Vì sao con nuôi Đường Nhuệ thoát tội ở vụ đánh nhân viên xe khách?

Phạm Hiệp Thứ bảy, ngày 25/07/2020 14:14 PM (GMT+7)
Trong vụ án cố ý gây thương tích do vợ chồng Đường Nhuệ (Thái Bình) cùng đàn em gây ra, con nuôi Đường Nhuệ cũng có mặt ở hiện trường, tuy nhiên nam thanh niên không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Bình luận 0

Cáo trạng mà Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình vừa hoàn tất, truy tố Đường Nhuệ (Nguyễn Xuân Đường, SN 1971, TP.Thái Bình, Thái Bình), vợ Đường Nhuệ cùng nhiều đàn em khác, xác định con nuôi của Đường Nhuệ xuất hiện tại hiện trường thời điểm nạn nhân bị đánh.

Theo đó, vào lúc Đường Nhuệ cùng vợ và các đàn em đánh anh Trịnh Ngọc Anh (nhân viên phụ xe khách ở Thái Bình) tại tầng 2 nhà Đường, Bùi Mạnh Tiến (con nuôi Đường Nhuệ) cùng Phạm Ngọc Quý (SN 2003, Minh Quang, Vũ Thư, Thái Bình) đi lên.

Khi lên đến tầng 2, Quý thấy anh Ngọc Anh đang quỳ dưới nhà, Quý đi đến dùng tay tát vào mặt nạn nhân, lúc này có 1 người can ngăn đẩy Quý ra.

Cáo trạng thể hiện, Bùi Mạnh Tiến là người đưa Quý đến và đi lên tầng 2 nhà Đường Nhuệ. Sau đó Quý có tham gia đánh nạn nhân Ngọc Anh.

Cơ quan điều tra thấy Tiến bản thân không biết việc Đường Nhuệ yêu cầu Ngọc Anh đến nhà để xin lỗi và đánh.

Con nuôi Đường Nhuệ thoát tội ở vụ đánh nhân viên xe khách - Ảnh 1.

Tiến "trắng" (bên phải, con nuôi Đường Nhuệ) mặc dù có mặt ở hiện trường lúc bố nuôi cùng các đối tượng khác đánh nhân viên xe khách nhưng không phải chịu trách nhiệm hình sự. Lý do bởi Tiến "trắng" không tham gia đánh nạn nhân, không kích động ai đánh nạn nhân.

Quá trình các bị can khác tham gia đánh Ngọc Anh, con nuôi Đường Nhuệ không tham gia đánh, không có lời nói, hành động gì kích động đối với các bị can.

Do đó Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình không xử lý đối với Tiến là có căn cứ, phù hợp với quy định của pháp luật.

Đối với 6 người khác, trong đó có anh Trần Anh T (chồng người phụ nữ xảy ra mâu thuẫn với nạn nhân Ngọc Anh trong việc gửi tài liệu), họ là những người có mặt tại nơi xảy ra vụ án nhưng không có lời nói kích động, không tham gia đánh anh Ngọc Anh nên Công an tỉnh Thái Bình không xử lý.

Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình nhận định là có căn cứ, phù hợp quy định của pháp luật.

Với người phụ nữ có mâu thuẫn với anh Ngọc Anh trong việc gửi, nhận tài liệu, cơ quan điều tra nhận định, người này mặc dù có mâu thuẫn với nạn nhân nhưng không nhờ bị can Đường, Dương và các bị can khác giải quyết mâu thuẫn.

Người này cũng không bị Công an tỉnh Thái Bình xử lý, theo Viện kiểm sát cùng cấp, việc làm này phù hợp quy định.

Con nuôi Đường Nhuệ thoát tội ở vụ đánh nhân viên xe khách - Ảnh 2.

Đường Nhuệ đã không thành khẩn khai báo trong quá trình điều tra vụ án.

Ở một diễn biến khác, cáo trạng nêu rõ, bị can Nguyễn Xuân Đường quá trình điều tra không thành khẩn khai báo nên không được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Trong vụ án, mặc dù không có mâu thuẫn với Ngọc Anh nhưng Đường vẫn bắt nạn nhân đến nhà để các bị can khác dùng tay, chân, dây vải… đánh, gây tổn hại 14% sức khoẻ.

Cơ quan điều tra xác định, Đường Nhuệ giữ vai trò là người chủ mưu, khởi xướng, các bị can khác giữ vai trò đồng phạm là người thực hành.

Hành vi của các bị can thể hiện tính chất côn đồ, coi thường các quy định của pháp luật, sức khoẻ của người khác.

Hành vi đó đã phạm vào tội "Cố ý gây thương tích", với tình tiết định khung "Có tính chất côn đồ", quy định tại điểm đ, khoản 2, Điều 134 Bộ luật Hình sự, thuộc trường hợp quy định tại điểm i, khoản 1, Điều 134 Bộ luật Hình sự.

Con nuôi Đường Nhuệ thoát tội ở vụ đánh nhân viên xe khách - Ảnh 3.

Vợ Đường Nhuệ đã thành khẩn khai báo, hơn nữa có bố đẻ được tặng Huân chương kháng chiến chống Mỹ nên được áp dụng tình tiết giảm nhẹ.

Ngoài Đường Nhuệ, vợ hắn cùng 4 bị can khác đã thành khẩn khai báo trong quá trình điều tra. Những người này được áp dụng tình tiết giảm nhẹ.

Giai đoạn truy tố, vợ chồng Đường Nhuệ đã tác động để gia đình nộp số tiền 90 triệu đồng để bồi thường thay cho các bị can, do vậy vợ chồng Đường Nhuệ được áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Đáng chú ý, vợ chồng Đường Nhuệ cùng 1 bị can khác là Phạm Xuân Hoà đều có bố đẻ được Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến chống Mỹ; Hoà sau khi bị khởi tố bị can đã về đầu thú, do vậy vợ chồng Đường Nhuệ cùng Hoà được áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ, quy định tại khoản 2, Điều 51, Bộ luật Hình sự.

Trong vụ án này, nạn nhân Ngọc Anh yêu cầu các bị can bồi thường tổn hại về sức khoẻ, tổn thất về tinh thần số tiền từ 85 đến 95 triệu đồng.

Như đã nói ở trên, gia đình Đường Nhuệ đã nộp 90 triệu đồng để bồi thường cho các bị can.

Nhân thân bất hảo của đàn em Đường Nhuệ

Trong vụ án này, Đào Văn Bằng (SN 1986, Tiền Phong, TP.Thái Bình), là người làm của vợ chồng Đường Nhuệ, không tiền án, tiền sự nhưng nhân thân của gã khá nổi cộm.

Theo đó, năm 2006 Bằng bị Công an phường Lê Hồng Phong (TP.Thái Bình) xử phạt hành chính về hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý.

Đến năm 2008, gã bị Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Bình quyết định áp dụng biện pháp đưa đi cơ sở chữa bệnh bắt buộc, thời hạn 12 tháng.

img

Đối tượng Đào Văn Bằng (bên trái).

Đến năm 2010, gã lại tiếp tục bị Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Bình quyết định đưa đi cơ sở chữa bệnh bắt buộc, thời hạn 12 tháng.

Năm 2013, Bằng bị Toà án nhân dân TP.Thái Bình xử phạt 3 năm tù về tội "Mua bán trái phép chất ma tuý".

Năm 2014 Bằng lại bị Toà án nhân dân TP.Thái Bình xử phạt 1 năm tù về tội "Cố ý gây thương tích, Bằng phạm tội trong thời gian chấp hành án.

Bằng đã được xoá án tích. Trong vụ đánh nhân viên xe khách ở nhà Đường Nhuệ, Bằng bị bắt tạm giam từ ngày 12/4, hiện đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Thái Bình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem