Để không còn tình trạng di dân tự do

Khương Lực Thứ bảy, ngày 25/11/2023 19:33 PM (GMT+7)
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 1/3/2020 của Chính phủ, các tỉnh trên địa bàn Tây Nguyên đã tích cực vào cuộc, tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để phấn đấu đến năm 2025 cơ bản không còn tình trạng di dân tự do và hoàn thành công tác bố trí toàn bộ số hộ dân đã di cư tự do.
Bình luận 0

Tại thời điểm ban hành Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 1/3/2020, Chính phủ nhận định, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và địa phương luôn quan tâm chỉ đạo, thực hiện công tác bố trí, sắp xếp ổn định dân di cư tự do và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh, trật tự an toàn xã hội góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Để không còn tình trạng di dân tự do - Ảnh 1.

Trong thời gian qua, các tỉnh trên địa bàn Tây Nguyên đã đã tích cực vào cuộc, tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để phấn đấu đến năm 2025 cơ bản không còn tình trạng di dân tự do và hoàn thành công tác bố trí toàn bộ số hộ dân đã di cư tự do. Ảnh: Khương Lực

Để không còn tình trạng di dân tự do - Ảnh 2.

Ảnh: Khương Lực

Tuy vậy, ở một số địa phương tình hình dân di cư tự do chưa chấm dứt, số hộ dân đã di cư tự do cần bố trí ổn định còn rất lớn, đời sống còn nhiều khó khăn. Tình hình quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường chưa đảm bảo kỷ cương pháp luật hiệu quả thấp, tình trạng khiếu kiện, lấn chiếm, tranh chấp đất vẫn diễn biến phức tạp; hành vi phá rừng, lấn chiếm trái pháp luật diễn biến phức tạp. Vì vậy, cần một giải pháp căn cơ, quyết liệt tổ chức thực hiện hạn chế, chấm dứt tình trạng trên trong thời gian tới.

Mục tiêu Nghị quyết số 22/NQ-CP của Chính phủ phấn đấu đến năm 2025, cơ bản không còn tình trạng dân di cư tự do; hoàn thành công tác bố trí toàn bộ số hộ dân đã di cư tự do (khoảng 24.800 hộ) vào các điểm dân cư theo quy hoạch; hoàn thành việc nhập hộ khẩu, hộ tịch cho các hộ dân di cư tự do đủ điều kiện theo quy định; tập trung hoàn thiện, phát triển hệ thống các công trình cơ sở hạ tầng và phát triển sản xuất bền vững tại vùng dự án bố trí ổn định dân di cư tự do.

Theo Nghị quyết số 22/NQ-CP của Chính phủ, tổng số hộ dân di cư tự do giai đoạn 2015 đến 2019 là 67 nghìn hộ, số hộ đã bố trí ổn định là hơn 42 nghìn hộ. Sau khi Nghị quyết số 22/NQ-CP của Chính phủ ban hành, các địa phương đã tăng cường các giải pháp về quản lý đất đai, quản lý địa bàn và thường xuyên nắm bắt tình hình về diễn biến dân di cư đi, đến trên địa bàn nên tình trạng di dân tự do đi các tỉnh khác đã giảm mạnh dần qua từng năm.

Đáng chú ý, từ tháng 3/2000 đến năm 2022, tổng số hộ dân di cư tự do đã tự ổn định cuộc sống và số hộ được các địa phương bố trí, sắp xếp vào các điểm dân cư theo vùng dự án là hơn 8 nghìn hộ; đồng thời diễn biến dân di cư tự do đã giảm mạnh. Như vậy, đến nay tổng số hộ dân di cư tự do cần được bố trí, sắp xếp ổn định vào các điểm dân cư theo quy hoạch trong thời gian tới là hơn 16 nghìn hộ.

Nhiều năm trước đây, do có điều kiện thuận lợi về đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng cho sự phát triển nông nghiệp, nhất là các loại cây công nghiệp có giá trị nên người dân di cư tự do từ các tỉnh khác kéo đến sinh sống trên địa bàn tỉnh Đắk Nông với số lượng rất lớn. Tính đến tháng 7/2023, tỉnh Đắk Nông có hơn 38 nghìn hộ với gần 174 nghìn khẩu dân di cư tự do từ các tỉnh thành trên cả nước đến sinh sống.

Được sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, từ năm 2005 đến nay, tỉnh Đắk Nông đã phê duyệt và thực hiện đầu tư 13 dự án bố trí, sắp xếp ổn định cho các hộ dân di cư tự do, trong đó 9 dự án đã hoàn thành, 4 dự án dở dang đang tiếp tục đầu tư giai đoạn 2022-2025. Tính đến nay, tỉnh Đắk Nông đã ổn định đời sống cho hơn 32 nghìn hộ, còn hơn 5 nghìn hộ với 24 nghìn khẩu chưa ổn định cuộc sống, cần bố trí, sắp xếp trong thời gian tới.

Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, ông Nguyễn Doãn Hùng – Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông cho biết, tỉnh Đắk Nông đã đề xuất với Bộ NNPTNT cũng như Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, bố trí hỗ trợ cho tỉnh Đắk Nông với số vốn còn thiếu khoảng 400 tỷ đồng để thực hiện hoàn thành 3 dự án đang đầu tư dở dang. "Khi được bố trí các nguồn vốn đó, chúng tôi sẽ thực hiện và ổn định các hộ dân đã di cư tự do đến tỉnh Đắk Nông từ những năm 2000" – ông Hùng nói.

Nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, Đắk Lắk là một trong những địa phương phải đón nhận lượng dân di cư tự do từ các vùng trong cả nước đến nhiều nhất. Qua số liệu thống kê, tỉnh Đắk Lắk cần bố trí, ổn định cho khoảng 10 nghìn hộ với hơn 49 nghìn nhân khẩu dân di cư tự do.

Trong gần 10 năm qua, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai được 13 dự án bố trí dân di cư tự do với tổng kinh phí gần 638 tỷ đồng. Các dự án này đã góp phần bố trí ổn định cho hơn 4.827 hộ dân di cư tự do ở các vùng đến tỉnh Đắk Lắk và giải quyết được khoảng gần 674ha đất ở, đất sản xuất để ổn định cuộc sống cho người dân. Tuy nhiên, nhu cầu về bố trí đất ở, đất sản xuất cho các hộ dân di cư tự do trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk còn rất lớn. Hiện tại, diện tích đất còn lại cần xem xét, giải quyết cho các hộ dân di cư tự do trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk vào khoảng 13.565ha.

Ông Nguyễn Hoài Dương - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết, việc chuyển đổi 13.565ha này đang vướng một số chủ trương trước đây của Chính phủ, ví dụ như Kết luận 176 của Thủ tướng Chính phủ, tại thông báo Kết luận số 176 trước đây quy định đối với các diện tích bị phá rừng thì phải kiên quyết không chuyển đổi mà phải phục hồi lại rừng.

"Đấy là vấn đề nguyên tắc chung, nhưng chúng tôi cho rằng, ở những điều kiện cụ thể, trong bối cảnh cụ thể này nếu chúng ta không bố trí quỹ đất cho dân thì họ vẫn ở rải rác ở trong rừng thì như vậy, nguy cơ phá rừng còn rất lớn. Do đó, địa phương cũng đã có kiến nghị đối với Trung ương thống nhất chủ trương là những vùng xét thấy phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương, phù hợp với điều chỉnh quy hoạch lâm nghiệp của địa phương thì chấp nhận để chuyển đổi và bố trí đất ở, đất sản xuất để sớm ổn định sản xuất, đời sống cho người dân" – ông Dương nói.

Để không còn tình trạng di dân tự do - Ảnh 4.

Hiện nay, nhiều địa phương đang gặp khó trong việc chuyển đổi đất rừng, nhất là ở những nơi do các hộ dân di cư tự do xâm lấn, phá rừng để canh tác. Ảnh: Khương Lực

Để thực hiện chủ trương của Chính phủ đến năm 2025, cơ bản không còn tình trạng dân di cư tự do và hoàn thành công tác bố trí toàn bộ số hộ dân đã di cư tự do, ông Dương cho rằng chúng ta có thể làm được, nhưng phải có trách nhiệm và vào cuộc mạnh mẽ, kể cả các địa phương người dân đến, kể cả địa phương có người dân đi và đặc biệt là Trung ương.

Theo ông Dương, địa phương có dân đến cần phải sớm quy hoạch, bố trí các dự án để vận động, kêu gọi di dời người dân vào vùng dự án với các điều kiện hạ tầng, sinh hoạt, rồi điều kiện sản xuất để đảm bảo người dân có điều kiện có việc làm, thu nhập ổn định và tiếp tục kêu gọi, vận động họ vào. Việc đó là việc cực kỳ khó khăn, nhưng trách nhiệm địa phương nơi có dân đến là phải thực hiện được việc này.

Đối với Trung ương, ông Dương cho rằng, cần phải quan tâm, có những cơ chế chính sách phù hợp như sớm có chủ trương về việc chuyển một số vùng đất nguồn gốc là đất rừng nhưng đã bị chuyển đổi, bị chặt phá từ lâu rồi để sang quy hoạch, bố trí các dự án cho người dân; thứ hai bố trí kịp thời, đủ nguồn vốn để các địa phương triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng và di dời người dân đến các vùng dự án. Thứ ba, giải quyết, điều chỉnh các cơ chế chính sách cho người dân di cư tự do sớm có điều kiện di dời, ví dụ như các sự hỗ trợ trong những tháng đầu tiên họ di dời vào, điều kiện sinh sống, ăn ở, điều kiện di dời vào có phụ cấp với điều kiện thực tế.

Một vấn đề quan trọng nữa là Trung ương cũng cần có chỉ đạo, hỗ trợ các địa phương khó khăn, mà người dân đi để người dân các địa phương đó có điều kiện để có các chương trình dự án ổn định cho người dân tại địa phương để làm sao người dân có thể sống ổn định ở địa phương, quê hương mình, không di dời tự do đến các địa phương khác, gây ra những xáo trộn, bất ổn chung cho việc bố trí dân cư chung của cả nước. "Tôi cho rằng, chúng ta phải làm đồng bộ tất cả những việc thì chúng ta mới ngăn chặn, đẩy lùi và tiến tới chấm dứt tình trạng dân di cư tự do hiện nay" – ông Dương nhấn mạnh. 

Việc thực hiện bố trí sắp xếp ổn định dân di cư tự do luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành quan tâm chỉ đạo, vì vậy các cấp chính quyền địa phương có dân di cư tự do tiếp tục quan tâm tổ chức thực hiện, rà soát tổng hợp danh mục dự án bố trí dân cư vào kế hoạch đầu tư công trung hạn, huy động lồng ghép nguồn vốn hợp pháp khác trên địa bà, hỗ trợ đầu tư hoàn thành dứt điểm các dự án, bố trí sắp xếp các hộ dân di cư tự do vào điểm dân cư theo quy hoạch, tạo điều kiện cho các hộ dân di cư tự do sớm ổn định cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem