Vì sao cấp biển "tứ quý" sau Thông tư 36 là trái luật?

Lê Chiên (ghi) Chủ nhật, ngày 19/06/2016 17:00 PM (GMT+7)
Tôi đọc báo thấy có trường hợp cấp biển số tứ quý cho 1 cán bộ ở Hậu Giang khi Thông tư 36 về yêu cầu các xe đăng ký mới đều được cấp biển 5 số đã có hiệu lực. Xin hỏi luật sư, hành động cấp biển này liệu có trái luật và sẽ bị xử lý ra sao? (Bạn đọc N.T.H, Hà Nội)
Bình luận 0

Bạn N.T.H thân mến. Về câu hỏi của bạn, luật sư Trần Thị Thúy (Công ty Luật  Hợp danh Thái Bình Dương – ĐLS Nghệ An) trả lời như sau:

Theo quy định tại thông tư 36/2010/TT-BCA ngày 12.10. 2010 của Bộ Công an thì từ ngày 06.12.2010, toàn bộ các xe đăng ký mới đều được cấp biển số 5 số. Các trường hợp sang tên, di chuyển giữ nguyên biển số cũ (trừ biển loại 3 số hoặc 4 số thì cấp đổi sang biển 5 số).

Theo thông tin mà báo chí đưa, chiếc xe của ông Bùi Hoàng Bào (Hậu Giang) đăng ký lần đầu vào ngày 9.6.2010, mang biển 56P-7918. Đến ngày 13.9.2012, chiếc xe này mới được chuyển sang tên đại tá Bùi Hoàng Bào. Và như vậy, theo quy định của Thông tư 36 thì khi cơ quan chức năng cấp lại biển số xe cho ông Bào phải là biển có 5 số. Việc Phòng CSGT công an tỉnh Hậu Giang cấp biển số có 4 số cho ông Bào là trái quy định, vi phạm pháp luật, có dấu hiệu lạm quyền.

Về hướng xử lý như thế nào thì cần phải làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm khắc hành vi vi phạm của các cá nhân có liên quan trong vụ việc này theo quy định của pháp luật, theo nội quy, quy chế của ngành công an và theo quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức.

Khoản 2, Điều 10, Thông tư số 02/VBHN-BCA ngày 30.10.2015 của Bộ Công an quy định về điều lệnh nội vụ Công an nhân dân nếu rõ “. Khi thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ phải chấp hành đúng quy trình, chế độ công tác theo quy định của Nhà nước và của Bộ Công an.”. Trong khi pháp luật quy định phải cấp biển 5 số mà anh lại cấp 4 số là anh đã làm trái luật rồi.

img

Hồ sơ đăng ký xe của đại tá Bùi Hoàng Bào. Ảnh: Dân Việt

Ở đây, những người cấp biển số xe cho ông Bào là những người thực thi pháp luật, hiểu biết pháp luật, biết là sai nhưng vẫn làm là cố ý làm trái. Do đó cần phải làm rõ động cơ cố ý làm trái (mà cái biển tứ quý 8888 thì  “hot” lắm), có phải do vụ lợi? Sau cái việc này anh được cái gì?...

Làm sai thì phải xử lý kỷ luật, nhất là anh lại là người làm trong bộ máy bảo vệ pháp luật thì càng phải xử lý nghiêm túc. Không thế thì làm sao người dân còn tin tưởng nữa.

Điều 42. Luật Công an nhân dân nêu rõ:  Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân, công nhân công an vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại cho sức khoẻ, tính mạng của người khác, tài sản hoặc lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 3, Nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17 tháng 05 năm 2011 của Chính phủ, quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức thì  một trong các hành vi bị xử lý kỷ luật là: “Vi phạm việc thực hiện nghĩa vụ, đạo đức và văn hóa giao tiếp của công chức trong thi hành công vụ; những việc công chức không được làm quy định tại Luật Cán bộ, công chức”.

Như vậy đủ căn cứ để thi hành kỷ luật đối với những người có liên quan trong vụ cấp biển trái luật nêu trên. Các hình thức kỷ luật đối với người giữ chức vụ lãnh đạo quản lý và người không giữ chức lãnh đạo quản lý đã được nêu rõ trong Nghị định số 34/2011/NĐ-CP (nhẹ nhất là khiển trách, cao nhất là buộc thôi việc). Hội đồng kỷ luật sẽ làm rõ các tình tiết, động cơ, mục đích của hành vi vi phạm… Tùy theo tính chất, mức độ hành vi vi phạm sẽ có hình thức kỷ luật tương ứng.

Cảm ơn luật sư!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem