Vì sao các vườn trồng cao su ở Đắk Lắk lại đông vui thế, nông dân, doanh nghiệp xông xáo hẳn lên?
"Vàng trắng" tăng cao, nông dân, doanh nghiệp trồng loại cây này ở Đắk Lắk đều "tay bắt mặt mừng"
Thứ bảy, ngày 02/07/2022 18:41 PM (GMT+7)
Người dân trồng cao su trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đang khấp khởi vui mừng vì giá mủ cao su tăng cao. Đây là động lực để các hộ trồng cao su duy trì diện tích cây trồng, chú trọng đầu tư, chăm sóc vườn cây.
Những ngày này, ông Nguyễn Văn Đức, ở thôn 1 (xã Cư Mốt) bắt đầu công việc cạo mủ cao su từ 3 giờ đến 6 giờ sáng. Vất vả là thế, nhưng ông Đức không cảm thấy mệt mỏi vì đây là năm đầu tiên gia đình ông được hưởng niềm vui khi giá mủ cao su tăng cao.
Năm 2010, ông Đức chuyển đổi 1 ha điều sang trồng cao su. Tuy nhiên, đến thời kỳ thu hoạch thì giá mủ cao su liên tục giảm, thu không đủ bù chi khiến kinh tế gia đình ông rất khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Đức, xã Cư Mốt (huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk) thu hoạch mủ cao su trong bối cảnh giá "vàng trắng" này tăng cao.
Thời điểm đó, không ít hộ dân trong xã chặt bỏ cao su để chuyển sang trồng các loại cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. "Gia đình tôi cũng tiến thoái lưỡng nan, nhưng cuối cùng vẫn quyết định giữ lại vườn cao su", ông Đức nhớ lại. Hiện mủ cao su đông được thu mua với giá 17.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Mỗi tháng ông Đức thu lãi hơn 10 triệu đồng từ vườn cao su.
Tại huyện Cư M’gar, nhiều hộ trồng cao su cũng vui mừng huy động nhân công để khai thác mủ cao su. Ông Nguyễn Xuân Đình, ở thôn 1 (xã Ea Tar) cho biết, 3 ha cao su của gia đình đã bước vào thời kỳ kinh doanh.
Với giá mủ cao su hiện tại, sau khi trừ chi phí gia đình ông thu về hơn 25 triệu đồng/tháng. "Giá mủ cao su hiện nay không thể so được với thời "hoàng kim", nhưng so với các năm trước... đã là mơ ước của người trồng cao su", ông Đình nói trong vui mừng.
Trong số 34.333 ha cao su toàn tỉnh, có 25.863 ha đang trong thời kỳ kinh doanh, cho sản phẩm; năng suất đạt 14,78 tạ/ha, sản lượng đạt 38.234 tấn/năm.
Không chỉ các hộ gia đình mà tại các nông trường, công ty trồng cao su trên địa bàn tỉnh, không khí làm việc cũng hào hứng hơn. Công ty TNHH MTV Cao su Ea H’leo có 4.812 ha cao su, trong đó có 3.600 ha đang trong thời kỳ kinh doanh, còn lại là diện tích kiến thiết cơ bản.
Công ty có 1.351 cán bộ, công nhân viên. Ông Trương Công Lực, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết: "Sau nhiều năm ì ạch, việc giá mủ cao su liên tục tăng trong thời gian gần đây giúp tinh thần làm việc của công nhân phấn khởi hơn hẳn.
Từ đầu năm 2022 đến nay, giá bán bình quân mủ cao su thành phẩm dao động từ 36 - 38 triệu đồng/tấn. Với giá mủ cao su hiện nay, cán bộ, công nhân viên hy vọng, tin tưởng thu nhập trong năm 2022 được nâng lên".
Theo số liệu thống kê của Sở NNPTNT, toàn tỉnh hiện có 34.333 ha cao su, tập trung chủ yếu ở một số địa phương như: Ea H’leo, Krông Năng, Cư M’gar, Ea Súp...
Nhìn lại chu kỳ hơn 10 năm qua có thể thấy, trước năm 2010, giá mủ cao su giảm rất thấp, sau đó tăng lên mức cao vào năm 2011, đỉnh điểm giá có lúc đạt 100 triệu đồng/tấn. Từ năm 2014 đến 2018, giá mủ ở mức dưới 30 triệu đồng/tấn, sau đó nhích dần lên. Từ cuối năm 2021 đến nay, giá mủ cao su đã tăng trở lại.
Việc giá cả tăng cao ngay đầu vụ khai thác là tín hiệu mừng giúp nông dân có thêm động lực khai thác, chăm sóc và củng cố niềm tin với loại cây đã từng được coi là “vàng trắng” này.
Để bảo đảm vườn cây sinh trưởng tốt, có sản lượng cao, người trồng cao su nên đầu tư chăm sóc, giảm số lần cạo, chỉ cạo D2 (2 ngày cạo 1 lần) hoặc D3 (3 ngày cạo 1 lần). Việc tận thu cạn kiệt lượng mủ trong cây cao su để bù lại thời điểm giá cả thấp sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ, năng suất mủ và chất lượng vườn cây.
Công nhân Công ty TNHH MTV Cao su Ea H’leo (Đắk Lắk) thu hoạch mủ cao su.
Đặc biệt, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân cần thực hiện đúng quy hoạch, định hướng của địa phương, không nên thấy giá cao su tăng cao mà ồ ạt mở rộng diện tích trồng. Điều này rất nguy hiểm vì sẽ phá vỡ quy hoạch trồng cao su của tỉnh, sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.