Vì sao chúng ta không nên nhịn tiểu tiện, đại tiện?

Diệu Thu Thứ tư, ngày 29/03/2017 18:55 PM (GMT+7)
Do nhịn tiểu và ít uống nước nên nhiều người đi tiểu khó, buốt và dễ mắc sỏi trong bàng quang.
Bình luận 0

img

Bệnh nhân nhập viện do thói quen nhịn tiểu và xuất hiện sỏi ở bàng quang. 

Xuất hiện sỏi ở bàng quang vì nhịn tiểu

Ths.BS Trần Thiện Việt – Khoa Ngoại tổng hợp – Bệnh viện E chia sẻ, ông vừa mổ trực tiếp cho bệnh nhân Trịnh Văn X (65 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội) trong tình trạng đái buốt, ngắt quãng, tức nặng vùng bụng dưới.

Sau khi thăm khám, các bác sĩ thấy một khối cứng trên xương mu. Các bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân siêu âm và X-quang ổ bụng. Kết quả siêu âm cho thấy, bệnh nhân bị sỏi bàng quang có kích thước lớn. Phim chụp X-quang cho thấy, hình ảnh sỏi cản quang vùng tiểu khung chiếm gần hết thể tích bàng quang của người bệnh.

Theo người nhà của bệnh nhân X., ông X. phát hiện bị sỏi bàng quang 10 năm nay nhưng không điều trị và thăm khám thường xuyên. Bệnh nhân thường nhịn tiểu và ít uống nước.

Thời gian gần đây, bệnh nhân bắt đầu cảm thấy đi tiểu khó, buốt, đi đái nhiều lần nên đến Bệnh viện E khám. Các bác sĩ siêu âm phát hiện thấy viên sỏi chèn ép gây giãn niệu quản và đài bể thận phải. Theo các bác sĩ, việc bệnh nhân bị tiểu khó, buốt, tiểu nhiều và có sỏi trong bàng quang  là quá nguy hiểm.

Theo BS Việt, trường hợp như bệnh nhân X sống tại Hà Nội có các dấu hiệu như tiểu buốt, đau mà nặng như vậy không phải hiếm.

Bác sĩ Việt cho biết, gần đây số lượng người mắc sỏi bàng quang được phát hiện tăng. Nguyên nhân là do thói quen nhịn tiểu, uống ít nước.  Bởi một bàng quang trung bình có khả năng giữ khoảng 2 lít chất lỏng và việc nhịn tiểu trong một thời gian dài có thể gây hại cho bàng quang. Do đó, các bác sĩ khuyến khích uống ít nhất 2 lít nước/ngày và không nên nhịn tiểu.

“Càng nhịn, bàng quang càng trở thành mảnh đất màu mỡ để vi khuẩn phát triển và gây ra những rủi ro cho sức khỏe”, bác sĩ khuyến cáo.

Ngoài ra, khi phát hiện thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào như đi tiểu buốt, đau tức khu vực bàng quang khi tiểu thì bạn cần đến ngay phòng khám chuyên khoa gần nhất để được tư vấn.

Tắc ruột, sa trực tràng vì nhịn đại tiện

PGS.TS.Nguyễn Mạnh Nhâm, Chủ tịch hội Hậu môn Trực tràng học Việt Nam cho biết, không ít người nhịn đại tiện dẫn đến táo bón, trĩ. Tuy vậy, họ không biết hướng điều trị và không chú ý đến chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng nên bệnh rất nặng.

PGS.TS.Nguyễn Mạnh Nhâm phân tích, khi phân xuống trực tràng sẽ kích thích gây cảm giác muốn đi ngoài. Nhưng nếu phân xuống không đúng lúc, chúng ta cố nhịn, lâu ngày trực tràng quen chứa phân và mất tính cảm thụ, phân nằm tại đó không tống ra ngoài dẫn tới trĩ.

Thói quen nhịn đại tiện phải rặn, lâu ngày thành táo bón, ấn vào dễ dàng nhưng sau sa tăng lên, không đưa vào được. Đoạn trực tràng sa bị nghẽn vì cơ hậu môn co thắt, phù nề, niêm mạc tím tái dần có các mảng hoại tử gây nên viêm dưới phúc mạc, dẫn tới tử vong. Vì vậy, nên tập thói quen đại tiện hàng ngày vào một giờ nhất định và tuyệt đối không nên nhịn đại tiện khi buồn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem