Vì sao CIA che giấu sự thật về cái chết của điệp viên Daniel Dennett?

Thái Quân (theo The New York Times) Chủ nhật, ngày 06/09/2020 20:30 PM (GMT+7)
Cô con gái Charlotte Dennett từng là phóng viên và luật sư tại Vermont nay đã 60 tuổi. Từ hơn 30 năm trước, bà đã bắt đầu một hành trình hết sức kiên trì để đi tìm sự thật về vụ tai nạn máy bay dẫn tới cái chết của cha mình.
Bình luận 0

Với mật danh là "Carat", điệp viên Daniel Dennett của CIA đã hoạt động tại Trung Đông trong suốt Chiến tranh thế giới thứ hai. Năm 1947, điệp viên này đã chết trong một hoàn cảnh đáng ngờ khi chiếc máy bay quân sự chở ông ta bị rơi gần Addis Ababa, Ethiopia. Giờ đây, sau nhiều thập niên, cô con gái vẫn đang kiên trì tìm kiếm những bằng chứng về cái chết của cha mình, đồng thời kiện CIA đã tìm cách ém nhẹm những thông tin về vụ việc này...

Vào thời điểm công bố về vụ tai nạn, Daniel Dennett đang đóng vai trò của một điệp viên mật dưới vỏ bọc tùy viên văn hóa của Đại sứ quán Mỹ ở Liban. Trong khi đó, tại quê nhà ở Massachusetts, con gái nhỏ của Daniel mới được 6 tuần tuổi. Như vậy là trước khi bất ngờ tử nạn, hai cha con nhà Dennett chưa bao giờ có dịp gặp nhau.

Vì sao CIA che giấu sự thật về cái chết của điệp viên Daniel Dennett? - Ảnh 1.

Bà Charlotte Dennett với những tài liệu khai thác được về quá khứ của cha mình.

Cô con gái Charlotte Dennett từng là phóng viên và luật sư tại Vermont nay đã 60 tuổi. Từ hơn 30 năm trước, bà đã bắt đầu một hành trình hết sức kiên trì để đi tìm sự thật về vụ tai nạn máy bay dẫn tới cái chết của cha mình.

Cuộc tìm kiếm này đã đưa Charlotte tới vô số những buổi tiếp xúc với các chuyên viên lưu trữ của chính phủ, các quan chức đã về hưu, cũng như hàng đống tài liệu từ CIA - được cho là còn chứa đựng nhiều bí ẩn mà cơ quan này vẫn cố tình che giấu. Cũng từ đây, bà Charlotte cũng không ngại trong cuộc chiến tại tòa án trước một số nỗ lực mà nhiều cơ quan quan chính phủ, đứng đầu là CIA, đã tìm cách ngăn cản việc điều tra của mình.

Cụ thể như hồi tháng 7/2006, một quan tòa tại Brattleboro với cái cớ đảm bảo an ninh quốc gia đã không cho bà tiếp cận đầy đủ những hồ sơ về cha mình. Còn CIA cũng tuyên bố những đòi hỏi của bà là "không đúng lúc" để từ chối những yêu cầu tương tự như trên.

"Mục tiêu chính của tôi chỉ nhằm tìm kiếm thông tin về những ngày cuối của cha mình - bà Charlotte giải thích - Ông ấy đã đi đâu? Trò chuyện với ai? Quan tâm về chuyện gì? Có điều rõ ràng là trong những bút tích để lại, ông ấy biết có những thế lực nước ngoài đang nhằm vào mình. Tôi muốn biết họ là ai?". Nhưng tòa án vẫn từ chối đưa ra những phán quyết theo yêu cầu của bà Charlotte, và CIA cũng không đưa ra bình luận về vụ kiện này.

Trở lại với quá khứ của điệp viên Daniel Dennett. Từng tốt nghiệp trường Harvard danh tiếng với chuyên ngành nghiên cứu về đạo Hồi, nên vào năm 1943, Daniel đã là tùy viên văn hóa của Đại sứ quán Mỹ ở Beirut, Liban. Nhưng trên thực tế, theo các tài liệu được trình trên tòa án, ông là một điệp viên mật của Phòng Phục vụ chiến lược (OSS), là cơ quan tiền thân của CIA ngày nay.

Theo lời thuật lại của các cựu điệp viên đã nghỉ hưu, Daniel là một chuyên gia về buôn bán dầu mỏ, lĩnh vực vào những năm ngay sau chiến tranh đang dần dần trở thành một trọng tâm được những người cầm quyền tại Trung Đông chú ý.

Ngày 23/3/1947, tờ The New York Times cho đăng một bài báo nhỏ về cái chết của Daniel với tiêu đề: "Máy bay Mỹ rơi tại Ethiopia; 6 người chết". Theo bài báo, sau khi cất cánh từ Jidda (Arập Xêút), chiếc máy bay vận tải C-47 của không quân Mỹ đã rơi xuống một khu vực đồi núi hẻo lánh hiểm trở nằm giữa Asmara và Addis Ababa, cướp đi tính mạng của Daniel, viên phi công, 3 người lính cùng một chuyên gia về dầu mỏ của Bộ Ngoại giao từ Cairo.

Sau này, khi biết được những thông tin đầu tiên về cái chết của cha mình, bà Charlotte đã tin rằng, đây không phải là một vụ tai nạn bình thường. Liên hệ với Cơ quan lưu trữ quốc gia tại Washington, và sau đó là với CIA, bà Charlotte đã tìm ra bản báo cáo về vụ tai nạn. Nhưng có những lý lẽ và nhận xét hết sức mập mờ.

Trong khi theo rất nhiều lời đồn khác nhau, vụ tai nạn trên rõ ràng là một âm mưu phá hoại. Ngay cả người bạn thân thiết nhất của cha bà (là một cựu điệp viên) cũng đã khẳng định như vậy. Charlotte đã tìm gặp được ông này nhờ sự giúp đỡ của các nhân viên trong Cơ quan lưu trữ quốc gia. "Tất nhiên tôi biết về vụ máy bay rơi - ông này nói với bà Charlotte - Chúng tôi luôn nghĩ đó là một âm mưu phá hoại nhưng không thể chứng minh được nó".

Từ thời điểm trên, cuộc đấu tranh thực của của Charlotte với CIA bắt đầu. Trong suốt 6 năm liền, các yêu cầu được cung cấp thông tin của bà gửi tới cơ quan này đều bị từ chối.

Đến năm 2005, bà Charlotte quyết định kiện CIA ra tòa vì đã cố tình che giấu hoàn toàn thông tin về cái chết của cha mình. Trong vòng 1 năm sau đó, quan tòa Garvan Murtha tại Tòa án liên bang ở Brattleboro đã luôn bác bỏ những đề nghị của bên nguyên đơn với lý do "ngăn ngừa việc tiết lộ bí mật về các phương pháp hoạt động tình báo", cho dù đây đã là sự kiện xảy ra từ 60 năm về trước.

Giờ đây, bà Charlotte quyết định nộp đơn lên tòa án cấp cao hơn tại New York với hy vọng đạt được mục đích cuối cùng của mình. "Nếu ai đó đã giết cha tôi, tôi cần phải biết được về âm mưu này" - bà Charlotte đã tuyên bố như vậy trước khi bước vào một cuộc chiến pháp lý mới bắt đầu từ tháng 10/2007 với CIA.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem