc đàm phán này là Nga đã sử dụng chiến thuật quân sự hóa như một "con bài" ngoại giao trước các cuộc gặp với Mỹ, NATO. Tất nhiên, mục tiêu là để gây áp lực cho phương Tây trên bàn đàm phán.

Rõ ràng, theo The National News, Moscow huy động tới 10 vạn quân áp sát biên giới với Ukraine là vì họ tin rằng đây là cách tốt nhất để cải thiện khả năng đàm phán của họ - đặc biệt là với Mỹ - như một động thái phủ đầu nhằm ngăn chặn sự bành trướng của NATO về phía đông, mà Nga coi là mối đe dọa đối với an ninh của nước này.

NATO, xét cho cùng, là một chiếc ô an ninh phương Tây do Mỹ lãnh đạo, được tạo ra nhằm mục đích hạn chế ảnh hưởng của Liên Xô ở châu Âu. Mặc cho sự sụp đổ của cái gọi là Bức màn sắt (biên giới vật lý lẫn tư tưởng mang tính biểu tượng chia cắt châu Âu thành hai khu vực riêng rẽ từ cuối Thế chiến II vào năm 1945 đến cuối cuộc Chiến tranh lạnh vào năm 1991), NATO vẫn tồn tại cho đến ngày nay.

Vì sao bế tắc Nga-Ukraine-NATO khó giải quyết hơn cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba? - Ảnh 2.

Một máy bay tuần tra P2V Neptune của Mỹ bay qua một tàu chở hàng của Liên Xô trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba trong bức ảnh năm 1962. Ảnh Getty

Một khi đàm phán thất bại và Nga không đạt được bất cứ yêu sách nào, lựa chọn quân sự của Moscow sẽ là tiến vào Ukraine, tâm điểm của cuộc khủng hoảng châu Âu, khi mà quân đội Nga ở biên giới đã tập hợp đủ và sẵn sàng hành động.

Khao khát của Ukraine trong việc gia nhập NATO được xem là lằn ranh đỏ đối với Nga, quốc gia coi Kiev phải nằm trong phạm vi ảnh hưởng của mình. Một nguồn cơn khác gây khó chịu cho Nga là việc phương Tây tiếp tục hợp tác quân sự với các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ khác ở Đông Âu.

Moscow tin rằng cần phải làm gì đó ngay bây giờ, bởi vì sự mở rộng dần dần của NATO sang các lãnh thổ thuộc Liên Xô cũ sẽ còn khó để đối phó hơn trong những năm tới nếu bây giờ họ chần chừ.

Những lời đe dọa lẫn nhau từ cả hai bên (Nga và NATO) đều có những tác động nguy hiểm trong bối cảnh căng thẳng leo thang.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov dường như tin rằng một giải pháp ngoại giao là khả thi, lý do của ông có thể là đối với cả Mỹ và NATO, việc duy trì quan hệ với Nga quan trọng hơn việc Ukraine có thể gia nhập NATO.

Nhưng nếu ngoại giao thất bại, câu hỏi đặt ra là liệu Nga có mạo hiểm đưa quân vào Ukraine hay không, đặc biệt là khi họ muốn có một giải pháp vào cuối tháng 1.

Vào thời điểm hiện tại, điều này rất khó để dự đoán, theo The National News.

Trên thực tế, bế tắc liên quan đến Ukraine không thể so sánh với cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, vốn ít phức tạp hơn nhiều.

Hiện nay, bế tắc liên quan đến Ukraine đại diện cho cuộc đọ sức của hai siêu cường đang khiếp sợ lẫn nhau.

Sức mạnh chênh lệch giữa Mỹ và Nga ngày nay lớn hơn nhiều so với Mỹ và Liên Xô trước đây. Nga không còn hùng mạnh về mặt quân sự hay kinh tế như Liên Xô trong thời kỳ hoàng kim.

Mặc dù nỗi sợ hãi về nguy cơ leo thang hạt nhân giữa 2 cường quốc, so với thời Chiến tranh Lạnh, cũng đã giảm bớt nhưng điều khiến cuộc khủng hoảng hiện nay trở nên nguy hiểm hơn là tình hình an ninh phức tạp ngày nay, với một loại hình chạy đua vũ trang khác - liên quan đến tên lửa xuyên lục địa - đang diễn ra.

Vì sao bế tắc Nga-Ukraine-NATO khó giải quyết hơn cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba? - Ảnh 3.

Căng thẳng Nga-Ukraine-NATO có nguy cơ dẫn đến xung đột ở châu Âu. Ảnh IT

Cũng khó có thể thấy trước được liệu Mỹ sẽ nhượng bộ đến mức nào trước yêu cầu của Moscow trong việc kiềm chế NATO và thay đổi cấu trúc liên minh của họ. Sự phân cực chính trị ở Mỹ hiện nay có thể đã làm suy yếu nhiệm kỳ Tổng thống của Joe Biden và cũng chính sự phân cực này sẽ khiến ông Biden không can dự nếu xảy ra kịch bản Nga đưa quân vào Ukraine.

Chúng ta sẽ sớm biết liệu ngoại giao có giành được chiến thắng trong việc giữ hòa bình - hay thất bại trong các cuộc đàm phán sẽ dẫn đến đối đầu, xung đột và có thể là một loại Chiến tranh lạnh mới.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem